Tái canh cây cà phê: Ý kiến gan ruột từ doanh nghiệp, nông dân

Với diện tích cà phê cần trồng thay thế và chuyển đổi đến năm 2020 là khoảng 140-160 nghìn ha, doanh nghiệp, nông hộ đang hết sức lúng túng khi phải đối diện với một thực tế nan giải: Vốn. Làm thế nào để trẻ hóa các “cụ” cà phê?

Báo xin ghi lại một số ý kiến của doanh nghiệp trồng cà phê, nông hộ là chủ vườn cà phê già cỗi xung quanh vấn đến này.

tai-canh-cay-ca-phe-y-kien-gan-ruot-tu-doanh-nghiep-nong-dan
Tái canh cà phê hiện rất thiếu vốn

Tỉnh Kon Tum hiện có khoảng trên 2.500 ha cà phê đang ở tuổi “cụ”, cần sớm tái canh. Tuy nhiên cả doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng như nông dân vẫn đang loay hoay khi tìm nguồn vốn thực hiện tái canh.

Với Kon Tum, huyện Đăk Hà là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh. Trong 5 năm tới, huyện này có khoảng 650 ha cà phê cần tái canh (chủ yếu là của các Cty thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam).

Ông Nguyễn Văn Bể – Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê 704, cho biết: Cty hiện có 150 ha cà phê trên 30 năm tuổi cần tái canh gấp. Cty đang loay hoay, không biết triển khai ra sao vì 1 ha cà phê tái canh có giá 209 triệu đồng (giá này được xây dựng từ năm 2014), trong khi việc vay vốn thì vẫn còn khó khăn lắm!

Theo lộ trình, từ năm 2014-2020, Kon Tum sẽ tái canh 300-400 ha cà phê già cỗi. Còn trên thực tế, việc triển khai tái canh cà phê của tỉnh này vẫn rất chậm. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ tái canh được gần 500 ha (kể cả diện tích dân… tự tái canh ở vườn của mình).

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Ngọc Ẩn – Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cho biết: “Tái canh sẽ mất thời gian và thu nhập, trong khi tình hình kinh tế đang rất khó khăn nên doanh nghiệp và hộ dân vẫn chưa mạnh dạn làm”.

Về phía ngân hàng, ông Ẩn khẳng định: “Ngân hàng sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp, người dân xây dựng phương án tái cơ cấu, được ngân hàng thẩm định và chấp thuận. Theo đó, ngân hàng sẽ cho vay tối đa 85% suất đầu tư, lãi suất cho vay sẽ thấp hơn lãi suất hiện tại từ 2-2,5%. Khi vườn cây có thu hoạch (bắt đầu từ năm thứ tư) sẽ thu hồi vốn dần. Thời hạn vay tối đa không quá 7 năm…”.

Chỉ đạo về việc tái canh cà phê của tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Hữu Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Vấn đề tái canh hay không, phải xem xét về mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Việc tái canh phải làm theo lộ trình, từng bước, không làm ồ ạt, không phát động như phong trào vì còn liên quan đến vấn đề giống, vốn, phân bón… Phải làm đến đâu chắc đến đó bởi tiền của dân, tỉnh không thể chỉ đạo một cách áp đặt. Nhất thiết không nên tái canh bằng mọi giá”.

Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (đứng chân ở Gia Lai) đang quản lý 1.020 ha cà phê (820 ha đã kinh doanh). Đây là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc tái canh cà phê của Tổng Công ty. Từ 2007 đến nay, Cty đã thực hiện tái canh được 200 ha. Từ nay đến năm 2020, Cty còn khoảng 100 ha cà phê “cụ” cần trẻ hóa.

Ông Nguyễn Đại Ngọc – Giám đốc Cty, cho biết: Tùy mỗi vùng đất khác nhau mà nhu cầu vốn tái canh khác nhau. Với Cty, mỗi ha tái canh cần từ 230-250 triệu đồng. Làm bài bản, đúng quy trình thì sau 4 năm, cà phê mới cho thu bói. Theo đó, 100 ha cà phê cần tái canh của Cty cần khoảng 14 tỷ đồng. Đây là con số hoàn toàn không nhỏ trong bối cảnh ngành cà phê hiện nay. Vì vậy mà năm 2015, kế hoạch của Cty – theo Giám đốc Ngọc thì “Chỉ cố gắng làm được 15 ha thôi!”.

Cty Cà phê 706 đang quản lý trên 700 ha cà phê. Giám đốc Cty – ông Lê Trung Nguyên, cho biết: “Đến hết năm 2020, gần như toàn bộ vườn cây của Cty cần phải thay thế”. Những năm qua, Cty đã thực hiện tái canh được gần 300 ha. Theo lộ trình thì còn 5 năm nữa, mỗi năm Cty dự kiến thực hiện tái canh khoảng 50 ha. Theo tính toán Cty phải bỏ ra trên 10 tỷ đồng để thực hiện tái canh diện tích còn lại. Trong khi theo Giám đốc Nguyên thì “Nguồn vốn hiện tại là đang rất khó khăn!”.

Đó là với doanh nghiệp Nhà nước, còn với vườn cà phê nông hộ cũng không mấy sáng sủa khi việc tiếp cận nguồn vốn vẫn chưa được thông thoáng. Anh Vũ Văn Tú nhận khoán 0,9 ha cà phê của Cty Cà phê 704 đang rất lo lắng bên vườn cà phê đã già cỗi của mình. Nếu tái canh, anh sẽ mất đi nguồn thu trong thời gian 5 năm. “Hiện tôi vẫn đang nghe ngóng tình hình xem Nhà nước cho vay bao nhiêu, thời gian và lãi suất ra sao” – anh Tú nói.

Nông dân Nguyễn Hộ ở vựa cà phê Ia Sao (huyện Ia Grai, Gia Lai) có gần 2 ha cà phê, trong đó một nửa diện tích đã có tuổi thọ gần 30 năm. Mặc dù rất muốn thay thế vườn cây già cỗi nhưng bỏ ra một số tiền quá lớn – với nông dân là không hề đơn giản. Ông nói: “Lãi cao, thời gian trả nợ lại ngắn, gặp lúc cà phê mất mùa hoặc mất giá sẽ không có tiền trả cho ngân hàng”.

Do phù hợp chất đất, nguồn nước tương đối thuận lợi so với những nơi khác nên ở Ia Sao (huyện Ia Grai), từ lâu cây cà phê đã phát triển và là thế mạnh ở đây. Do có mặt sớm, quá trình trồng thiếu sự chọn giống phù hợp nên hầu như cà phê nông hộ ở vựa cà phê Ia Sao này đều đã đến tuổi thay thế. Trong khi khó tiếp cận nguồn vốn vay, lại đang rất sốt ruột với vườn cà phê ngày càng già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp nên nhiều nông dân đã có “sáng kiến” là… tự tái canh.

Với ông Hộ, trong quá trình chăm sóc hàng năm, thấy cây nào quá kém chất lượng, lập tức ông đào bỏ và thay thế bằng cây khác. Qua nhiều năm “tự tái canh” như trên, vườn cây già cỗi gần 1 ha của ông đã thay thế được vài trăm cây mới.

Theo nhiều nông dân thì “tự tái canh” kiểu này, cái hay là có đến đâu làm đến đấy, không phải chịu áp lực lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên cái dở rất nhiều: Cà phê trước đây trồng dày (1.273 cây/ha), bây giờ trồng mới đồng bộ chỉ áp dụng 900 cây/ha để cây bung cành khỏe, tán rộng, dễ phát triển và cho sai quả…

Nếu cứ thay cây cũ bằng cây mới theo cách trên, vườn cây sẽ vĩnh viễn chịu mật độ dày, năng suất thấp, chất lượng hạt kém. Còn nữa, trong cùng một vườn cà phê lại có cây lớn cây bé, cây già cây trẻ sẽ rất khó khăn trong quá trình chăm sóc, thu hoạch bởi ở mỗi độ tuổi khác nhau, cây cà phê có chế độ chăm sóc khác nhau.

“Với cây cà phê, không thể áp dụng Tứ đại đồng đường như con người được!” – ông Hộ nói vui.

Xem ra, việc tái canh cà phê vẫn còn nhiều gian truân, rất cần sự nhập cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp liên quan để các “cụ” cà phê sớm được trẻ trung trở lại, để ngành cà phê Việt Nam tiếp tục bước những bước đi vững chắc.

Nguồn: nongnghiep.vn