Cà phê Việt vào Starbucks, rồi sao nữa?

Việc Starbucks công bố đưa thương hiệu cà phê VN vào bán tại hơn 21.500 cửa hàng tại 56 quốc gia là một tin vui, nhưng đồng thời cũng để lộ ra nhiều điểm yếu của ngành cà phê VN.

>> Cà phê Việt vẫn tìm chỗ đứng ở thị trường ngoại

Nhiều người đã bất ngờ khi thấy gói cà phê Việt Nam mang tên “DaLat Blend” nằm trang trọng trong nhiều cửa hàng chuyên bán sản phẩm cao cấp Reserve của chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks tại Mỹ. Cà phê Việt đặt chân vào Starbucks đã khó, sau đó thì sao?

Đặt chân vào Starbucks

Gói cà phê Việt Nam bán trong các cửa hàng Starbucks tại Mỹ có màu sáng trang nhã và nổi bật trên đó là dòng chữ “Việt Nam – Đà Lạt”, thuộc dòng sản phẩm cao cấp Reserve của Starbucks. Một gói cà phê được đóng theo định lượng 250 gram và bán với giá 12,5 USD. Đơn giản nhưng đặt dấu ấn quan trọng, cà phê Việt Nam đã được khẳng định nguồn gốc và có một mức giá rất cao. Starbucks đã không quên giới thiệu chi tiết về nguồn gốc và phẩm chất cà phê Đà Lạt. Starbucks nhấn mạnh, Đà Lạt được biết đến là thành phố ngàn hoa, nhưng cũng là nơi lý tưởng cho việc trồng cà phê. Cà phê tại đây được nuôi dưỡng từ loại đất đỏ đặc trưng của nham thạch núi lửa và khí hậu mát mẻ của vùng núi cao…

Bà Leslie Wolford, một chuyên gia cao cấp của Starbucks, cho biết: “Khi nhận được mẫu cà phê từ Đà Lạt, chúng tôi đã rất vui mừng vì chất lượng của nó. Cà phê có vị chua thanh, thơm mùi hạt cola, kẹo bơ và vani, hoàn toàn thích hợp để pha chế nhiều loại cà phê khác nhau”.

Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh cho biết, để được chọn là một trong những sản phẩm tại Starbucks, cà phê phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mùi thơm, hương vị, độ an toàn và cung ứng nguyên liệu ổn định. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thứ 7 cung cấp cà phê cho Starbucks, xếp sau các nước Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala.

Khẳng định nguồn gốc, thương hiệu cà phê Việt như Starbucks là sự trăn trở của ngành cà phê Việt Nam trong nhiều năm qua. Starbucks là một trong các doanh nghiệp nước ngoài đang đặt dấu ấn cho ngành cà phê Việt Nam.

Công ty Mondelèz International cũng vừa công bố mở trung tâm tập huấn cà phê cho nông dân Việt Nam để canh tác và kinh doanh cà phê, với tổng giá trị đầu tư lên đến 200 triệu USD. Đến năm 2020, Mondelèz International kỳ vọng tập trung đào tạo 1.500 nông dân về thực hành nông nghiệp để tạo ra nguồn cung ứng ổn định khoảng 7.000 tấn cà phê, đáp ứng các tiêu chuẩn 4C.

ca-phe1-1438
Để cà phê Việt có thể chen chân được vào các chuỗi cà phê đa quốc gia như Starbucks, hẳn vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, nhiều doanh nghiệp cà phê nước ngoài đầu tư mạnh cho nông dân nhưng cũng “đánh cắp” trắng trợn thương hiệu. Thực trạng này kéo dài nhiều năm khiến thương hiệu cà phê sản xuất tại Việt Nam không có tiếng trên thế giới.

Cái khó có ló cái khôn?

Cấu thành của cà phê Việt hiện đang bán tại cửa hàng Starbucks gồm cà phê đã chế biến sâu và nguyên liệu là hạt cà phê Arabica. Đây cũng là những trở ngại của ngành cà phê Việt. Trong khi Trung Nguyên đã có những nỗ lực đưa thương hiệu G7, một loại cà phê hòa tan vào thị trường Trung Quốc , Mỹ, Singapore, nhưng như thế vẫn còn quá nhỏ bé với một nước xuất khẩu cà phê gần 1,6 triệu tấn với giá trị kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Trong đề án quy hoạch ngành cà phê, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, lượng cà phê chế biến sâu (rang xay, hòa tan) chiếm khoảng 30% sản lượng. Vì thế sẽ không mấy ngạc nhiên khi ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) nói rằng, có thể 10-15 năm nay ngành cà phê đã thất bại, không phát triển được chế biến sâu. Tỷ lệ này hiện chỉ chiếm khoảng 7-8% sản lượng cà phê cả nước.

Còn ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết, mặc dù đầu tư vào rang xay, chế biến cà phê đem lại lợi nhuận lớn, nhưng doanh nghiệp không đầu tư theo hướng này vì sẽ phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn trên thế giới. Ngành cà phê Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn chỉ dừng lại ở việc cung ứng nguyên liệu cho các nhà rang xay thế giới.

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê Robusta, song không tìm đâu ra được một thương hiệu cà phê của Việt Nam đúng nghĩa. Nguyên nhân là Việt Nam hiện chủ yếu chỉ bán cà phê nhân cho các nhà rang xay lớn trên thế giới để họ chế biến, đóng hộp dưới thương hiệu của họ và bán với giá gấp nhiều lần giá mua vào.

Trong khi việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam bằng thương hiệu riêng và chế biến sâu còn èo uột, thì việc tạo ra giá trị cà phê bằng phát triển dòng cà phê Arabica ở Việt Nam là vô cùng khó. Theo ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trồng cà phê Arabica đòi hỏi điều kiện sinh thái khắt khe, như nhiệt độ dao động 20-22 độ C, và được trồng ở độ cao 1.000-1.600 mét so với mực nước biển. Việt Nam vẫn có những vùng trồng được loại cà phê này, như Đà Lạt, Yên Bái, Điện Biên, Quảng Trị, Nghệ An… nhưng để làm xuất khẩu đòi hỏi phải có sản lượng lớn, nguồn cung ổn định. Cà phê Arabica đòi hỏi quy trình chế biến ướt để đảm bảo chất lượng của hạt cà phê.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cà phê Robusta hiện nay đang chiếm trên 90% sản lượng cà phê của Việt Nam. Vì thế, để sản phẩm cà phê Việt có thể chen chân được vào các chuỗi cà phê đa quốc gia như Starbucks, hẳn vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước.

Nguồn: news.zing.vn

>> Xuất khẩu Arabica thành phẩm: Giấc mơ vượt đại dương

>> Thiếu hụt cà phê toàn cầu vụ tới trầm trọng hơn

>> Starbucks và nỗi buồn cà phê Việt