Cà phê Đắk Lắk trong cơn đại hạn

Hơn 70% diện tích cây cà phê thiếu nước tưới nghiêm trọng, trong đó hơn 50 ha đã mất trắng, gần 10.000 ha có nguy cơ khô cháy.

images825036_DSC_0251

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 190.000 ha cà phê đang gặp đại hạn lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Hiện nay, hơn 70% diện tích cây cà phê thiếu nước tưới nghiêm trọng, trong đó có hơn 50 ha đã mất trắng, gần 10.000 ha cà phê có nguy cơ bị khô cháy. Vì vậy, nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đã điều chỉnh hạn chế nước tưới cho lúa, ngô và một số cây trồng ngắn ngày khác để dồn nước tưới cứu cây trồng chủ lực này. Tuy nhiên, khô hạn vẫn đang diễn ra gay gắt và nguy cơ sản lượng cà phê sụt giảm nghiêm trọng là điều không thể tránh khỏi.

Dãy đồi cà phê gần 70 ha được ví là “nguồn sống” của các hộ đồng bào dân tộc Êđê ở thôn 4, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đang gặp đại hạn chưa từng có. Cà phê đang kỳ vừa đậu quả, nuôi trái lẽ ra phải xanh tốt nhưng lại sém khô. Những ao, hồ, suối đầy nước mọi năm, giờ cạn trơ đáy. Đất dưới gốc cà phê khô rang như vôi mới ra lò.

Mấy tháng nay, gia đình anh Y Pút Êban, ở thôn 4, thị trấn Ea Pôk cùng mọi người trong thôn tìm mọi cách để có nước tưới cứu cà phê. Anh Y Pút đào giếng ngay cạnh bờ suối, giếng sâu hơn 40 mét nhưng nước vẫn không đủ tưới. Từ đầu vụ, gia đình Y Pút đã đầu tư hơn 18 triệu đồng cho phân bón và dầu bơm tưới cà phê chưa tính công đào giếng, nhưng 9 sào cà phê của anh hiện vẫn sạm vàng, quả teo lép, cây đứng trước nguy cơ khô cháy.

Từ dưới giếng sâu chui lên loay hoay với cái máy bơm, Y Pút gạt mồ hôi đầy dầu và đất: “Có 9 sào cà phê, năm nay không có nước tưới nên giờ chết hết, nước cạn hết rồi, bây giờ không biết làm gì nữa, đào giếng sâu cũng chưa có nước.”

Từ dãy đồi cà phê thôn 4 nhìn xuống, cánh đồng lúa của thôn 3, thị trấn Ea Pôk cũng đã cháy khô, mặt ruộng nứt toác. Ông Y Him Niê, ở thôn 3, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar cho biết: “Năm nay, lúa bị hạn khô hết. 3 sào lúa giờ có gặt cũng chỉ lấy cám cho heo, có hộ còn mất trắng. Còn cà phê thì không có nước tưới, cứ tranh dành với nhau, người đi trước người đi sau là tranh giành nước tưới.”

Bà H’Bluer Niê, cán bộ nông nghiệp thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar cho biết: Toàn thị trấn gieo trồng vụ đông xuân khoảng 190 ha lúa nước thì hiện đã có 86 ha mất trắng. Diện tích cà phê có hơn 1000 ha hiện khoảng 650 ha không có nước tưới. Nếu nắng nóng dài thêm vài tuần, không chỉ mất hết sản lượng, nhiều diện tích cà phê sẽ khô cháy không khác gì cây lúa.

“Nếu kéo dài thế này, người dân không có nước tưới. Cho nên, giờ sẽ tập trung nguồn nước tưới để cứu cà phê”- bà H’Bluer Niê cho biết.

Tại xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, diện tích cà phê đứng trước nguy cơ khô cháy cũng lên tới 250 ha. Ông Y Trem Niê, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar cho biết: các năm trước, cũng có nắng nóng nhưng đủ nước tưới nên cà phê vẫn sinh trưởng bình thường. Còn năm nay, từ đợt tưới thứ 3 đến nay (hơn 1 tháng rồi) cây cà phê dường như thiếu nước tưới hoàn toàn. Lúc đầu bà con còn vét nước hồ, thậm chí dùng máy bơm hút nước giếng sinh hoạt đưa lên cứu cà phê, nhưng giờ thì rất khó khăn.

Ông Y Trem khẳng định, cứ đà này, sản lượng cà phê vụ tới chắc chắn sẽ giảm từ 40-50%: “Có một số hộ chỉ có cà phê mà không có ruộng lúa, có hộ lại có ruộng mà không có cà phê. Cho nên chúng tôi có kế hoạch để điều tiết nước, làm sao vừa tưới cho cà phê lại vừa cứu lúa. Nhưng giờ nguồn nước đã đứt đoạn, dù muốn phân phối đều cũng chịu thua”.

Cư M’gar là huyện có diện tích cà phê chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn đại hạn năm nay do thiếu nước tưới. Tại các huyện: Krông Búc, Krông Pách, Chư Quynh, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột… tuy có nhiều công trình thuỷ lợi thuận tiện cho việc chống hạn cho cây cà phê hơn, nhưng hiện nguồn nước sụt giảm nhanh chóng khiến cây cà phê cũng thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Để cứu cà phê- cây kinh tế chủ lực trong cơn đại hạn này, tỉnh Đắk Lắk đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng người dân nỗ lực chống hạn bằng nhiều biện pháp. Ông Mai Trọng Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi- Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Những vùng lúa và cà phê, xét thấy không thể cứu được lúa nữa hoặc quá thiếu nước thì có thể giảm nước cho lúa mà ưu tiên lượng nước cho cây cà phê, vì thiệt hại cây cà phê hậu quả sẽ rất lớn sau này.”

Thời tiết, khí hậu Tây Nguyên đã có những biến đổi bất thường đang ngày càng khiến cho cuộc sống của cư dân cà phê thêm khó khăn. Những ngày gần đây, tuy đã có những cơn mưa dông nhiệt mang dấu hiệu chuyển mùa, nhưng những thiệt hại mà hạn hán đang gây ra tại ĐắkLắk là chưa thể khắc phục./.

Theo VOV – Tây Nguyên