Vỏ cà phê “gỡ rối” doanh nghiệp

Trước đây, Công ty TNHH Phú Cường dùng nhiều loại nguyên liệu như vỏ hạt điều, lốp xe, than đá… để đốt lò ươm tơ. Khói, mùi khét và cả bụi từ ống khói của nhà máy đã gây nên nhiều bức xúc cho người dân tại thôn 1, xã Đại Lào (TP Bảo Lộc). Nhưng chính vỏ cà phê đã giúp Công ty “gỡ rối” được điều này.

Xử lý vỏ cà phê từ máy ép để làm chất đốt
Xử lý vỏ cà phê từ máy ép để làm chất đốt

Đầu tháng 7/2012, Công ty TNHH Tơ tằm Phú Cường thuê lại nhà máy của Công ty CP sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu dâu tằm tơ Simexco để ươm tơ. Trong quá trình ươm tơ, lò đốt lấy hơi cho lò ươm là khâu đầu tiên quan trọng bậc nhất của nhà máy. Ông Phạm Phú Bình, Giám đốc Công ty, cho biết: “Ban đầu, Công ty sử dụng vỏ điều, lốp ô tô, xe máy để làm nguyên liệu đốt lò hơi. Trong thời gian đầu nhà máy hoạt động, chúng tôi nhận được sự phản ánh của nhiều người dân ở thôn 1, xã Đại Lào và thầy cô giáo trong Trường THPT Lê Thị Pha về chuyện khói, mùi khét, kèm theo bụi từ ống xả gây ảnh hưởng tới bà con. Sau khi nhận được phản ánh, tôi cho nhà máy ngừng hoạt động để khắc phục, như: nối thêm 6 mét ống xả khói, sửa chữa lại lò đốt… nhưng lượng khói, mùi khét, bụi vẫn không thuyên giảm”.

Được biết, trước khi Công ty Phú Cường thuê lại nhà máy để ươm tơ thì Công ty Simexco đã phải “bỏ cuộc” cũng vì do bà con phản ánh khói, mùi khét và bụi từ ống khói gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy phản ánh của người dân là đúng, Công ty Phú Cường đã đến từng nhà giải thích với bà con và hứa tìm cách khắc phục. Sau 4 tháng “cầm cự” sản xuất để tìm hướng khắc phục, ông Bình nghĩ tới việc tận dụng vỏ cà phê để làm nguyên liệu đốt. Nhà máy đầu tư 200 triệu đồng mua một máy ép vỏ cà phê và hệ thống phun sương ở ống xả khói để mong khắc phục được sự cố trên. Vỏ cà phê từ máy ép sẽ trở thành từng khối nhỏ làm nguyên liệu đốt. Sự kết hợp với hệ thống phun sương đã giúp Công ty Phú Cường “gỡ rối”: bụi, mùi khét đã hết, khói không còn lan toả rộng nữa.

Chị Nguyễn Thị Yêm, một trong những người dân (ngụ ở thôn 1, xã Đại Lào), cho biết: “Tôi sống ở đây đã gần 40 năm. Trước đây, người dân chúng tôi khốn khổ vì khói, mùi khét, bụi phủ kín cả thôn, mỗi khi nhà máy hoạt động! Để cuộc sống được yên bình, chúng tôi đã cùng nhau viết đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Một thời gian sau, nhà máy phải ngừng hoạt động, vì gây ô nhiễm. Rồi, sau khi Công ty Phú Cường thuê lại nhà máy, mọi chuyện lại tiếp diễn, khói bụi bay đầy trời. Nhưng khi nhận được phản ánh của chúng tôi, không biết bằng cách nào mà đến nay, Công ty gần như đã khắc phục được sự cố!”. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Pha, cho biết: “Trước đây, ngày nào khói, bụi cũng phủ kín trường, bám đầy áo quần của thầy cô giáo và các em học sinh. Trong 2 tháng lại nay, hiện tượng bụi và mùi khét từ nhà máy ảnh hưởng tới Trường không còn, nhưng khói thì vẫn có nhưng đã giảm. Trường luôn tôn trọng việc sản xuất, kinh doanh của nhà máy. Song, Trường mong muốn Công ty có cách xử lý, nhằm hạn chế tối đa lượng khói hiện còn lại để đảm bảo sức khoẻ, cũng như việc dạy và học cho giáo viên, học sinh của Trường”.

Trong thời gian qua, Công ty Phú Cường đã cố gắng khắc phục tình trạng khói, bụi, mùi khét ảnh hưởng tới khu dân cư và trường học, bước đầu đã có những thành công đáng ghi nhận. Song, để giải quyết tình trạng này dứt điểm, Công ty Phú Cường còn nhiều việc phải làm. Hiện nay, để nhà máy hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, Công ty Phú Cường đang tiến hành thu mua vỏ cà phê với giá 600 đồng/kg để làm nguyên liệu đốt. Không những vậy, Công ty đang tìm phương án tối ưu xử lý khói thải một cách tốt nhất để giảm thiểu ảnh hưởng xấu cho người dân đang sinh sống xung quanh.

Theo baolamdong.vn