Thổn thức một “trái tim” làng

A Man-cán bộ Phòng VH-TT huyện Cư M’gar bảo rằng: “Cái buôn Kon Hrin này thật đặc biệt. Những gì của ông bà có được và để lại cho con cháu thì bằng mọi giá họ phải giữ gìn cho bằng được, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào”. Và câu chuyện bảo tồn di sản của cộng đồng người Xê Đăng ở đây đã dẫn dắt tôi cùng anh bạn A Man đi miên man qua bao phận đời, phận người đau đáu.

Sáng nay, già A Vek không lên rẫy. Ông ngồi thẫn thờ như người vừa đánh mất một thứ gì quí giá lắm. Mắt già dõi theo một khoảng xanh cà phê đang chín đỏ, chờ những bàn tay chăm chỉ thu về. Ai không biết, cứ tưởng già đang nghĩ về một niên vụ cà phê thắng lợi. Hóa ra không phải, già đang buồn và nhớ đến “trái tim” của ngôi làng đã mất. Vừa thấy bóng anh, già hỏi ngay: “Này Man, mày là cán bộ, mày có xin cho buôn Kon Hrin ít cây rừng để làm lại cái nhà rông không đấy? Đã hơn một năm rồi, không còn cái nhà rông thì lũ làng ngủ quên mất”. Giọng A Man chùng xuống: “Dạ, con vừa ở nhà buôn trưởng A Nít về. Nó nói đơn xin làm lại cái nhà rông đã gửi lên xã rồi…. Phải chờ thôi, biết làm sao được”. Lúc này, đôi mắt già A Vek không buồn mở ra nữa. Đôi tay của ông như run lên, thừa thãi. Trong câu chuyện của họ, tôi biết cái nhà rông của làng Kon Hrin được cất lên từ năm 2001, sau những tháng năm nhọc nhằn, đi tìm vùng đất mới để định cư. Đến cuối tháng 10 năm 2009 vừa rồi, “trái tim” của ngôi làng ấy đã bị mưa gió, thời gian làm mục ruỗng rồi sụp xuống. Người ta phải tháo dỡ để xin chính quyền địa phương cho dựng lại, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Cả làng Kon Hrin phải thấp thỏm đợi chờ…

Sự đợi chờ của họ, nói như buôn trưởng A Nít là đã khiến những sinh họat cộng đồng ở đây trở nên buồn tẻ và nhạt nhòa hơn. Đến tháng ba sang năm là đã hai mùa rẫy đi qua, làng Kon Hrin vắng tiếng chiêng, tiếng đàn T’rưng và khèn Klông pút trong lễ hội mừng mùa vì không có nhà rông. Khoảng trống ấy hiện rõ trên từng gương mặt của mỗi người, trong từng nếp nhà quá lặng thinh và yên ả dưới rặng núi Cư Dlây M’nông này. Ở đó, những chiêng, những ché dường như đang thiêm thiếp ngủ, không biết đến bao giờ tỉnh giấc. A Man cũng không khỏi ngậm ngùi: Kon Hrin bây giờ có gì khang khác trước. Như mọi năm, đến thời điểm này cả làng phải rộn ràng chuẩn bị cho đêm hội cúng mùa. Cái tay của già A Vek không ngừng ngơi nghỉ để làm ra cái đàn T’rưng, khèn Klông put cho lũ thanh niên đánh, thổi suốt đêm. Bốn bộ chiêng quí của làng được các nghệ nhân A Vek, A Nép đem ra chỉnh sửa để cho nó ngân lên trước mái nhà rông trong đêm hội. Còn bây giờ thì… A Man thở dài.

Nhà rông, biểu tượng văn hóa của các tộc người ở Bắc Tây Nguyên.
Nhà rông, biểu tượng văn hóa của các tộc người ở Bắc Tây Nguyên.

Nhà rông là “trái tim” làng, giờ nó không còn khiến bao người thổn thức. Tôi nói với A Man: “Anh gắng bỏ công lên huyện xin ít gỗ tận dụng cũng được, giúp bà con dựng lại nhà rông để có nơi mà sinh hoạt, lễ hội hằng năm. Chứ tôi nhìn thấy những đôi mắt của các già ở đây buồn mênh mông quá. Mà họ buồn cũng phải thôi A Man ạ!” Nghe tâm sự của tôi, già A Prih như được an ủi phần nào, ông bảo: “Man ơi, mày cứ xin Nhà nước đi, gỗ gì cũng được. Tao bảo lũ làng đi làm cái nhà rông ngay. Chứ chờ mãi thì tao, A Yam, A Wit và cả A Nép nữa chết hết, ai làm…”. Nói rồi, già A Prih kể về câu chuyện nhà rông của dân tộc mình như một ký ức không bao giờ phai. Rằng ngày xưa, lâu lắm rồi, dân làng người Xê Đăng tụ lại dựng một ngôi nhà thật to để làm nơi vui chơi, nhảy múa và uống rượu cần. Họ chọn một buổi sáng nắng đẹp để dựng nhà. Công việc vất vả và khẩn trương lắm – một tháng, hai tháng, ba tháng… rồi một năm thì nóc nhà cao gần chạm tới trời và tất cả gọi đó là”Nhà rông của làng”. Già A Prih bảo, gọi là nhà rông là bởi bên trên cửa ra vào treo trống to, trống nhỏ. Trên cột to ở một góc nhà thường treo một báu vật do ông bà, tổ tiên để lại, gọi là Yang rông – vị thần bản mệnh của cả làng. Vật báu Yang rông ấy được bọc trong miếng vải, để trong cái chén cổ rồi treo lên trong một giỏ mây. Khi cúng bái hoặc có lễ hội, họ lấy máu con vật hiến tế hòa vào rượu để tắm rửa cho Yang và cầu chúc may mắn cho dân làng.

Linh thiêng và cộng cảm đến như thế, hèn nào không còn mái nhà rông trái tim con người ở Kon H’rin này đau nhói. Từ người già cho đến lũ trẻ nôn nao như đánh mất một cái gì quí giá vô cùng. Tôi cùng A Man và trưởng buôn A Nít đứng trước khoảng sân rộng mênh mông của làng – nơi đã từng có một mái nhà rông trước đây được dân làng Kon H’Rin dựng lên bằng tất cả tâm huyết của mình. Giờ thì không còn nên thành ra trống vắng. Già A Nít kể: Năm 1972, chỉ trong một đêm, lửa đạn của kẻ thù đã biến ngôi làng Kon H’rin (quận Dak Tô – Kông Tum cũ) thành tro bụi. Hơn 200 hộ dân phải ly tán khắp nơi. Người thì sang Buôn Ma Thuột sống trong những trại tập trung, đồn ấp của Mỹ Ngụy, kẻ phải khăn gói lánh nạn sang Plêi Ku – Gia Lai. Thời gian ấy khác nào “cá chậu chim lồng”, họ nhớ đến mái nhà rông như nhớ một mạch nguồn sâu thẳm không khi nào tắt. Đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dân làng Kon H’rin lại cùng đến lập làng ở xã Ea H’Đin-huyện Cư M’gar như bây giờ. Cứ tưởng chiến tranh, tù túng đã vắt kiệt sức dân làng Kon H’rin, nhưng không – họ đứng dậy bằng nội lực tiềm tàng của mình để xây dựng lại cuộc sống mới. Cây cà phê, cao su trên vùng đất này đã nhanh chóng giúp 278 hộ gia đình ở đây có cái ăn, cái mặc và dần dà khá lên từng ngày. Lúc này mái nhà rông lại hiện về trong tâm tưởng bao người. Cả làng dốc sức dựng lên “trái tim” của làng. Ngày ngôi nhà rông được dựng lên (1999), làng Kon H’rin như được tiếp thêm một nguồn sống mới. Lễ hội được mở ra, tiếng chiêng, tiếng trống và điệu khèn Rwai, Klông pút lại du dương, rộn rã giữa buôn làng.

Lời già Y Nít kể đã dẫn dắt tôi nhớ lại đêm lễ hội cúng mùa cách đây ba năm về trước. Cái năm ấy (2008), tôi cùng A Man thức trắng đêm để cảm nhận mạch nguồn và sức sống văn hóa của cộng đồng người Sê Đăng ở đây được gửi gắm, thăng hoa đến không ngờ. Trước mái nhà rông của làng đêm ấy, lửa đã cháy rừng rực một góc trời. Ở đó tôi đã thấy dân làng Kon H’rin như bay lên cùng niềm hân hoan chất ngất. Còn bây giờ? Lòng nặng trĩu mang theo câu nhắn gửi, của già A Wek: “A Man này, mày làm thế nào để xin Nhà nước một ít cây rừng dựng lại ngôi nhà rông để kịp mừng hội mùa sắp tới…”.

Theo baodaklak.vn