Ông chủ cà phê Trung Nguyên: “Doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh cả về lý tưởng”

Đặng lê nguyên vũ - cà phê trung nguyên “Nếu thiếu đi tư tưởng, lý tưởng thì sẽ chỉ còn lại động lực vật chất, thế thì không thể cạnh tranh được với những tập đoàn nước ngoài đang tiến vào Việt Nam”.

Đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ – chủ tịch tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, để doanh nghiệp Việt có thể chống lại những đối thủ đến từ nước ngoài, những công ty đa quốc gia, người làm kinh doanh không chỉ tập trung vào lợi nhuận hay mục tiêu tăng trưởng mà còn cần có lý tưởng, có động lực thì mới có thể cạnh tranh.

Theo ông Vũ, trước bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, lại chuẩn bị đi vào hội nhập, áp lực cho doanh nhân, doanh nghiệp là có, nhưng cơ hội cũng không thiếu. Quan trọng là doanh nghiệp Việt, đặc biệt là lãnh đạo phải xác định một hệ tư tưởng cho riêng mình.

Hãy cùng lắng nghe những lời tâm sự đầy tâm huyết của ông vua Cà phê Việt Nam.

“Xét cho cùng doanh nghiệp Việt chúng ta vẫn còn quá trẻ, lại sinh ra môi trường còn tồn đọng nhiều vấn đề, với một bài toán tương đối phức tạp. Ngoài những yếu tố vĩ mô của thế giới hay nội tại đất nước trong vấn đề quản lý, chúng ta còn phải trả lời một cầu hỏi khác.

Đó là hệ tư tưởng phát triển của doanh nhân Việt là gì? Tư tưởng chiến đấu của chúng ta là gì? Liệu rằng có thể đưa tư tưởng của chiến tranh toàn dân vào cuộc chiến mới này sao? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về hệ tư tưởng, hệ lý luận. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải có quan điểm riêng để chiến đấu và chiến thắng.

Một vấn đề nữa đó là động lực. Động lực nào đang chi phối doanh nghiệp chúng ta? Để thoát nghèo cá nhân? Hay làm giàu?

Một điều tôi nhận thấy là doanh nhân nước mình đại đa số đều có khả năng, đủ tài để làm giàu cho bản thân nhưng đồng thời lại làm nghèo đất nước, làm nghèo nhân dân của mình. Rất nhiều doanh nghiệp như vậy. Điều đó buộc chúng ta phải xem lại hệ động lực của mình. Phải có đầy đủ động lực, lý tưởng thì chúng ta mới có thể phát triển và đưa đất nước đến phát triển bền vững.

Con số về doanh số, hay thậm chí là lợi nhuận được xem là mục tiêu và hệ quả của 1 doanh nghiệp. Đó cũng là lý do khi nhìn vào hầu hết các công ty chỉ thấy mục tiêu con số là tăng trưởng, mà quên đi chỉ số về phát triển con người.

Với đào tạo hiện nay, khả năng tổ chức thực thi trên lý thuyết của chúng ta gây dựng chỉ mới được phần ngọn. Vậy thì rất khó để vươn lên.

Một tổ chức phải có lý tưởng, phải xác định rõ mục đích hoạt động là gì, và thực thi hiệu quả như thế nào. Bản chất tổ chức là con người. Vậy đâu là động lực cho từng con người, từng thành viên trong công ty?

Mỗi nhân viên, bên cạnh những giá trị vật chất còn có những giá trị về mặt xã hội, về tinh thần. Một tổ chức có thể đưa ra mức thu nhập giá trị vật chất thua tổ chức khác, nhưng mang lại giá trị về mặt xã hội, tinh thần nhiều hơn thì tổ chức ấy vẫn sẽ có những cộng sự đáng mơ ước.

Trong môi trường như hiện nay, đang có một sự cạnh tranh kinh khủng về nhân sự cấp trung và cấp cao. Làm sao các doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được với công ty đa quốc gia, làm sao khi mới khởi sự các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể mời về những người tài nếu chỉ dựa vào giá trị vật chất. Hàng loạt các bất lợi khác nữa như lương thưởng, ưu đãi khác cho nhân viên, làm sao doanh nghiệp Việt chúng ta có thể cạnh tranh được?

Câu trả lời đó là ở người lãnh đạo. Lãnh đạo trong doanh nghiệp phải có tư tưởng, lý tưởng rõ ràng và phổ biến cho nhân viên. Nếu thiếu đi tư tưởng, lý tưởng thì sẽ chỉ còn lại động lực vật chất, thế thì không thể cạnh tranh được với những tập đoàn nước ngoài đang tiến vào Việt Nam.

Lãnh đạo là người đi đầu, luôn là số ít. Người lãnh đạo cần chỉ đạo để người khác thấy đường đi và tin tưởng vào con đường đó. Lãnh đạo vừa phải đề đường lối đúng đắn, vừa phải tâm lý, phù hợp với từng nhóm người thì doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững được.”

Nguồn: CafeBiz