Cà phê Việt Nam có thể thu về 20 tỷ USD?

Làm thế nào để phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam là câu hỏi không mới nhưng vẫn là mối quan tâm, trăn trở của những người tâm huyết với ngành.

ca-phe_1

Là một trong 7 ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao với kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng thứ 2 sau lúa gạo, trong hai thập niên qua, Việt Nam từ một nước xuất khẩu cà phê chưa được biết đến đã lần đầu tiên vượt qua Brazil trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê xuất khẩu. Niên vụ 2011-2012 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 3,4 tỷ USD. Cà phê Việt Nam hiện có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Đức và Mỹ là hai thị trường lớn chiếm khoảng 23% sản lượng xuất khẩu. Cà phê Việt Nam cũng ngày càng khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản hay Thuỵ Sĩ…

barista-espresso

Theo ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, có được kết quả đó là do trong những năm gần đây, diện tích trồng cà phê luôn ổn định khoảng 500 ngàn ha, riêng Đắk Lắk khoảng 190 ngàn ha; trình độ từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt là chế biến sâu của các DN ngành cà phê ngày càng được chú ý hoàn thiện. Thị trường thu mua tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng diễn ra khác với trước đây. Từ chỗ thụ động, nông dân đã là một trong những chủ nhân quyết định sản phẩm của mình, bán lúc nào và khi nào được giá nhất thì chốt bán. Như vậy là tham gia vào thị trường không chỉ có các DN xuất khẩu cà phê mà còn có người nông dân trồng cà phê. Từ đó có thể tiết kiệm, rút gọn được quy trình trao đổi mua bán cà phê.

Còn nữa, việc tạm trữ cà phê trước đây quyết định chủ yếu là DN, đến nay, quyết định chủ yếu là do các nông hộ trực tiếp sản xuất cà phê.

Sự phối hợp giữa nông dân với các DN xuất khẩu cũng rõ nét hơn, thể hiện ở chỗ nếu như trước đây các DN giao theo hợp đồng cho các thị trường là giao xa về thời hạn nên thường bị ép cấp, ép giá thì nay ngắn hạn hơn, rủi ro đối với các DN cũng giảm bớt. Sự cạnh tranh giữa các DN trong nước và nước ngoài ngày càng khốc liệt hơn nhưng cũng lành mạnh hơn khiến các DN trong nước không còn được chủ động hay độc quyền như trước mà phải tính toán lại trong thu mua, xuất khẩu. Mối liên kết 4 nhà trong năm 2012 cũng thể hiện khá rõ nét. Mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng đã được triển khai đối với ngành cà phê.

Nói về lợi thế của cà phê Việt Nam, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho rằng, ngoài yếu tố đất đai, khí hậu, năng suất còn có yếu tố cần cù, chịu khó và kinh nghiệm về trồng cà phê của người nông dân Tây Nguyên. “Nói đến cạnh tranh thì nói đến lợi thế so sánh. So sánh cà phê Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới thì có thể nói là có lợi thế về chất lượng. Đa số cà phê của Việt Nam là cà phê Robusta (loại cà phê này có thể tạo ra được hương vị của Arabica còn Arabica chỉ thuần tuý có hương vị rất tự nhiên), chính cái đó là lợi thế của cà phê việt Nam đứng về mặt chất lượng. Hơn nữa, nhu cầu Robusta của thị trường thế giới tăng lên (chủ yếu để pha chế, làm cà phê hoà tan), trước đây tỷ lệ Arabica/Robusta là 70-30 thì nay nâng lên là 60-40.

Nói về giá bán của cà phê Việt Nam, tuy có thấp hơn so với một số nước nhưng giá đó cũng tạo được cái thế thị trường cho các nhà rang xay, nhà nhập khẩu và trong 3 năm trở lại đây không thấp hơn mấy, ông Vinh phân tích.

Ông Trương Hồng Phó – Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên lại quan tâm đến vấn đề chất lượng. Ông cho rằng, trong vài năm trở lại đây, chất lượng của cà phê Việt Nam đã được cải thiện, tuy nhiên nếu có sự cố gắng hơn nữa trong vấn đề quản lý, vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật và trong mối liên kết 4 nhà thì chất lượng cà phê Việt Nam sẽ tốt hơn. Muốn vậy, ngay từ bây giờ phải giúp bà con áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật ở tất cả các khâu giống, phân bón, nước…, đặc biệt là vấn đề thu mua sản phẩm theo chất lượng làm cơ sở kích thích người nông dân sản xuất cà phê tốt hơn, qua đó tăng thu nhập và giá trị gia tăng của ngành cà phê Việt Nam.

nguoi-nong-dan

Cà phê Việt Nam cần chăm lo nhiều hơn nữa cho người nông dân

Là chủ DN và là người tâm huyết với ngành cà phê, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Trung Nguyên lại có tham vọng rất lớn với đề xuất một chiến lược cà phê quốc gia. Ông nhấn mạnh: “Những thành tựu của chúng ta đáng ghi nhận trong diễn tiến kể từ khi cà phê du nhập vào Việt Nam, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế, thậm chí chúng ta có thể làm được 10 lần như thế nếu chúng ta định vị lại ngành cà phê Việt Nam trên thế giới.”

Tuy nhiên, để làm được, theo ông Vũ, phải kêu gọi sự quyết tâm của chính chúng ta, có mong muốn, có hoài bão, đem lại lợi ích nhiều hơn, ảnh hưởng nhiều hơn đối với ngành cà phê thế giới. Ông cho rằng, vấn đề tam nông cà phê phải được xác lập lại, phải xem xét hết sức cẩn trọng. Theo đó, nông nghiệp cà phê phải tìm cách giảm thiểu đầu tư, nâng cao sản lượng cà phê, gia tăng chất lượng, khuyến khích tỷ giá. Trời phú cho chúng ta cái mảnh đất này thì chỉ với 500 ngàn ha chúng ta cũng có thể có sản lượng cao hơn nhiều. Còn nông dân trồng cà phê, phải quy hoạch lại, đào tạo, khuyến khích để họ gia tăng sản lượng. Nông thôn cà phê phải thịnh vượng, làm thế nào để nâng thu nhập lên 3-4 lần; tạo sự thịnh vượng, mang lại bản sắc cho người dân vùng cà phê để thu hút du lịch…; hình thành cụm nghề cà phê quốc gia, lấy cà phê làm trung tâm. Ông lấy ví dụ nghề cọ dầu ở Malaysia, họ xây dựng chiến lược, tạo điều kiện vừa nâng cao chất lượng, sản lượng và hình ảnh của cọ dầu.

Theo ông Vũ, cũng phải quy hoạch lại vấn đề cộng tác đa phương. “Trong bối cảnh cạnh tranh với các “tay chơi” toàn cầu, để họ vào “chơi” nhưng không để thao túng. Những phân đoạn nào cần quy hoạch để giữ họ ở đó tạo sự công bằng, chứ hiện nay họ thao túng hết, các quốc gia trồng không quyết định được số phận. Phải xây dựng những doanh nghiệp, những tập đoàn hạt nhân để có thể vươn lên toàn cầu. Nếu tập trung cao độ, tối đa ngay từ bây giờ thì 15 năm sau chúng ta có thể đem về 20 tỷ USD,” ông Vũ khẳng định./.

Theo Caphesieusach.com