Tây nguyên, những nẻo đường xuân…

Ngày đầu xuân, chúng tôi hăm hở lên đường làm tour xuất hành trực chỉ Tây nguyên, đón ngọn gió xuân trong lành lồng lộng khắp những nẻo đường xuân xanh ngợp lá hoa.

Thác Dray Nur cuộn khói giữa rừng xanh đâm chồi nảy lộc đầu xuân
Thác Dray Nur cuộn khói giữa rừng xanh đâm chồi nảy lộc đầu xuân

Mùa xuân cũng là thời khắc đẹp nhất để ngắm những dòng thác đẹp hoang dã của Tây nguyên khi dòng nước không quá hung dữ như vào mùa mưa, mà cũng không quá cạn dòng như vào mùa khô. Có lẽ vì thế mà người dân Tây nguyên xem dịp đầu xuân như một mùa lễ hội để cùng nô nức đi chơi thác.

Từ TP.HCM, chúng tôi vượt khoảng 350km để thưởng ngoạn Dray Nur, ngọn thác lớn vào bậc nhất Tây nguyên. Người đi chơi thác đông như trẩy hội. Phần lớn xe máy và xe ôtô mang biển số Đắc Lắc, Đồng Nai, TP.HCM. Những ngày đầu năm, mỗi ngày có đến 3.000-4.000 lượt khách vào thác vãn cảnh xuân.

Men theo từng bậc thang gối vào dốc đá khúc khuỷu dẫn xuống chân thác sâu đến vài chục mét, từng đoàn người vui cười mang theo đồ ăn thức uống quây quần họp mặt bên những gộc đá đen, những gốc cây rừng cổ thụ xòe bóng rợp giữa một vùng khói nước tỏa nơi chân ngọn thác hùng vĩ. Dray Nur thu hút đông người du xuân vãn cảnh chính nhờ ở khuôn viên quanh chân thác rộng rãi, mát mẻ, đủ chỗ vui chơi cho hàng ngàn người.

Khói nước tỏa mờ mịt từ dưới chân ngọn thác đổ ầm ào xuống từ độ cao 30m, rộng ngang hàng trăm mét, tạo nên một không gian xuân rất riêng của thác Đắc Lắc. Cây rừng bạt ngàn đâm chồi nảy lộc mùa xuân càng khiến ngọn thác thêm phần rạng rỡ. Dray Nur quyến rũ du khách cũng nhờ phòng tắm “tiên” lồ lộ giữa rừng với ba bên vách đá núi, dòng nước đổ từ hơn 20m ào xuống giữa vách đá thiên nhiên mời gọi khách đường xa gột rửa bụi trần.

Từ Dray Nur có thể đi bộ qua cầu treo sang ngắm cảnh thác Dray Sap cũng nằm trên dòng Sêrêpôk chảy về hướng tây cách đó khoảng 1km rồi rẽ qua thác Gia Long, thác Trinh Nữ kề bên, hoàn thành mỹ mãn một tour thác đầy sức sống đầu năm.

Phòng tắm thiên nhiên giữa trời của Dray Nur cuốn hút bước chân du khách ngày xuân
Phòng tắm thiên nhiên giữa trời của Dray Nur cuốn hút bước chân du khách ngày xuân

Trở về trung tâm TP Buôn Ma Thuột, đoàn du khách ba người chúng tôi lái ôtô chạy một vòng thưởng xuân phố núi. Không phải là một thành phố du lịch nổi tiếng như “người hàng xóm” Đà Lạt, song Buôn Ma Thuột cũng tấp nập khách du xuân đến từ trời Tây và những tỉnh thành lân cận.

Quảng trường trung tâm về đêm rực rỡ ánh đèn nhuộm vàng những đài phun nước xung quanh chiếc xe tăng biểu tượng cho chiến thắng Buôn Ma Thuột xuân 1975, nơi nhộn nhịp vui chơi của đông đảo nam thanh nữ tú nơi phố núi. Chọn một quán tĩnh lặng dặt dìu nhạc Trịnh, thích thú nhấm nháp từng giọt cà phê đậm đà của thủ phủ cà phê nức tiếng, để rồi đêm về trằn trọc giấc xuân giữa lồng lộng gió cao nguyên.

Quảng trường trung tâm Buôn Ma Thuột về đêm dập dìu khách du xuân
Quảng trường trung tâm Buôn Ma Thuột về đêm dập dìu khách du xuân

Khi phố núi còn chìm trong giấc ngủ, 4g sáng chúng tôi đã lục đục máy ảnh, máy quay phim lên đường sớm để kịp đón bình minh trong Buôn Đôn, điểm du lịch cách Buôn Ma Thuột 40km mà bất cứ ai đặt chân đến Đắc Lắc đều khao khát một lần đến. Buôn Đôn heo hút mà lần đầu tiên tôi biết cách đây 15 năm chưa được đưa vào khai thác du lịch, giờ đây đã mọc lên khá nhiều khu du lịch đông khách.

Trung tâm Du lịch văn hóa sinh thái Bản Đôn nằm giữa khu rừng khộp lộng gió, rộng đến 14.000ha. Hồ Đăk Minh mênh mông nước nằm giữa khu du lịch còn đang mê ngủ, từng đám sương mù lướt ngùn ngụt trên mặt hồ vẽ nên nét đẹp liêu trai. Một chiếc thuyền độc mộc thức sớm lững lờ trôi ngang mặt hồ. Thấp thoáng sau những cánh rừng khộp ven hồ những mái nhà sàn bản Lào vàng ươm màu tre nứa.

Ngày xuân cũng chính là ngày hội voi ở Đăc Lăc cũng như Buôn Đôn. Đi từng đàn nghễu nghện giữa rừng, ào ào lội qua suối, hiền lành vui vầy cùng du khách giữa thôn buôn… đâu đâu cũng thấy voi đen trùi trũi mà rất mực dịu dàng, thông minh dưới sự điều khiển tài tình của những chàng nài voi người Ê Đê.

Sương sớm mờ mịt trên hồ Đắk Min
Sương sớm mờ mịt trên hồ Đắk Min
Ngồi cho chắc nhé! Voi đang bước dò đá đấy
Ngồi cho chắc nhé! Voi đang bước dò đá đấy
Bản Lào lấp lóa vách tre nứa vàng ươm trong nắng sớm giữa rừng khộp xanh lá
Bản Lào lấp lóa vách tre nứa vàng ươm trong nắng sớm giữa rừng khộp xanh lá

Về lại Buôn Ma Thuột khi mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi hỏi đường đi hồ Lắk, nơi nhà vua Bảo Đại đã xây một ngôi biệt điện trên đỉnh đồi ven hồ để thưởng lãm cảnh núi non mỗi khi ông dừng chân săn bắt thú rừng nơi cao nguyên này. Không chỉ có hồ Lắk, dọc đường đi còn có nhiều ngọn đồi đẹp để thỏa sức leo lên “nhìn xa ngàn dặm” như đồi Thánh Giá, đồi Đức Mẹ…

Và rồi hồ Lắk chợt vỡ òa mênh mông bên đường, lấp lánh ánh bạc lướt trên sóng hồ lăn tăn theo mái chèo nhẹ khua của vài con thuyền độc mộc đưa du khách dạo hồ. Leo lên đỉnh đồi ven hồ Lắk dịp đầu xuân, khách ở xa đến mới có dịp vào thăm khu phòng ở của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương nằm trên lầu một của biệt điện, vì khu này ngày thường không phục vụ khách tham quan.

Hồ Lắk lấp lánh nắng chiều
Hồ Lắk lấp lánh nắng chiều

Chọn hồ Lắk là điểm đến cũng chính là chọn hướng đi về phía Đà Lạt để khám phá ngả đường đèo quanh co giữa rừng khá ngoạn mục. Nàng sơn nữ Đà Lạt đã khá quen thuộc trong nhiều lần dừng chân, song mỗi lần đến phố núi cao đầy sương này lại khám phá thêm được nét đẹp mới lạ.

Lướt qua trung tâm Đà Lạt rồi lái xe về hướng Suối Vàng, cả nhóm có một buổi sáng đầy hứng khởi khi tìm ra một dòng suối đầu nguồn Suối Vàng cảnh đẹp như tranh. Những bậc thang xây bằng đá đã vỡ loang lỗ dẫn xuống bờ suối một đoạn rất sâu so với mặt đường đến cả trăm mét. Quả thật, Suối Vàng mới là “chốn lao xao” bước chân khách du xuân.

Chú rùa đá nhô lên giữa làn nước trong xanh ở đầu nguồn Suối Vàng
Chú rùa đá nhô lên giữa làn nước trong xanh ở đầu nguồn Suối Vàng

Chuyến du xuân miền cao vẫn chưa dừng ở Đà Lạt khi xe chúng tôi tiếp tục tìm lối đi về đường mới mở băng đèo nối phố biển với phố hoa. Lần thứ hai đi trên cung đường đèo đẹp khôn tả này, nhưng cảm xúc trong tôi vẫn mới mẻ như lần đầu tiên xuyên qua màn sương mù mịt giăng trước mặt, ở thời khắc mà ngày đã vào giấc giữa trưa.

Đi cùng chúng tôi, ông Đỗ Minh Tiến – một Việt kiều Úc về quê ăn tết, không ngớt lời khen tặng cung đường trong khi tay máy quay phim không ngừng ghi lại những đoạn cua tay áo gắt băng qua những vạt đồi núi tím đỏ, cánh rừng nguyên sinh chìm trong sương mù trên đỉnh núi Bidoup cao 1.700m, con suối ào xuống ven đường đèo vỡ òa dòng thác xinh đẹp…

Cung đường băng núi đầu xuân còn vô vàn hình ảnh đẹp. Đôi vợ chồng chở vội trên xe máy dăm buồng chuối mới chặt trên rẫy về vui vẻ vẫy tay chào. Những em bé người Chil nhảy loi choi trên vách núi đất đỏ tươi hồn nhiên đi chơi xuân. Một vị khách Tây một mình một “ngựa sắt” mạnh mẽ vượt đèo giữa ngút ngàn gió núi…

Con suối đẹp không tên giữa rừng ven đường mới mở nối phố hoa với phố biển
Con suối đẹp không tên giữa rừng ven đường mới mở nối phố hoa với phố biển
Vị du khách "Tây ba lô" một mình một "ngựa" vui vẻ vượt đèo trên cung đường xuân
Vị du khách “Tây ba lô” một mình một “ngựa” vui vẻ vượt đèo trên cung đường xuân
Vài em bé người Chil đi chơi xuân trên vách núi
Vài em bé người Chil đi chơi xuân trên vách núi

Cung đường đèo đã hạ dần độ cao để hòa vào với phố biển Nha Trang. Gió núi còn như lưu luyến mãi với hương xuân Tây nguyên hay sao ấy mà cứ đưa theo về mùi thơm dìu dịu của rừng xanh. Chào nhé, xuân trên miền cao lộng gió! Hẹn mùa sau tìm về để cùng hoa đào phố núi cười với gió đông…

Theo dacsantaynguyen.vn