Có chứng nhận cũng chưa… bền vững!?

Trong năm 2014, sản lượng cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận của cả nước đạt trên 850 nghìn tấn, chiếm hơn 50% tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Theo Đề án phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt ngày 1-8-2014 thì con số này đã vượt mục tiêu đề ra (đến năm 2015 có 50% diện tích cà phê sản xuất bền vững có chứng nhận/xác nhận).

>> Mở vận hội cho cà phê Việt

>> Lựa chọn nào cho phát triển cà phê bền vững?

phat-trien-ca-phe-ben-vung

Tuy nhiên trở ngại chính của việc sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận là người sản xuất nhiều khi chỉ bán được một phần sản lượng có chứng nhận, phần còn lại phải bán dưới dạng cà phê thông thường. Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2014, cà phê được sản xuất theo chương trình cà phê bền vững 4C chỉ bán được 20% sản lượng theo giá sản phẩm được chứng nhận, theo chương trình UTZ certified chỉ bán được 30% và theo chương trình Liên minh rừng mưa (RA) bán được 37%.

Có một điểm chung của các chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận là đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc góp phần để sản xuất và phát triển bền vững ngành cà phê, vấn đề mà thời gian qua nông dân, nhà quản lý và các chuyên gia quan tâm và đang nỗ lực thực hiện. Nhưng câu chuyện về một phần không nhỏ sản phẩm cà phê có chứng nhận/xác nhận phải bán với giá cà phê thông thường khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Đó là những lo ngại về tâm lý nông dân có thể quay lưng, thiếu mặn mà với sản xuất cà phê bền vững. Thứ hai là bài học về việc phát triển sản xuất cần bảo đảm thực hiện theo quy hoạch và lộ trình, không phải cứ vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đã là tốt, nhất là với sản phẩm cà phê, giá cả đã và đang phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.

Thêm nữa câu chuyện này cũng là lời cảnh báo để doanh nghiệp và người sản xuất trong nước cần chủ động, lường trước những thách thức. Rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) được nhiều nước sử dụng như “công cụ ngầm” để bảo hộ mậu dịch và sản xuất nội địa. Tuy nhiên, có một thực tế là khi tham gia vào sân chơi thương mại quốc tế, cũng như các thị trường nhập khẩu, phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đúng mức và thiếu kiến thức, thiếu thông tin về hàng rào kỹ thuật. Theo thống kê của Bộ Công thương, rào cản thương mại của một số nước và khu vực đối với hàng xuất khẩu Việt Nam áp dụng cho nhiều loại mặt hàng, trong đó, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Điều đó lý giải vì sao trong thời gian qua nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các nhà nhập khẩu “bắt lỗi”.

>> Để ngành cà phê phát triển bền vững

Để giải quyết bài toán này, đối với mặt hàng sản xuất cà phê có chứng nhận nói riêng và hàng nông, lâm, thuỷ sản nói chung, một số chuyên gia khuyến nghị cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các đơn vị xác nhận/chứng nhận để điều chỉnh hay hủy chứng nhận đối với những sản phẩm có nhiều lỗi, không tuân thủ tiêu chuẩn xác định. Đồng thời cải tiến hoạt động đào tạo, tập huấn và cung cấp thông tin để người sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu của sản phẩm có chứng nhận. Mặt khác, tạo cơ chế liên kết, không để doanh nghiệp đơn độc trong việc vượt qua các rào cản kỹ thuật thương mại. Bản thân doanh nghiệp cũng cần “tự vệ” bằng việc chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu; áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, quy định chặt chẽ về sức khỏe, môi trường, về chứng minh xuất xứ nguyên liệu; thường xuyên theo dõi, cập nhật, phân tích, dự báo diễn biến thị trường, có kế hoạch và biện pháp ứng phó kịp thời đối với những thách thức, rào cản thương mại có thể phát sinh.

Nguồn: baodaklak.vn