Cồng chiêng: Tiếng của đại ngàn và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên

Với đồng bào các dân tộcTây Nguyên, cồng chiêng là báu vật, thứ báu vật gắn chặt với lịch sử của cả một đời người. Tiếng chiêng như sợi dây tâm linh nối kết con người với các đấng siêu nhiên, giúp con người bày tỏ niềm mong ước của bản thân cũng như của cộng đồng với thần linh. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo bởi kỹ thuật diễn tấu mà còn là biểu tượng cho đời sống các tộc người; là nhân tố gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng.

Diễn tấu cồng chiêng và múa dân gian trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Buôn Ma Thuột năm 2009.
Diễn tấu cồng chiêng và múa dân gian trong Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Buôn Ma Thuột năm 2009.

Chiêng của người Êđê: Vang xa như khát vọng Đam San

Tiếng chiêng Êđê có âm thanh chắc, khỏe, dồn dập, ngân và vang xa như khát vọng của chàng Đam San chinh phục Nữ thần Mặt Trời. Trong những nhạc cụ cổ truyền của người Êđê cũng như các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên, dàn chiêng được đồng bào xem trọng hơn cả bởi tiếng chiêng gắn bó với đời sống con người từ khi chào đời cho đến khi về với tự nhiên. Chiêng Êđê mang đậm tính tiết tấu mặc dù những yếu tố còn lại như giai điệu, hòa thanh… vẫn không bị lấn át. Mỗi bộ chiêng thường có 10 chiếc. Ba chiếc có núm gọi là Ching, giữ trách nhiệm là bè đệm cho hòa tấu. Bảy chiếc không có núm gọi là knă, đảm nhận phần giai điệu chính (trừ chiêng Char). Thường người ta sử dụng có 9 chiếc, còn ching Moong chỉ dùng khi có đám tang. Những chiếc knă đối đáp với nhau, đuổi theo nhau trên bè trầm ngân nga của Char, của ana ching… Tiết tấu chiêng Êđê rất nhanh, dồn dập, sôi nổi như thác reo như gió thổi. Đòi hỏi trình độ diễn tấu của nghệ nhân phải rất điêu luyện mới có thể cùng hòa tấu được. Âm thanh dàn chiêng knă Êđê vang xa và mạnh mẽ, “vút bay qua xà nhà vang lên tới 9 tầng mây xanh. Lọt qua sàn lan đến bảy tầng vực sâu đất đen…” (*) chính là bởi sự va đập, bồi âm từ 9 chiếc chiêng cùng một lúc tấu lên; bởi dùi đánh chiêng được làm bằng chất liệu gỗ cứng, hoặc tre đực, gõ thẳng vào mặt phẳng của những chiêng bằng.

Lời chiêng Jhô (chiêng mẹ): Quay quắt cùng nỗi nhớ núi rừng

Đó là tiếng chiêng ngân vang từ những đôi tay của dàn chiêng nữ ở buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp – Krông Ana). Nỗi nhớ suối, nhớ rừng cùng với cung bậc tình cảm sâu lắng và tha thiết của nỗi lòng cứ day dứt trong mỗi tiếng chiêng ngân. Dàn chiêng nữ (hay còn gọi là dàn chiêng mẹ) ở đây không giống với không gian cồng chiêng của những người đàn ông Tây Nguyên bản xứ: dũng mãnh và trầm hùng, rộn ràng và khoáng đạt… tựa như gió ngàn, thác đổ. Tiếng của dàn chiêng nữ chỉ ngân lên trong không gian bình dị và đời thường: để chào đón người đi xa trở về, mừng và tiễn người nơi khác đến, hoặc để làm lễ thổi tai và đặt tên cho con, hay đơn giản chỉ để thông báo một điều – người phụ nữ đã hết thời kỳ sinh nở… Tiếng chiêng Jhô ở buôn Trấp vì vậy nên gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường nhật. Chiêng Jhô được chia ra thành 3 cặp và cứ hai cái có cùng một cái tên lần lượt: Amí (mẹ), Ama (cha) và Anắc (con) tương ứng với một mô hình gia đình đầy đủ, đoàn tụ. Bộ chiêng này độc đáo ở chỗ, ít khi tham gia vào những dịp nghi lễ diễn ra trong cộng đồng, chỉ diễn tấu trong không gian gia đình bình dị, ấm cúng. Ở Tây Nguyên, ngoài dàn chiêng Jhô này, còn có một dàn chiêng nữ nữa cũng độc đáo tương tự là dàn chiêng của những người đàn bà K’ho ở Bon Đưng, xã Lát – huyện Lạc Dương – Lâm Đồng gồm 6 chiếc và được phiên chế thành 3 cặp: cha, mẹ và con.

Bà H’riu trưởng nhóm chiêng Jhô ở buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp - Krông Ana) dạy thế hệ trẻ đánh chiêng với niềm tin tiếng chiêng của dân tộc mình được giữ gìn và sáng tạo.
Bà H’riu trưởng nhóm chiêng Jhô ở buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp – Krông Ana) dạy thế hệ trẻ đánh chiêng với niềm tin tiếng chiêng của dân tộc mình được giữ gìn và sáng tạo.

Độc đáo chiêng tre

Ngoài chiêng đồng được mua từ Lào, người Êđê sáng chế ra một loại chiêng riêng cho mình từ ống tre, ống nứa của núi rừng. Bộ chiêng tre (ching kram) trở thành nhạc cụ độc đáo trong đời sống văn hóa nghệ thuật của người Êđê. Bộ ching kram thường là 5, 7 hay 9 chiếc hợp lại tạo thành một dàn chiêng, có khi lên đến 20 chiếc. Mỗi dàn chiêng tre là một dàn hợp xướng âm thanh với các âm sắc, giai điệu của từng cá thể chiêng tương ứng. Để chế tác ra một bộ chiêng tre cũng cực kì phức tạp. Trước hết là đi tìm và chọn nguyên vật liệu, các cây tre được lựa chọn phải có kích cỡ các gióng vừa đủ để tạo ra âm thanh nhất định; sau đó phơi khô chừng 2 tháng, ống tre được cắt theo kích thước đường kính cũng như độ dài ngắn khác nhau, dao động từ 30 – 45 cm, đường kính từ 8 – 10 cm.

Truyền cảm sâu lắng với chiêng M’nông

Cũng như các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, người M’nông có vốn văn hóa phong phú và đa dạng. Đó là các nét văn hóa giao tiếp, mẫu hệ, nhà dài trệt, rượu cần, sử thi (Ot Ndrông), truyện cổ, ẩm thực, cồng chiêng, lễ hội… Trong đó, cồng chiêng cũng là loại hình văn hóa truyền thống độc đáo trong bản sắc văn hóa dân gian, giữ vị trí rất đặc biệt trong đời sống cộng đồng của người M’nông. Không những được sử dụng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, đón khách quý mà còn được sử dụng trong tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, cách diễn tấu cồng chiêng của người M’nông khác với các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Nếu như người Êđê, Gia Rai, Bana và các dân tộc khác ở Tây Nguyên, người đánh chiêng chủ yếu là đàn ông, thì người M’nông lại khác. Mỗi một người dân M’nông đều có thể sử dụng cồng chiêng, không phân biệt già trẻ, gái trai. Một trong những nét độc đáo của nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng người M’nông là nghệ nhân dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để đánh chiêng. Vì vậy, tiếng chiêng của người M’nông ngân lên không giòn giã, rền vang, thúc giục từng hồi như tiếng chiêng của người Êđê mà tiếng chiêng được đánh bằng nắm tay nên êm dịu, trầm ấm, sâu lắng đến lạ thường.

Rộn ràng cùng chiêng Arap của người Gia Rai

Khác với âm thanh giòn giã, rền vang của tiếng chiêng Êđê, chiêng Arap của người Gia Rai lại thánh thót, rộn rã. Một bộ có từ 7-10 chiếc: ba chiêng núm giữ trách nhiệm phần đệm, còn lại là chiêng bằng. Đi đôi với chiêng Aráp bao giờ cũng có điệu múa xoang. Người ta thường tăng số lượng những chiếc chiêng núm lên để làm cho phần đệm thêm đầy đặn, do đó có khi bộ chiêng núm đôi khi còn có bọc. Tiết tấu chiêng Aráp cũng rộn ràng, ngân nga mời gọi, lôi cuốn mọi người cùng hòa vào vòng xoang.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên. Số lượng cồng chiêng còn lại đến nay khoảng trên 9.000 bộ; trên 9.000 người biết đánh chiêng. Chưa một nước nào hay vùng lãnh thổ nào lại có một cộng đồng có nhiều dân tộc anh em sống chung trong cùng một không gian văn hóa cồng chiêng như Tây Nguyên. Sự kiện UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, một lần nữa cho thấy tính đa dạng mà thống nhất của bản sắc văn hóa Việt.

Theo baodaklak.vn