Độc đáo với những sản phẩm bằng… gỗ cà phê

Đã từ lâu, khi nói đến cà phê, người ta thường nghĩ ngay đến những sản phẩm như cà phê bột, hòa tan… Thế nhưng có một người với sáng kiến tận dụng thành phẩm của gỗ cà phê, đã tạo ra những sản phẩm lưu niệm và vật dụng gần gũi với đời sống của con người.

Nghệ nhân Võ Văn Hải (trái) đang hướng dẫn người làm kiểm tra các sản phẩm
Nghệ nhân Võ Văn Hải (trái) đang hướng dẫn người làm kiểm tra các sản phẩm

Trong những ngày hè oi bức, trong một ngôi nhà khá đơn sơ ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), nghệ nhân Võ Văn Hải đang hoàn thành nốt những công việc còn lại trước khi đưa những sản phẩm được làm từ gỗ cây cà phê ra thị trường để tiêu thụ.

Đây là những sản phẩm thương mại đầu tiên trong cuộc đời của một nghệ nhân có mối “lương duyên” rất đặc biệt với loại cây cà phê đặc sản của vùng đất cao nguyên này. Nghệ nhân Võ Văn Hải sinh năm 1955 tại thị xã Gò Công (Tiền Giang). Năm 1985, ông cùng gia đình chuyển lên Dak Lak lập nghiệp, hiện là hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak). Ông đã xác lập hai kỷ lục Việt Nam 2011 về Cuốn sách bìa bằng nu cà phê lớn nhất và Kỳ thạch vi ngoạn ảnh Việt Nam.

Ông có cơ hội được đi qua nhiều địa danh trên mọi miền Tổ quốc, cũng như tham gia nhiều hội chợ triển lãm về sinh vật cảnh và chứng kiến được nhiều địa phương lấy những thế mạnh vốn có để đầu tư cho du lịch. Chính vì thế, trong tâm tư của mình, ông vẫn mong muốn được làm những sản phẩm có nguồn gốc từ cây cà phê, vốn là một thế mạnh của Dak Lak nói riêng và vùng đất Tây Nguyên nói chung, để làm nên những món quà lưu niệm phục vụ khách phương xa khi đến tham quan vùng đất Ban Mê này.

Từ ý tưởng đó, ông đã quyết tâm hiện thực hóa sáng kiến của mình về gỗ cà phê. Đầu tiên ông chọn lựa những cây cà phê được nhổ lên, không dùng tới rồi phân loại chúng thành từng khúc. Trên thị trường hiện nay sản phẩm du lịch làm từ cây cà phê không nhiều, phần lớn thành phẩm đều được đem ngâm nên thường có mùi gây khó chịu.

Để khắc phục nhược điểm trên, ông đã quyết định làm mới phương pháp sản xuất của mình, đó là quy trình luộc – sấy. Đây là một quy trình khá công phu để hình thành nên một sản phẩm. Đầu tiên, người làm sẽ tiến hành xẻ các thân cây cà phê và đưa vào lò hấp, sau đó sẽ tiến hành lột vỏ trên thân cây rồi tiếp tục đưa vào lò sấy để làm cho gỗ không bị mục, nhìn trắng và chắc chắn. Cuối cùng, với thành phẩm gỗ thô đã được tái sinh qua những công đoạn trên, ông bắt đầu lựa chọn và tạo hình thành những sản phẩm lưu niệm, vật dụng dân dụng để cung cấp thị trường.

Nhìn những sản phẩm độc đáo được làm từ gỗ cà phê như: liễu việt thư pháp, giá in hình phong cảnh, hộp đựng mứt tết, khung hình nghệ thuật, đèn ngủ nội thất, đồng hồ để bàn, bàn trang điểm…, không ai nghĩ nó được tạo từ những nguồn nguyên liệu được coi là phế phẩm của cây cà phê. Đây thực sự là một sáng tạo bởi từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh, gỗ cà phê thường rất ít được tận dụng hoặc chỉ đem làm củi.

Ngoài ra, số lượng cây cà phê tới tuổi nhổ đi để trồng mới hoặc thay thế bằng giống cây trồng khác là rất nhiều, đây cũng chính là một nguồn nguyên liệu dồi dào để ông thỏa sức sáng tạo và phát triển công việc của mình. Tuy chưa nhiều, ông mới đăng ký 34 mẫu sản phẩm nhưng đã có nhiều nơi đặt hàng của ông để trưng bày và bán cho khách thập phương như quán cà phê Chuông Đá (TP. Buôn Ma Thuột), cửa hàng Thanh Sơn ở quận 1 (TP. Hồ Chí Minh)…

Nghệ nhân Võ Văn Hải với những sản phẩm lưu niệm đầu tiên được làm từ gỗ cà phê
Nghệ nhân Võ Văn Hải với những sản phẩm lưu niệm đầu tiên được làm từ gỗ cà phê

Ông tâm sự, niềm hy vọng khi làm những sản phẩm từ gỗ cây cà phê này là mong muốn được thị trường chấp nhận, từ đó có thể hình thành nên một làng nghề qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân tại chỗ và đưa sản phẩm ra tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài nước.

Hiện tại, nghệ nhân Võ Văn Hải cũng đang gấp rút hoàn thành bộ sản phẩm của mình nhằm trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Dak Lak, qua đó giới thiệu tới khách du lịch những sản phẩm làm từ gỗ cây cà phê, đó là: chiếc ghế Kpan làm bằng nu cà phê dài 10m, rộng 0,8m, dày 0,1m, trọng lượng khoảng 800kg và bộ chiêng gỗ 10 chiếc theo kích thước và hình dáng chiêng thật, gồm 7 chiêng bằng và 3 chiêng có núm.

Theo Báo Đaklak