Giá cà phê Arabica lên cao nhất 32 tháng do lo ngại hạn hán ở Brazil

Giá cà phê arabica kỳ hạn hôm thứ năm 9/10 lên cao nhất gần 3 năm qua do lo ngại nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu đạt kỷ lục.

Coffee-arabica-Brazil

Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn ICE New York phiên 9/10 tăng 3,4% lên 2,2165 USD/pound, cao nhất từ 20/1/2012.

Giá cà phê arabica đã tăng 2 lần trong năm nay khi những cơn mưa thất thường làm giảm sản lượng cà phê Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, và làm gia tăng lo ngại về tác động tiêu cực đến tăng trưởng của cây cà phê trong vụ tới.

Thời điểm này trong năm là lúc cây cà phê cần mưa cho thời kỳ ra hoa, theo các nhà phân tích. Nhưng thời tiết khô hạn tại Brazil đã khiến một số cây cà phê rụng hoa và một số khác không ra hoa.

Brazil hiện cung cấp 1/3 sản lượng cà phê toàn cầu và ½ lượng cà phê arabica, do vậy, bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào từ nước này đều khiến thị trường toàn cầu nổi sóng.

Hector Galvan, chiến lược gia thị trường cao cấp tại RJO Futures ở Chicago, dự đoán giá arabica sẽ còn tăng khi lo ngại về điều kiện thời tiết ngày càng gây áp lực lớn hơn lên thị trường. Hector Galvan dự đoán giá cà phê arabica sẽ phá mốc 2,4 USD/pound trong 2 tuần tới, bằng mức đạt được hồi tháng 11/2011.

Sản lượng cà phê Brazil vụ vừa qua đạt mức thấp nhất trong 3 năm qua, sau khi các vùng trồng cà phê chính phải gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ hồi đầu năm 2014. Năm tới là năm lẻ trong chu kỳ cà phê 2 năm của Brazil, có nghĩa là sản lượng sẽ thấp hơn kể cả khi điều kiện thời tiết bình thường. Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, có chu kỳ trồng cà phê 2 năm, trong đó sản lượng trong các năm chẵn thường cao hơn những năm lẻ.

Tình hình càng xấu hơn khi sản lượng giảm trong khi nhu cầu liên tục tăng. Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International dự đoán nhu cầu cà phê sẽ đạt 4,95 triệu tấn trong năm 2014, tăng 2,5% so với năm 2013.

Sản lượng cà phê toàn cầu có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu trong niên vụ bắt đầu từ 1/10, và lương thiếu hụt sẽ lên cao nhất 9 năm, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO).

Nguồn: Gafin