Thầy cúng trong đời sống tinh thần của người Eđê

Từ ngàn xưa, trong các buôn làng của người Êđê, trên vùng đất đại ngàn Tây Nguyên, bên cạnh vai trò đặc biệt quan trọng của già làng, thì thầy cúng cũng giữ một vị trí không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cả cộng đồng. Bởi họ được xem là sợi dây nối hai thế giới thần và người, là sứ giả có thể đem thông điệp linh thiêng của thần linh tới cộng đồng và truyền tải những lời khẩn cầu của bà con tới các vị thần linh.

Vì vậy, người nào muốn trở thành thầy cúng thì phải được thử thách, tôi rèn qua nhiều biến cố, sự kiện quan trọng của buôn làng. Đồng thời, phải là người thông hiểu về địa lý, thiên văn, thuộc nhiều bài cúng, có chất giọng truyền cảm, có đạo đức tốt. Ngoài ra, người thầy cúng còn phải có tư chất khác người, huyền bí, có những lời tiên đoán, chiêm nghiệm chính xác theo thời gian, được tất cả bà con trong buôn công nhận. Theo thầy cúng Y Tuyết Niê (ở buôn Ea Kram, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk) là truyền nhân của dòng họ Niê có gần 300 năm làm thầy cúng cho biết: “Nếu gia đình, dòng họ nào từ đời này qua đời khác có “truyền thống” làm thầy cúng “cha truyền con nối” thì luôn được buôn làng tín nhiệm, tôn trọng và tham gia quyết định các việc lớn của cộng đồng”. Ông kể, khi còn nhỏ mỗi lần buôn làng làm lễ cha thường cho ông đi theo để dạy các bài cúng, kỹ thuật khi cắt cổ gà, cổ heo để lấy tiết cúng Yàng, các thần linh và truyền dạy kinh nghiệm sử dụng “chén thần”, “ché thần” trong các lễ cúng khác nhau của buôn làng.

Già Y Tuyết Niê bên những "chén thần" và "ché thần" được tổ tiên truyền lại cách đây gần 300 năm.
Già Y Tuyết Niê bên những “chén thần” và “ché thần” được tổ tiên truyền lại cách đây gần 300 năm.

Với thầy cúng của người Êđê “chén thần” dùng để đựng tiết gà, heo, bò trong các lễ cúng phải là chén được tổ tiên truyền lại, trong khi hành lễ phải giữ gìn cẩn thận không để dính các tạp uế. Nước rửa “chén thần” phải là nước sạch lấy ở bến nước vào buổi sáng tinh mơ khi chưa có người dân trong làng ra lấy nước. Còn đối với “ché thần” thì không bao giờ được để ché đói. Thường sau khi làm lễ cúng bến nước cho cả buôn làng “ché thần” được thầy cúng mang về nhà lấy dây buộc vào chân cột để gần bếp, mỗi ngày phải bỏ một nắm gạo để ché không bị đói và trách tội buôn làng bằng các dịch bệnh, mất mùa đói kém… Theo phong tục của người Êđê, thầy cúng luôn có nhiệm vụ làm lễ cho cả buôn làng từ cúng bến nước, cúng nhà mới, cúng rước Kpan, lễ trưởng thành, ma chay, ốm đau, bệnh tật…. Ví như trong lễ cúng bến nước của buôn làng, thầy cúng bao giờ cũng phải mặc áo truyền thống, chít khăn đỏ trên đầu, đi trước cầm một tô rượu có pha huyết heo, đi sau là già làng nắm khiên đao, còn tất cả dân làng nối hàng dài đi nghiêm trang theo sau già làng và thầy cúng ra bến nước. Sau khi cúng bến nước xong, thầy cúng sẽ đến cúng từng nhà và hôm đó, đường vào buôn thường có cây chắn ngang đường; buộc dây treo các loại: như sợi, chỉ, lông gà để cấm người lạ vào buôn quấy rối sự linh thiêng của lễ cúng. Lễ vật để cúng của mỗi gia đình là một ché rượu và một con gà hoặc heo. Sau khi cúng cho các gia đình xong, thầy cúng đi tới bến nước và chọn một chỗ gần bến, đoạn phía trên bờ sông, bờ suối đào một hố đất nhỏ đổ rượu và huyết heo vào để cầu xin thần linh che chở và mang những điều may mắn tốt lành sẽ đến với gia chủ. Hay như trong lễ trưởng thành của người con trai dân tộc Êđê, khi gian khách của gia chủ đã dựng sẵn 7 cây cột rượu theo hàng dọc, thầy cúng ngồi trước ché rượu cần đầu tiên, mặt hướng về hướng mặt trời mọc và khấn: “Ơ Giàng bên Đông! Ơ Giàng bên Tây! Ơ thần linh, thần tốt! Chàng trai này đã ở chòi, chòi yên, ở nhà, nhà tốt. Anh ta đã biết đốt rẫy trồng lúa, trồng chuối, chuối sai, trồng mía ngọt. Anh ta đã lớn khôn. Nay nhờ thần phù hộ, giúp cho anh ta có hơi thở mới. Có nguồn sức lực mới. Có bắp thịt bền như gang, dẻo như đồng, cứng như sắt… Kết thúc lễ cúng là hình ảnh thầy cúng thay mặt thần linh, trao cho chàng trai chiếc khiên và thanh kiếm tượng trưng cho trách nhiệm mới của chàng trai là tham gia bảo vệ gia đình, buôn làng trước kẻ thù, thú dữ…

Theo thời gian và sự phát triển, nhận thức và cuộc sống của người dân ở các buôn làng ngày càng được nâng cao, hình ảnh thầy cúng trong một số nghi lễ đã phai mờ. Song trong một số lễ hội lớn như cúng bến nước, một phong tục tập quán lâu đời nhất được tổ chức hằng năm sau mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê không thể thiếu vai trò của người thầy cúng.

Theo baodaklak.vn