Chiếc sừng trâu trong đời sống tộc người M’nông

Tộc người M’nông sáng tạo nhiều giá trị văn hóa làm phong phú cho cuộc sống vật chất và tinh thần của mình. Có những hiện vật tuy đơn sơ như chiếc sừng nhưng chứa đựng những yếu tố độc đáo của đời sống văn hóa tộc người. Sừng được sử dụng làm nhiều đồ dùng như dụng cụ múc nước, tù và, lược chải đầu.

Lúc đầu, đồng bào lấy những chiếc sừng động vật như trâu rừng, bò rừng, sơn dương; về sau họ thu hoạch những chiếc sừng của động vật nuôi như trâu, bò, dê. Đối với người M’nông ở Buôn Đôn, sừng bò rừng (min) là vật dụng không thể thiếu trong những chuyến đi săn. Chiếc sừng min chuyên dùng để múc nước uống. Sừng con min ngắn hơn sừng trâu, cong vừa phải, gọn nhẹ, vành miệng rộng. Trên miệng sừng được nối bằng một sợi dây dài khoảng 3 mét. Khi truy đuổi voi rừng phải vượt qua nhiều sông, suối, rừng cây đầy gian nan, vất vả và nguy hiểm, người thợ săn rất mệt mỏi và khát nước. Để bảo đảm tốc độ, bám sát kịp mục tiêu, mỗi khi gặp sông suối, vũng nước nào đó, người thợ săn không được dừng lại lấy nước mà chỉ cần túm một đầu dây tung ra trúng chỗ có nguồn nước rồi kéo lên, như thế mới có nước uống.

Già làng M’nông thổi tù và làm bằng sừng trâu
Già làng M’nông thổi tù và làm bằng sừng trâu

Già làng M’nông thổi tù và làm bằng sừng trâu

Con trâu là vật nuôi gắn bó thiết thân với cuộc sống đồng bào M’nông. Ngoài việc làm hiện vật trao đổi ngang giá để mua bán, trao đổi, mua sắm tài sản, của cải trong gia đình, con trâu còn mang lại nhiều lợi ích khác. Sừng trâu còn là dụng cụ quý trong gia đình. Người M’nông có câu nói “Con trâu chết nhổ cặp sừng, con voi chết nhổ cặp ngà”. Sừng trâu, sừng dê, sừng sơn dương…từ lâu được đồng bào sử dụng làm tù và. Tù và (h’nung) sừng trâu trở nên phổ biến nhất, gồm hai loại, loại lớn là h’nung lôk, có âm thanh trầm được dùng thổi trong các lễ hội cúng thần linh; loại nhỏ thổi ngang gọi là h’nung ky yơl. Người M’nông dùng loại tù và này như một hệ thống tín hiệu điều khiển cuộc săn bắt voi. Mỗi điệu thông báo một ý nghĩa khác nhau: lên đường săn voi, tiến vào cửa rừng, dừng lại, phát hiện ra bầy voi rừng, phát hiệu lệnh tấn công, thu quân, dẫn voi về làng… Hiện nay, người còn biết thổi đầy đủ các điệu h’nung này chính là “vua voi” Ama Kông.

Cùng với lược bằng tre, người M’nông còn biết đến chiếc lược làm bằng sừng trâu. Nó là một dụng cụ làm đẹp của nữ giới, đặc biệt là các thiếu nữ. Thơ ca dân gian có câu: Kông le dip ma ti/ Nhong le dip ma ko/ Mlo tôr le di ma bom/ L’djoi tanh troi ma sai/Tanh brai bo ma tri du văn/Păn nrih ma ja du khuăch/Rvăch kon bôk ma net nke (Tạm dịch: Xâu hạt cườm đã hợp với cổ rồi/Đôi bông đã hợp với tai rồi/Vợ phải lo dệt khố cho chồng/Dù chỉ dệt khố trắng cũng được/Dù chỉ bới cỏ tranh lên đầu/Dù chỉ bới tóc bằng lược sừng trâu). Qua câu dân ca ấy, các bà, các mẹ dạy bảo, khuyên nhủ con cái biết sống chung thủy, dù cho cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn vẫn giữ được đạo lý, tình nghĩa vợ chồng và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Sừng trâu còn là dụng cụ làm nên văn hóa rượu cần. Trước đây, tục uống rượu cần của người M’nông là uống bằng sừng. Người ta thi uống rượu với nhau xem thử ai uống được mấy sừng. Chủ nhà thường lấy sừng trâu múc nước đầy một sừng và chế dần vào ché rượu cần. Uống hết đến đâu thì chế thêm đến đấy. Khách uống hết một sừng mới được phép thả cần uống rượu ra. Tập quán uống rượu bằng sừng được nhắc đến rất nhiều trong các sử thi M’nông.

Ngày trước, chiếc sừng được đồng bào sử dụng làm vật ngang giá để trao đổi, mua bán trong nội bộ. Một cái sừng tốt có thể đổi được lợn gà, khăn áo. Với giá trị của hiện vật dân tộc học, các bảo tàng và nhà sưu tập cổ vật tư nhân tích cực sưu tầm các loại sừng để trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan, tìm hiểu nét đặc sắc của văn hóa tộc người M’nông.

Theo baodaklak.vn