Độc đáo hội chọi bò của người Mông

Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, công việc đồng áng đã tạm xong, người Mông ở các thôn trên địa bàn huyện Krông Bông lại nô nức chuẩn bị lễ hội xuân.

Lễ hội xuân thường diễn ra từ ngày mùng 2 và kéo dài đến mùng 6 tết Nguyên đán, với nhiều nội dung phong phú như: múa khèn, hát dân ca, thổi ví lè, thổi lá, ném còn, chọi cù… nhưng độc đáo nhất vẫn là hội chọi bò.

Theo lời kể của các bậc cao niên người Mông, hội chọi bò thể hiện cho sức mạnh, sự dẻo dai, đoàn kết, phát triển của đồng bào Mông; được hình thành từ thập niên hai mươi của thế kỷ trước và được lưu truyền đến ngày nay. Trước đây, khi còn ở quê hương cũ, điều kiện kinh tế chưa phát triển, giao thông đi lại khó khăn, hội chọi bò thường được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền của người Mông (khoảng đầu tháng 12 dương lịch), với quy mô nhỏ trong bản để tạo không khí vui tươi ngày tết. Những năm gần đây, lễ hội này được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán, song song với các hoạt động vui xuân khác với quy mô tổ chức mở rộng hơn, có sự tham gia của nhiều thôn, nhiều xã.

Để có được những con bò tốt tham gia hội chọi bò, nhiều gia đình đã cất công đi các nơi chọn mua những con bò có thân mình thon chắc, chân cân đối, trán sần sùi và quan trọng nhất là cặp sừng to, dài, cong vừa và nhọn về nuôi. Nuôi bò chọi đòi hỏi nhiều công phu: thức ăn phải chọn loại cỏ thật tốt và non, ngoài ra còn phải cho ăn thêm các loại thức ăn khô, nhiều tinh bột như ngô, sắn. Bò chọi được nuôi nhốt và không được giao phối với bò cái, khoảng 2 tháng lại cho bò chọi thử một lần để rèn luyện kỹ thuật chọi.

images816107__nh_minh_h_a

Chuẩn bị cho hội chọi bò, công tác bảo đảm an toàn cho người xem luôn được chú trọng. Bãi chọi thường được chọn là nơi đất trống, thấp, trũng, có cỏ dày càng tốt. Đến ngày hội, các cặp bò bốc thăm thi đấu, những con thắng ở vòng loại được chọn vào vòng chung kết; ở vòng chung kết cũng tiến hành bốc thăm chia bảng, từng cặp bò thi đấu loại trực tiếp. Bốn con bò chiến thắng cuối cùng sẽ vào bán kết và chung kết để chọn danh hiệu Nhất, Nhì, Ba.

Ông Hoàng Văn Bằng Thôn trưởng thôn Noh Prông (xã Hòa Phong) cho biết: “Trước đây phần thưởng cho những con thắng cuộc rất lớn, nhưng hiện nay hội chọi bò mới được khôi phục, ít người biết đến, không có nhà tài trợ nên phần thưởng cho những con thắng cuộc chủ yếu là sự tán dương của người xem, hoặc nếu có cũng chỉ mang tính khích lệ”.

Theo quan niệm của người Mông, con bò là một loài vật nuôi quý, được xem như sự giàu sang của mỗi gia đình nên được nuôi trong chuồng, chăm sóc chu đáo. Con gái Mông khi lấy chồng, thường được bố, mẹ cho một con bò làm của hồi môn. Khác với lễ hội chọi trâu khi trâu thắng cuộc sẽ bị giết để tế thần linh, còn trong hội chọi bò, những chú bò thắng cuộc sẽ không bị giết thịt mà được gia chủ, người dân trong bản hết sức yêu thương, coi đó là một sự may mắn mang đến nhiều tài lộc cho dân bản trong năm mới.

Theo Baodaklak.vn