Kỳ lạ tục lệ… kiêng tắm của người Jrai

Hàng trăm năm qua, hành trình về cõi atâu (cõi ma) của bất kỳ người Jrai nào ở cao nguyên Pleiku (tỉnh Gia Lai) luôn gắn liền với những tập tục, luật tục kỳ bí. Một trong rất nhiều tục lệ lạ ấy có tên “hoămnơi”. Tục lệ này theo giải thích của cư dân bản địa là “tục kiêng tắm” vốn dĩ chỉ dành cho chồng (hoặc vợ) của người quá cố!

Mờ sáng, khi vạn vật ở núi rừng Gia Lai còn ngái ngủ, chúng tôi “mò” đến làng Chúet thuộc địa phận phường Thắng Lợi (thành phố Pleiku) để được chứng kiến những hình ảnh lạ về “rừng quái điểu” ở thế giới atâu (cõi ma) của cư dân nơi này. Chỉ cách trung tâm phố núi cao vài km nhưng rừng ma ở làng Chúet là một thế giới hoang sơ, kỳ bí đến lạ. Nơi này có rất nhiều ngôi mộ chôn chung to đùng. Cùng đó là vô số tượng nhà mồ trầm mặc, rệu rã, hoai mục vì thời gian mà thân nhân người quá cố đẽo tạc để làm bạn, làm nô lệ phục dịch cho người thân ở thế giới ma. Đó đây còn có những pho tượng quái điểu bí hiểm mà rất nhiều người khi mục sở thị, kể cả những cư dân sở tại dưới 40 tuổi, chẳng rõ đấy là biểu tượng của loài chim gì, vì sao nó lại hiện diện ở chốn ma cũng như có mối quan hệ gì với người chết (?!).

Được đẽo bằng thân cây, cao hơn 1m, với hình dáng kỳ lạ trong thế ngồi xổm, đầu hướng về phía rừng núi ngút ngàn, những người già ở làng Chúet, người thì bảo con chim âm hồn kia chính là con quạ bởi quạ là hiện thân của sự chết chóc, người khác lại nói đó là loài chim sếu – biểu tượng của sự chung tình… Còn đang rất ngỡ ngàng về cái thế giới huyền bí của loài chim ma quái kia, không khỏi bất ngờ khi được một cụ bà tên Rơ-chăm Luênh lúc đứng nép mình dưới một pho tượng nhà mồ được tạc trong thế ôm cằm, mặt buồn rũ rượi (tượng người buồn ra-coon, cách người sống bày tỏ sự nhớ thương người đã khuất) nói rằng, rừng ma bây giờ vắng bóng nhiều chim ma, tượng nhà mồ và những của cải mà người sống chia cho người chết theo tục chia của…

Từ tâm tình của bà Rơ-chăm Luênh, đi sâu vào hành trình về với chốn atâu của người Jrai, mới rõ chỉ riêng việc đưa một người nằm xuống đến lúc hạ huyệt, đồng bào ở núi rừng Gia Lai thực hiện rất nhiều nghi lễ. Và mỗi lễ nghi giữa rừng già ấy gắn liền với luật tục kỳ lạ. Sau khi đi qua nhiều ngôi làng cổ ở các xã Ia M’nông (huyện Chư Pảh), xã Kôn Yang (huyện Kông Chro), làng Plei-Op (phường Hoa Lư, Pleiku)… cũng như qua tiếp xúc với nhiều người già, chúng tôi đặc biệt ấn tượng đến những nghi lễ sau khi chôn cất người quá cố, trong đó có tục kiêng tắm mà tiếng đồng bào gọi là “hoă mnơi”. Ấn tượng bởi nghi thức này rất đậm chất hồng hoang nhưng cũng thấm đẫm cái tình, sự quyến luyến, thương nhớ lẫn đức tính thủy chung mà người sống dành cho người quá cố!

Các già làng khẳng định, người Jrai không sợ chết nếu đó là cái chết bình thường như già yếu, bệnh tật. Nhưng nếu chết không bình thường như bị thú vồ, bị sét đánh, bị cây đè, bị rắn cắn, tử vong trong quá trình sinh nở, đá lở… thì “sợ lắm” bởi đó là “chết dữ”. Bao đời qua người Jrai tin người chết như thế là do vi phạm lỗi lầm rất lớn nên mới bị thần linh trừng phạt. Thế nên người “chết dữ” không chỉ bị thảm cảnh chết không toàn thây và hồn khó về với thế giới atâu mà còn khiến người trong làng hoang mang bởi sợ bị thần linh phạt lây. Đây chính là lý do mà trong những bài khấn cúng liên quan đến người “chết dữ” của người Jrai có đoạn: “Yàng cho chết xấu thì chết xấu, nó không có tội gì đâu. Yàng cho nó về với làng ma. Đừng bắt phạt dân làng. Chúng tôi sẽ cúng Yàng đầy đủ”.

Vì những quan niệm liên quan đến người “chết lành” (chết theo lẽ tự nhiên sinh-lão-bệnh-tử) và “chết dữ” (chết bất đắc kỳ tử) nên người Jrai có sự khác biệt trong nghi thức làm lễ tang của người “chết lành” và “chết dữ”. Nhưng dù có khác biệt thế nào đi nữa trong các nghi lễ an táng nhưng cả thảy đều có điểm chung là sau khi chôn cất, để tỏ lòng thương tiếc người thân là chồng (hoặc vợ) từ đây sống trong thế giới ma, luật tục ngàn đời nay quy định chồng (hay vợ) người quá cố phải… hoămnơi”. Tục này có nghĩa kiêng tắm” – ông Y Eiêu, ở làng Vân xã Ialy, huyện Chư Pảh, chia sẻ.

Một khu rừng ma làng Chúet.
Một khu rừng ma làng Chúet.

Làng Vân là ngôi làng cổ trước ở trên đỉnh Sê San. Sau này khi công trình thủy điện Sê San được triển khai, làng được di dời xuống phía hạ lưu. Vì là làng cổ nên cộng đồng người Jrai ở làng còn lưu giữ những luật tục cổ xưa trong nghi lễ tổ chức tang ma và những nghi lễ sau khi chôn cất như nuôi ma, bỏ mả… và hẳn nhiên có cả tục hoămnơi.

Theo giải thích của ông Y Eiêu, khi chồng hoặc vợ qua đời, người chồng (hoặc vợ) phải kiêng tắm gội trong thời gian 1 tháng kể từ ngày chôn ma. “Luật ông cha bà mẹ quy định như vậy để người sống, người thân trong gia đình tỏ lòng thương tiếc người đã mất” – ông Y Eiêu khẳng định: “Đang sống vui vẻ với nhau, nay chồng hay vợ đau bệnh mà chết, từ nay còn lại một mình, không có đôi có cặp ai mà không buồn, không nhớ, không thương. Ông cha bà mẹ mình hồi còn sống nói, người chồng (hay vợ) phải hoămnơi cả tháng không tắm gội vì khi đau khổ, nhớ thương người ta chẳng thiết tha điều gì, kể cả ăn uống, tắm gội”.

Nghệ nhân Nay Phai (ngụ thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) không những có tài chỉnh chiêng siêu hạng mà còn là pho sử sống, am hiểu nhiều luật tục ở núi rừng Gia Lai. Trò chuyện về những quy định cấm từ ngàn xưa của cha ông liên quan đến tục hoămnơi, nghệ nhân Nay Phai bật mí rằng cùng với chuyện kiêng cữ tắm gội, có plei (làng) còn cấm người chồng (hoặc vợ) người quá cố cắt tóc, cạo râu. Một người khác quả quyết có làng Jrai quy định người phụ nữ góa chồng phải cắt tóc ngắn đến khi nào tóc mọc dài thì thôi. Và người đàn ông mất vợ phải cạo trọc để cho tóc dài và khi ấy mới được cắt bình thường.

Trong thời gian kiêng tắm, dân làng cùng thân nhân người quá cố (phía nhà chồng hoặc vợ) sẽ dành nhiều sự quan tâm đến người còn sống, xem người chồng góa vợ hay người vợ góa chồng, có vi phạm những điều cấm kỵ của luật kiêng tắm hay không. Các già làng bỏ nhỏ, một khi vi phạm luật tục, người vi phạm sẽ khó tránh khỏi chuyện bị dân làng chê cười hoặc bị làng phạt vạ. Không dừng lại ở đó, trong thời gian hoămnơi, luật tục cũng quy định chồng (hoặc vợ) của người quá cố phải ẩn thân, phải hạn chế tiếp xúc với người làng, đặc biệt với người khác phái như gặp gỡ trò chuyện, ghé thăm nhà. “Nếu chồng (hoặc vợ) người chết không làm như vậy sẽ bị khép vào tội không chịu tang chồng (hoặc vợ) và hẳn nhiên sẽ bị làng lên án, xử phạt rất nặng” – nghệ nhân Nay Phai lưu ý!

Hình thức tỏ lòng thương tiếc với người thân qua đời của tộc người Jrai là như thế. Luật tục “hoămnơi” với những quy định chặt chẽ đi kèm cùng những chế tài nghiêm khắc chứng tỏ rằng Jrai là tộc người giàu tình cảm, hiền hòa. Bởi sẽ ra sao nếu xảy ra chuyện hôm trước vợ (chồng) về với cõi atâu, hôm sau hoặc những ngày sau đó vợ (hoặc chồng) của người quá cố đã ăn diện, cười nói, giao du với người khác phái một cách lộ liễu rồi tiến hành nối dây (ngày trước người Jrai có tục nối dây, khi vợ chết, người chồng được lấy em gái của vợ để đảm bảo tài sản, con cái được giữ gìn – chúng tôi sẽ đề cập đến bài viết khác về tục lệ này), bắt chồng (người Jrai theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ chủ động việc cưới chồng): “Làng và gia đình người chết không chấp nhận như vậy đâu. Như thế là không đứng đắn, không chung thuỷ, không tôn trọng người chết” – rất nhiều già làng, chẳng suy nghĩ khi nói lên điều ấy!

Khung cảnh bình yên ở một xóm nhỏ thuộc làng Vân.
Khung cảnh bình yên ở một xóm nhỏ thuộc làng Vân.

Trong Miền đất huyền ảo (1950) – công trình nghiên cứu về Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương mà sau này người ta quen gọi các dân tộc Tây Nguyên, nhà dân tộc học người Pháp Dambo có đoạn nhắc đến những điều cấm kỵ quanh kiểu cách sống, sinh hoạt của người chồng (hay vợ) khi chẳng may người đầu gối tay ấp qua đời. Ghi chép của Dambo cho thấy luật tục Jrai lên án rất mạnh chuyện ai đó vi phạm điều cấm kỵ của tục lệ… hoămnơi: “Mộ còn chưa sập, nhà người chết còn chưa mọt, đất còn nhớ vậy mà mày đã chặt ngay cây cột (mày không tôn trọng tục lệ), mày bước qua trên ta, mày coi khinh cái đầu ta như đầu một con cá nhỏ (mày không sợ xúc phạm ta, giống như người ta không sợ vồ một con cá vốn không có sừng để chống lại)”.

Luật tục cũng có đoạn nói rõ người đàn ông hoặc phụ nữ không thể tái giá khi nào mình muốn: “Trái cây rơi xuống người ta muốn ăn – trái cây ta trồng, mày không được ăn”. Nếu vi phạm quan hệ bị cấm này, sẽ bị làng đòi nợ, xử phạt: “Nằm trên một tổ mối (để cho nó đốt), lấy tay mà đập vào tổ kiến…”.

Cũng trong Miền đất huyền ảo, Dambo có đoạn nhắc đến người đàn bà không chịu tang trước khi bỏ mả chồng, nghĩa là không làm đúng luật tục hoămnơi mà cha ông ngàn đời đã quy định: “Mộ còn chưa đắp, nấm còn chưa xong, người ta còn chăm lo cho linh hồn người chết – mộ mở ra, quan tài dựng dậy vì người vợ không để tang cho đúng, vì bà không để tóc xõa rối bù, vì bà không chống tay vào cằm, vì bà không để tang cho đúng đối với người chồng đã chết, mục nát như hạt thóc… Gói thuốc bà đem chia đôi (một phần cho người chết, một phần cho người tình). Bà ve vãn người ta, bà ngủ với các ông chồng, bà kéo họ vào rừng khi mộ vừa mới lấp xong, khi nấm (mồ-PV) còn phải chăm lo, khi người ta lo việc người chết chưa xong, khi cây chuối và khoai chưa kịp trồng (trên nấm), khi con gà con chưa được thả ra, khi chưa ai quên người chết, khi chưa bỏ mả”.

Sau khi lên án, chỉ rõ người phụ nữ vi phạm những điều cấm kỵ ấy, luật ghi: “Vì chuyện đó bà có tội và có vụ việc giữa gia đình người chết với bà. Nếu gia đình người chết nghèo bà phải cúng một con trâu và trả một món đền. Nếu gia đình người chết giàu bà phải cúng một con trâu…”.

Trở lại những luật định liên quan đến tục kiêng tắm hoămnơi. Các già làng cho biết sau khoảng 1 tháng kể từ lúc chôn ma, việc kiêng tắm, không được cắt tóc, không được mặc quần áo… sẽ hết thời hạn. Điều này đồng nghĩa với việc lúc này người chồng (hay vợ) người chết được tắm gội… mặc sức. Riêng việc tái hôn, bắt chồng thì khác: “Nếu là đàn ông có vợ chết thì 1-2 năm sau anh ta mới được tái hôn. Phụ nữ thời gian kéo dài hơn, 2-3 năm sau mới được bắt chồng” – ông Y Eiêu, lưu ý. Ông nói việc tái giá, bắt chồng này chỉ được diễn ra sau lễ bỏ mả. Tục này được gọi là lễ giải phóng cho người sống: “Tùy làng, tùy giàu hay nghèo mà sau 1 năm hay nhiều năm, gia đình người chết làm lễ bỏ mả cúng rượu thịt cho ma, chia của cho ma, để ma từ nay sống trong thế giới của ma, không quyến luyến, yêu thương con cháu nữa”.

Hoàn tất lễ bỏ mả, ngay sau đó chủ nhà dưới sự chứng kiến của già làng, thầy cúng, người thân trong gia đình, họ hàng gần xa tiến hành lễ giải phóng cho người sống với lễ vật là con gà, ché rượu. Các già làng giải thích nghi lễ này nhằm mục đích gọi hồn lúa, hồn trâu, hồn bò và những hồn người khác đừng đi theo atâu – hồn ma người thân mình. Khấn cúng xong, gia chủ sẽ được dân làng vẩy nước hoặc “kè” ra suối tắm. Dòng nước mát lạnh, trong vắt từ đây sẽ gột rửa mọi quá khứ khổ đau, buồn nhớ. Từ đây người sống không còn liên hệ gì với người chết. Lúc này người chồng có thể nối dây, người vợ có thể bắt chồng và tham dự các cuộc vui của làng.

Rời cao nguyên Pleiku với biết bao điều huyền bí hãy còn ẩn dưới trùng trùng lớp lớp núi rừng bao la hùng vĩ kia, càng ngẫm càng thấy tục lệ kiêng tắm hoămnơi của người Jrai thật ý nghĩa, sâu xa. Thì ra từ ngàn xưa, tộc người hiền hòa, hào sảng này đã biết đề cao những giá trị chân – thiện – mỹ. Đã biết xem trọng giá trị của sự thủy chung, nền tảng của tình yêu thương. Qua bao biến chuyển của thời gian và thời cuộc, tại không ít buôn làng, dù tục lệ hoămnơi đã ít nhiều thay đổi, mai một nhưng từ trong cốt lõi, đồng bào vẫn gìn giữ những truyền dạy này của cha ông và lặng lẽ thắp lửa cho những đời sau biết rõ cái giá trị, chân lý của các tục lệ nghe qua tưởng như hoang đường, nhưng kỳ thực… rất người!

Theo CAND