Khám phá vẻ đẹp thác Gia Long, Đắk Nông

Thác Gia Long nằm trên địa phận tỉnh Đắk Nông được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ thuần khiết, gần như chưa có bàn tay con người chạm vào. Ngắm thác Gia Long, du khách như đi vào một không gian thiên nhiên mênh mông, cảm giác như ta là người đến đây đầu tiên…

thacgialong

Thác Gia Long gắn với cái tên của một vị vua triều Nguyễn là vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại từng đặt chân đến ngọn thác này. Cảm hứng trước thiên nhiên xinh đẹp, ông cho xây dựng một dinh thự vào năm 1930 để vãn cảnh; lấy tên vua Gia Long đặt tên cho thác. Người dân địa phương lấy đó làm niềm tự hào.

Thác Gia Long nằm ở gần ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Dù đã được khai thác du lịch nhưng không gian nơi đây vẫn còn rất hoang sơ. Nước của con thác từ dòng sông Sêrêpok hùng vĩ của Tây Nguyên về đến đây bị những khối đá chắn lại tạo thành những tầng bậc. Lúc thì dịu dàng lách qua những hòn đá để chảy về hạ nguồn, lúc thì tuôn trào dữ dội. Vào mùa mưa, mặt thác rộng hơn 100 mét, nước từ trên cao đổ xuống tạo thành cuộn sóng lớn. Phía hạ nguồn con thác hình thành những hồ nước rộng lớn. Đây là các hồ tự nhiên nhưng hoàn chỉnh đến mức người ta cứ nghĩ có sự can thiệp của con người. Đẹp nhất phải kể đến hồ tắm Tiên. Vẻ đẹp hoang sơ hoàn mỹ của nó khiến người đời đã nghĩ ra một câu chuyện thần tiên để lý giải cho sự hình thành hồ trên núi này. Chuyện kể rằng, xưa trên trời cao, các nàng tiên nhìn thấy và thường xuyên đến đây vui đùa. Cái hồ rộng lớn ở chân thác quyến rũ các nàng tiên trút bỏ xiêm y để trầm mình trong làn nước mát lạnh. Vì thế, hồ nước này được gọi là hồ tắm Tiên. Khi đến đây vãn cảnh, vua Bảo Đại đã bị câu chuyện này cuốn hút. Đứng trước không gian thiên nhiên hữu tình, ông cũng thường tắm ở hồ nước này mỗi lần đến đây.

Trước đây, muốn vào thác Gia Long, người ta phải đi bộ hơn 10 cây số từ đường lớn. Vua chúa, người giàu thì cưỡi ngựa, cưỡi voi vào đây. Bây giờ, đường sá đã thông thương. Đường nhựa cho xe chạy vào gần đến thác. Do thác nằm xa hơn những ngọn thác khác của dòng Sêrêpok nên đa phần khách chỉ dừng chân lại ở những con thác bên ngoài, ít người đến thác Gia Long. Có lẽ vì thế mà thác mang tên một vị vua Triều Nguyễn vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ, không bị chi phối bởi những công trình kiến trúc. Ngay cả dinh thự của vua Bảo Đại xây dựng cũng đã bị chiến tranh tàn phá và sau này người ta không xây dựng lại.

Hệ sinh thái quanh khu vực thác Gia Long rất phong phú. Qua thác có vô số cây rừng cổ thụ, có nhiều cây tuổi thọ đến trăm năm. Những cây kiền kiền, bạch tùng, du sam, chò xót… với tàn cây rộng lớn và cao vút. Rừng nguyên sinh được bảo tồn nghiêm ngặt. Mật độ rừng rậm rạp và rộng lớn nên vẫn còn giữ được hệ sinh thái đa dạng, thu hút chim muông, thú rừng sinh sống. Không khí mát rượi, thiên nhiên thuần khiết nên hiện nay thác Gia Long được nhiều du khách đưa vào danh mục các điểm phải đến tại Việt Nam. Đến đây chỉ thấy khách Tây mà hiếm thấy khách Việt. Một điều dễ hiểu, du khách quốc tế thích đi tìm giá trị của thiên nhiên thuần khiết. Sau khi đến đây, họ ghi lại hồi ức và chia sẻ với cộng đồng mạng. Những người đến sau tiếp tục dò đường tìm đến thác Gia Long…

* * *

Đắk Nông không chỉ có du lịch gắn với những thác nước hùng vĩ mà còn gắn với du lịch văn hóa hấp dẫn. Được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk vào năm 2004, Đắk Nông quần tụ được gần 30 dân tộc anh em. Họ sinh sống chan hòa với nhau và giữ lại nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Du lịch đến Đắk Nông, khách không chỉ thưởng lãm cảnh thiên nhiên được xem là “đỉnh” mà còn trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em tại đây. Thú vị nhất là những nhạc cụ thô sơ của người dân bản địa nhưng có sức vang vọng cả núi rừng, tạo âm thanh hấp dẫn du khách. Chiêng đá, đàn nước… là những nhạc cụ độc đáo riêng có của vùng này bên cạnh các nhạc cụ cồng chiêng, đàn T’rưng. Nếu gặp may, khách có dịp trải nghiệm thực tế với những hoạt động lễ hội mang tính tâm linh, gắn với đời sống tinh thần của người dân, như các: Lễ mừng lúa mới, lễ ăn trâu, lễ trưởng thành…