Cà phê Việt: Không thể lép vế trên sân nhà

Đứng đầu trong nhóm xuất khẩu nông sản, và cũng là sản phẩm để lại nhiều dấu ấn ngay thị trường nội địa, nhưng cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với sự xuất hiện của chuỗi cà phê lớn nhất thế giới tại Việt Nam mang tên Starbucks. Và suốt thời gian qua, câu hỏi được dư luận quan tâm là: Liệu cà phê Việt có chịu lép vế bởi “người khổng lồ” Starbucks.

Cà phê Việt Nam chiếm thị phần lớn của thế giới
Cà phê Việt Nam chiếm thị phần lớn của thế giới

Mới rồi, tại TP Hồ Chí Minh, Starbucks Coffee Company (Mỹ) đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1. Phát biểu tại lễ khai trương, ông John Culver – chủ tịch Starbucks tại Trung Quốc và châu Á – Thái Bình dương của Starbucks – nhấn mạnh: “Thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng để Starbucks có thể phát triển hàng trăm cửa hàng ở nhiều địa phương. Ngoài ra, Starbucks cũng cam kết sẽ hỗ trợ nông dân trồng cà phê, đưa cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới”.

Như vậy, chuỗi cà phê hàng đầu thế giới đã chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Đây thực sự là một thử thách đối với các DN cà phê Việt Nam khi mà Starbucks đã có kinh nghiệm hơn 42 năm kinh doanh tại 61 quốc gia, hiện có 3.400 cửa hàng tại các thị trường ở Trung Quốc và châu Á – Thái Bình dương, với hơn 50.000 nhân viên trong toàn khu vực.

Trước đó, dư luận đã chứng kiến sự cạnh tranh khá gay gắt giữa hai vị “vua” cà phê đó là Trung Nguyên – thương hiệu cà phê hàng đầu tại Việt Nam và Starburks – chuỗi cà phê lớn nhất thế giới đến từ Mỹ. Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc kiêm nhà sáng lập cà phê Trung Nguyên, Starbucks không đáng ngại. “Họ đâu có bán cà phê. Người ta đến đấy chỉ để chứng tỏ mình hiện đại và cá tính thôi. Nếu là dân ghiền cà phê thật, anh sẽ đến chỗ tôi” – ông Vũ nói.

Và trên thực tế, ra đời từ khoảng giữa năm 1996, Trung Nguyên thời điểm đó đến nay đã tạo dựng được uy tín và trở thành thương hiệu cà phê quen thuộc nhất đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Trung Nguyên giữ vững được chữ tín không chỉ vì chất lượng sản phẩm mà còn bởi Trung Nguyên đã luôn có những cải tiến để đến gần được với người tiêu dùng hơn.

Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã khẳng định: Starburks chỉ là người khổng lồ không bản sắc, và Trung Nguyên không e ngại Starburks “Chúng tôi tin rằng cuộc chiến giữa thương hiệu Việt với thương hiệu toàn cầu trong đó chiến thắng sẽ nghiêng về thương hiệu Việt khi có sự đồng lòng của các DN, sự ủng hộ của người Việt, của truyền thông và của các cơ quan nhà nước. Khi cùng nhau, không gì là không thể”

Một số nhà nghiên cứu thị trường quốc tế thì lại cho rằng: người trẻ tuổi sẽ thích văn hóa hiện đại và sành điệu. Starbucks nổi tiếng và rất nhiều người muốn được đến những nơi như vậy. Đó cũng là phong cách của giới trẻ Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, mục tiêu hướng đến của Starbucks là giới trẻ với sự sành điệu và hiện đại. Thế nhưng, không có thị trường nào chỉ có tính một chiều. Một thị trường luôn được hình thành bởi nhiều phong cách, xu hướng. Tương tự như thế là cà phê. Mỗi thương hiệu sẽ tìm được thị phần của mình, nếu tìm được hướng đi đúng. Cà phê Việt ngon ở sự đậm đà. Những không gian bình dân cũng có những thế mạnh riêng. Đặc biệt, chúng có ưu thế về giá cả. Từ lâu, nó đã là một nét văn hoá: văn hoá cà phê, rất Việt. Không nhiều người từ chối một ly cà phê thơm ngon với giá thành hợp lý. Ở Việt Nam, điều ấy đã thành phong cách. Người ta hiếm khi bắt đầu một buổi sáng bên ly cà phê trong những quán sành điệu, thay vào đó là một chỗ ngồi bên góc phố, ven hồ. Và Trung Nguyên đã nắm bắt được tâm lý ấy vì Trung Nguyên hiểu được tâm lý ấy, phong cách ấy của người Việt.

Cho dù nói về kinh nghiệm cũng như số lượng đại lý, cửa hàng trên toàn thế giới, Trung Nguyên có phần non trẻ hơn, song DN Việt này cũng đã xuất khẩu cà phê sang gần 60 quốc gia và đang dự tính tăng số cửa hàng lên 200 trong hai năm tới. Nhưng vấn đề chính ở đây không phải là sự lớn mạnh về số lượng hay thâm niên tồn tại, mà chính là niềm tin của người tiêu dùng đối với Trung Nguyên.

Hội nhập quốc tế, chắc chắn DN Việt sẽ phải cạnh tranh với nhiều DN đến từ nước ngoài, đây vừa là khó khăn nhưng cũng sẽ là cơ hội để DN Việt khẳng định mạnh mẽ hơn thương hiệu, chỗ đứng của mình ngay trên sân nhà. Và cà phê Việt Nam cũng như Trung Nguyên cũng không phải ngoại lệ. Điều quan trọng là họ sẽ phải chiến thắng đối thủ bằng cách nào?

Starbucks có thể sẽ tạo nên một cơn sốt nhưng cơn sốt ấy tồn tại được trong bao lâu, điều đó còn phải chờ thời gian kiểm chứng. Hãy nhìn những tập đoàn lớn như KFC hay Mac Donal cũng đã từng một thời “làm mưa làm gió” trên sân chơi Việt Nam nhưng rồi tất cả cũng chỉ là “cơn sốt”. Cà phê Việt cũng vậy, với giá cả hợp lý và chất lượng tốt, lấy chữ tín làm đầu, chắc chắn các DN Việt sẽ luôn giữ vững thế mạnh ngay trên sân nhà.

Theo đaioanket.vn