Thị trường cà phê liên tục “nóng”, kịch bản năm 1994 có xảy ra?

coffee beanNgày 9/6/1994, mức giá kỷ lục 43 triệu đồng/tấn được thiết lập nhưng chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn và quay đầu xuống còn 39 triệu đồng/tấn nhưng không thấy ai thu mua nữa.

Thị trường cà phê trong nước và thế giới liên tục nóng những ngày gần đây bởi nhu cầu tăng trong khi nguồn cung khan hiếm.

Giá tăng không ngừng

Giá cà phê robusta trên thị trường London đã leo lên mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 21/2. Tính đến 15h00 GMT, tức 22h tối theo giờ Việt Nam, giá kỳ hạn tháng 5/2011 đã tăng thêm 48 USD, tương đương 2,01% và ở 2.385 USD/tấn – mức cao nhất của kỳ hạn thứ hai kể từ tháng 7/2008. Kỳ hạn tháng 3/2011 trong khi đó tăng 45 USD, tương đương 1,93% lên 2.333 USD/tấn. Tính cả phiên này, giá cà phê robusta đã tăng hơn 14% kể từ đầu năm nay, sau khi tăng 57% trong năm 2010.

Giá cà phê robusta tăng như vậy là theo xu hướng của thị trường New York khi giá cà phê arabica đã tăng 7,1% trong tuần trước và ở mức cao nhất kể từ tháng 5/1997 bởi cung khan hiếm. Giá cà phê arabica cao đã khuyến khích các nhà rang xay đẩy mạnh mua vào loại robusta vốn có giá rẻ hơn để pha trộn.

biểu đồ cà phê

Giới phân tích cho rằng, giá cà phê robusta tăng là bởi tình hình thị trường hiện đang đi ngược dự báo. Trước đây, các ý kiến đều cho rằng thế giới sẽ bước vào năm thứ 3 liên tiếp dư thừa cà phê robusta, nhưng hiện tại sản lượng của Việt Nam không cao như dự đoán, của Indonesia cũng không lạc quan, trong khi nhu cầu lại tăng dẫn đến khả năng thiếu hụt loại cà phê này.

Ở thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô ngày 21/2 đã vượt mốc 43 triệu đồng/tấn – cao nhất từ trước tới nay. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ ở cảng Tp. Hồ Chí Minh, FOB, vượt 2.130 USD/tấn.

Kịch bản năm 1994 có xảy ra?

Giá cà phê nước ta hiện đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, tạo tâm lý phấn khởi cho bà con nông dân. Tuy nhiên nguồn hàng tồn đọng trong dân còn không nhiều nên hoạt động mua bán vẫn diễn ra khá trầm lắng kể từ sau Tết Nguyên đán. Nhiều đại lý đã tăng giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 200 – 300.000 đồng/tấn và mở các điểm thu mua di động để gom hàng dự trữ, nhưng đa phần người dân vẫn không bán mà tiếp tục găm hàng hy vọng giá sẽ cao hơn.

Còn nhớ ngày 09/6/1994, giá cà phê nhân xô đạt mức cao lịch sử 43 triệu đồng/tấn trong bối cảnh trước đó 2 ngày, giá cà phê robusta trên thị trường London đạt mức 3.150 USD/tấn cho kỳ hạn giao tháng 9/94. Khi ấy, các doanh nghiệp trong nước như công ty Ngoại Thương Đak Lak, Ngoại Thương của các tỉnh có trồng cà phê được giao trách nhiệm thu mua, các công ty buôn bán nông sản của các tỉnh, thành phố đã tranh mua đẩy giá lên cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, mức giá kỷ lục này chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn ngủi là từ 11 giờ 30 đến 14 giờ trong ngày là quay đầu xuống còn 39 triệu đồng/tấn nhưng không thấy ai thu mua nữa. Thị trường cà phê tê liệt, 3 ngày sau mới có giá và khi đó chỉ còn 36 triệu đồng/tấn, và sau đó giảm dần.

Trong bối cảnh hiện nay, một số người cho rằng kịch bản của 17 năm về trước sẽ lập lại. Nhưng nhiều ý kiến khác, trong đó có các chuyên gia về cà phê hàng đầu, thì nhận định kịch bản đó sẽ khó xảy ra một lần nữa và giá sẽ leo lên mức cao mới. Dù sao chăng nữa, thị trường cà phê thời gian tới chắc chắn sẽ đối mặt với đợt điều chỉnh giảm bởi hoạt động chốt lời của nhà đầu tư và nhu cầu bán ra của người dân.