Những người “giữ lửa” sử thi Tây Nguyên

“Làm thế nào để gìn giữ sử thi Tây Nguyên, để nó được lưu truyền, hiện diện và sống với cộng đồng?”, câu hỏi ấy cũng là những niềm trăn trở của bao người yêu mến các giá trị đặc sắc của sử thi. Câu hỏi ấy đã được những người tâm huyết trả lời âm thầm bằng việc góp phần làm sợi dây nối kết giữa sử thi với cộng đồng, với thế hệ mai sau, và họ chính là những người “giữ lửa” để dòng sử thi cháy mãi…

Âm vọng lời ot ndrong

Trong căn nhà chật hẹp, bên bếp lửa đỏ hồng và mùi khói thơm nồng mà được nghe hát kể sử thi như miên man lạc bước vào thế giới tự ngàn xưa của những anh hùng mang trong mình biết bao truyền thuyết… đó là lần đầu tiên tôi được biết và nghe nghệ nhân Điểu Klung (buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) hát kể sử thi. Ấn tượng của lần ấy thật khó quên có lẽ bởi không gian đặc thù, bởi lời kể trầm bổng, ngân nga và bởi lòng cảm phục đối với người nghệ nhân luống tuổi ấy. Khi hát kể già như nhập tâm vào thế giới của câu chuyện trong sử thi. Cả gương mặt, ánh mắt của già đều biểu hiện một cách sinh động trạng thái, tính cách, tình cảm của từng nhân vật và chất giọng như ru của già đã truyền cảm, sâu lắng cuốn hút người nghe. Giọng già khi hát kể lúc lên bổng, xuống trầm, lúc kể lể rồi ngân dài như âm thanh của thác suối đại ngàn, của tiếng chiêng cồng trong mùa lễ hội và dần dần lắng đọng. Rồi đến những đoạn trữ tình, đằm thắm, kể về tình yêu của các nhân vật, giọng già lại tha thiết, sâu lắng đến nao lòng. Để rồi cứ thế người nghe bị cuốn hút vào mạch truyện, cuốn hút vào lời hát tựa hồ như bị thôi miên…

Nghệ nhân Điểu Klung và những pho sử thi đồ sộ
Nghệ nhân Điểu Klung và những pho sử thi đồ sộ

Sinh năm 1941, là người con của Bu Prâng (xã Dak Rlấp – nay thuộc tỉnh Dak Nông), cái nôi chính của kho tàng sử thi M’nông ở Tây Nguyên, nghệ nhân Điểu Klung ngay từ khi còn rất nhỏ đã mê say ngồi nghe không biết chán bao câu chuyện kể. Những đêm đi rừng đặt bẫy, bắt cá hay những lúc thảnh thơi vụ mùa được nghe người già trong buôn hát ot ndrong (sử thi), Điểu Klung càng nghe càng thích, mải nghe quên cả ăn, nghe từ chập tối cho đến lúc gà gáy sáng cũng không buồn ngủ. Với trí nhớ thiên bẩm, “chỉ nghe một lần là ot ndrong dính vào tai”, nên ngay từ lúc 7 tuổi, Điểu Klung đã thuộc rất nhiều sử thi, hễ ai muốn nghe kể thì liền cất giọng. Không biết nhiều chữ nhưng lại thuộc gần 100 tác phẩm sử thi và là một trong số rất ít nghệ nhân M’nông biết hát kể nhiều ot ndrong nhất – quả là một trường hợp rất lạ! Có lẽ cũng bởi rất yêu, rất thích, rất mê say những lời hát, câu chuyện kể ấy mới thuộc được nhiều đến vậy. Được mời hát kể sử thi trong Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên”, già đã hát kể và ghi âm trên 50 sử thi M’nông. Trong đó tiêu biểu là các tác phẩm: Thuốc cá ở hồ bầu trời mặt trăng, Bắt con lươn ở suối Dak Huch, Tiăng bán tượng gỗ, Đánh cá hồ lau lách, Bing kon Tooch cướp Leeng, Bán chiêng Yau cho Bon Tiăng, Leeng cướp dê nga kon suh, Tiăng lấy ché con mèo, Klốp cướp Bing Joong Kon Djăng, Diăng Nghe tự tử, Leeng lấy trống đồng Bông Yang Kon The, Tiăng đi lấy sừng trâu, Thần cưa răng Kon Rung… Trung bình mỗi sử thi ghi âm từ 7 đến 10 băng; khi dịch ra song ngữ M’nông – Việt có dung lượng từ 700 đến 1.000 trang. Đó quả là một kho tàng tri thức đồ sộ.

Đã qua 70 mùa rẫy, ở tuổi của già trí nhớ còn minh mẫn để nhớ hết và kể được trọn vẹn một vài sử thi đã là quý lắm rồi, nhưng với già thì dường như những câu chuyện chưa được thu âm vẫn còn nhiều, nhiều lắm. Già tâm sự: “Mình giờ cũng già rồi, không còn nhớ được nhiều như xưa nữa. Chỉ mong lớp trẻ sẽ có người kế tục hát kể sử thi, để sử thi không bị mai một…”. Thực hiện niềm trăn trở đó, già đã truyền dạy cho 7 em nhỏ người M’nông biết hát kể sử thi bằng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Và thành quả đó cũng là niềm hạnh phúc, niềm tự hào của già khi góp thêm một sợi dây kết nối sử thi với thế hệ mai sau.

Lặng thầm “gọt giũa” từng con chữ

Gặp anh, trò chuyện và được nghe anh nói về việc biên dịch sử thi Tây Nguyên mới thấy được lòng nhiệt tình, tâm huyết và niềm say mê của anh đối với sử thi lớn đến dường nào. Người có niềm say mê với vốn văn hóa của cha ông đó là Y Jek Niê Kdăm, biên tập viên tiếng Ja Rai của Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên.

Là một trong những người hiếm hoi ở các tỉnh Tây Nguyên có thể phiên âm, biên dịch sử thi từ tiếng Êđê sang tiếng Việt và dịch khá “chắc tay”, nhưng Y Jek lại tự nhận mình đến với sử thi cách đây chưa lâu. Anh tâm sự: “Để mọi người hiểu cặn kẽ, thấy rõ nội dung cốt truyện, làm toát lên cái hay, cái đẹp; hiểu về giá trị đích thực của nó, đòi hỏi người dịch phải có trình độ chuyên môn nhất định, dịch văn xuôi cũng như dịch thơ vần dày dạn kinh nghiệm; phải là người có trình độ thông thạo hai ngôn ngữ trong lĩnh vực văn học dân gian và một số yếu tố khác nữa trong phê bình văn học… Đó cũng là những khó khăn đối với tôi bởi khả năng dịch văn học cũng như dịch thơ (ở đây chủ yếu là văn vần) còn hạn chế. Trong quá trình dịch thuật tôi đã cố gắng truyền tải những nội dung thực (tạm gọi là dịch thô), nhưng có lẽ không tránh khỏi sự thiếu sót. Có thể nói từ ngữ trong sử thi rất phong phú, đa dạng, nhiều từ cổ và rất đẹp, nên khi dịch làm sao có thể chuyển tải được hết những cái hay, cái đẹp ấy là những khó khăn vô cùng lớn, giống như trái núi khổng lồ, buộc tôi phải vượt qua…”.

Anh Y Jek Niê Kdăm say mê dịch từng trang sử thi
Anh Y Jek Niê Kdăm say mê dịch từng trang sử thi

Khó khăn là vậy, nhưng ngày ngày ngoài giờ làm việc ở cơ quan, anh vẫn dành thời gian cặm cụi bên chiếc bàn con và say sưa ngồi dịch từng trang sử thi Êđê sang tiếng Việt. Không ngại khó, ngại khổ, để có được những bản dịch tương đối hoàn chỉnh, anh đã tìm gặp các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ và nhờ họ giải thích mỗi lúc gặp những từ cổ, những chỗ khó hiểu để việc dịch thuật được chính xác hơn. Từ lúc bắt đầu biên dịch sử thi, anh đã tiếp xúc và trở thành người bạn thân thiết với các nghệ nhân, thấu hiểu được nỗi ưu tư của những nghệ nhân khi họ đang bị lãng quên cùng vốn sử thi đồ sộ. “Mặc dù hồi còn trẻ tôi cũng đã từng nghe, thấy các nghệ nhân hát kể sử thi ở nhiều môi trường diễn xướng khác nhau. Nhưng lúc ấy, tôi cũng như bao người khác chỉ biết nghe, chưa hiểu sâu giá trị của nó; nghe nhiều, thấy nhiều nhưng không đọng lại được bao nhiêu. Đến khi trưởng thành, công tác trong lĩnh vực này rồi được tham gia sưu tầm, biên dịch thì ngẫm lại mới thấy tiếc nuối, mới thấu hiểu giá trị lớn lao của sử thi đối với đời sống tinh thần bà con các buôn làng. Tôi vẫn tiếc nuối vì nhiều nghệ nhân biết hát kể sử thi giờ đã ra đi mãi mãi cùng những bài sử thi đồ sộ. Như trường hợp của sử thi Dăm Điêng ở huyện Krông Năng đã mất vĩnh viễn, vì nghệ nhân biết hát kể sử thi duy nhất này đã “về với ông bà” và mang theo mình sử thi ấy trước khi nó được ghi lại vào vào băng đĩa, sách vở…” – niềm trăn trở ấy cũng là động lực để Y Jek trở thành cộng sự đắc lực của Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” của Viện Văn hóa dân gian. Và đến nay, vừa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, vừa tranh thủ thời gian cho niềm đam mê về sử thi của mình, anh đã tham gia dịch 8 bộ sử thi và đã được xuất bản thành sách như: Dăm Săn, Y Gung Dăng và H’bia Kmrăk Êpang (2 quyển), Sum Blum, Chàng Dăm Bhễn và nàng H’bia H’Nĩ, Dăm Yi chặt đọt mây…

39 tuổi, tràn đầy niềm say mê, với Y Jek hành trình và thời gian dành cho việc biên dịch sử thi, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông mình vẫn còn cả chặng đường dài phía trước…

Theo baodaklak.vn