Thương mại cà phê chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột: Cần có chiến lược dài hơi

Mặc dù sản lượng cà phê có Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Buôn Ma Thuột đăng ký hằng năm 46.621 tấn, nhưng số lượng được thương mại chỉ mới chiếm một phần rất nhỏ. Do vậy, để cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột được nhiều người biết đến thì rất cần có một chiến lược quy mô và lâu dài.

 

 

Chưa được nhiều người biết đến

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hiện Dak Lak có 10 doanh nghiệp (DN) được cấp quyền sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích trên 15.000 ha, sản lượng đăng ký hằng năm 46.621 tấn. Hiệp hội đã tranh thủ nhiều nguồn lực hỗ trợ để tổ chức hội thảo, tập huấn về quy trình sản xuất, hệ thống quản lý nội bộ và thương mại cà phê cho đối tượng sản xuất kinh doanh trong vùng địa danh. Theo đó, sản xuất cà phê có CDĐL đã tác động tích cực đối với việc thực hành nông nghiệp tốt, mang lại giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu. Từ năm 2012, với chiến lược đúng đắn và kiên trì đàm phán với các nhà nhập khẩu, các nhà rang xay nước ngoài, Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak đã bước đầu đưa cà phê nhân có CDĐL Buôn Ma Thuột bán được trên 7.000 tấn, chủ yếu bán trực tiếp cho những nhà rang xay ở các thị trường Nhật Bản, Ukraina, Bosnia, Rumani, Bỉ, Đài Loan, Hồng Kông, Nga và giá trị tăng thêm đạt khoảng 40-60 USD/tấn. Hệ thống nhận diện cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột (logo) được thể hiện trên hợp đồng mua bán và trên bao bì đựng sản phẩm.

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đi kiểm tra vùng nguyên liệu cà phê có Chỉ dẫn địa lý ở Công ty TNHH MTV Cà phê 15.
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đi kiểm tra vùng nguyên liệu cà phê có Chỉ dẫn địa lý ở Công ty TNHH MTV Cà phê 15.

Tuy thu được giá trị gia tăng, nhưng thương mại cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột trên thị trường quốc tế chưa đạt số lượng đáng kể do phải cạnh tranh với các loại cà phê có chứng nhận vốn đã được các tập đoàn thương mại xuyên quốc gia cam kết mua. Cho đến nay mới chỉ có Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak là xuất khẩu được các lô hàng cà phê nhân có CDĐL Buôn Ma Thuột, còn các DN khác đều gặp khó khăn trong đàm phán với khách hàng vì sản phẩm cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột chưa phải là nhu cầu thực sự của nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, thị trường quốc tế còn nhỏ lẻ, thiếu những chiến dịch quy mô lớn, khách hàng chưa nhận biết rõ về cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột. Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, tuy có gặp nhiều trở ngại trong việc thương mại cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột, nhưng đây không phải là hiện tượng bất thường, vì nên nhớ rằng, với hơn 10 năm sản xuất và thương mại cà phê có chứng nhận ở Việt Nam trong điều kiện có cam kết mua mạnh mẽ của các tập đoàn thương mại, rang xay cà phê lớn trên thế giới nhưng lượng hàng bán được dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận cũng chỉ xoay quanh con số 30-40%, trên toàn cầu chưa vượt qua con số 30%. Do vậy, cần xác định việc tìm kiếm thị trường cho cà phê có CDĐL là không hề dễ dàng mà cần phải có thời gian và chiến lược tiếp cận thị trường đúng đắn.

Tăng cường quảng bá thương hiệu

Những năm qua, sản phẩm cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột xuất hiện tại nhiều hội chợ triển lãm trong nước, một số DN cũng đã mang sản phẩm này đi giới thiệu và trưng bày tại Campuchia, Thái Lan. Hiện Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak đang tiến hành gắn logo CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột lên sản phẩm cà phê bột, với ý tưởng sẽ quảng bá cho người tiêu dùng trong nước sử dụng sản phẩm cà phê bột nguyên chất của Buôn Ma Thuột và từng bước nâng cao giá trị sử dụng thương hiệu. Điều này cũng cho thấy, các hoạt động quảng bá trong nước đã được chú trọng, nhưng còn thiếu những chiến dịch quảng bá quy mô, hoạt động khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Theo ông Trịnh Đức Minh, Dak Lak phải quảng bá sâu rộng để quốc tế biết, người tiêu dùng thừa nhận sản phẩm cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột. Muốn vậy phải đẩy mạnh song song việc bảo hộ với quảng bá thương hiệu, đây là một chặng đường rất dài vì câu chuyện bảo hộ vẫn chưa xong, hiện tại mới được 6/17 quốc gia, gồm: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Lucxenbua, Thái Lan chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, còn một số quốc gia khác chưa chấp nhận hoặc từ chối; đó là chưa kể ở một số nước, Dak Lak đăng ký bảo hộ thì đã có thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ từ khá lâu nên sẽ rất khó khăn cho tỉnh về mặt pháp lý. Mặt khác, cà phê có CDĐL có thương mại được hay không phải thông qua DN; vì vậy, các DN và nhà quản lý cùng với các chuyên gia giỏi phải ngồi lại với nhau để xây dựng chiến lược phát triển cà phê có CDĐL.

Lô hàng cà phê nhân Robusta xuất khẩu có gắn logo Cà phê Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.
Lô hàng cà phê nhân Robusta xuất khẩu có gắn logo Cà phê Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.

Về lâu dài, cà phê có CDĐL sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn các loại cà phê có chứng nhận trong xuất khẩu, vì đây là sản phẩm hàng hóa đặc thù của từng vùng, không phải nơi nào cũng có. Chính vì vậy, Chính phủ phải đầu tư vào cà phê có CDĐL, trong đó cần hình thành chuỗi liên kết và thành lập quỹ ngành hàng cà phê để phục vụ cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và có thể dành cho nông dân vay vốn với lãi suất 0% để tái canh cà phê. Đồng thời, các tổ chức có liên quan đến quản lý chất lượng cấp chứng nhận chất lượng hằng năm cho cà phê có CDĐL, có thể áp dụng hình thức thanh tra và chứng nhận của bên thứ ba độc lập. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích các DN được cấp quyền sử dụng CDĐL gắn nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột lên bao bì sản phẩm, giấy tờ giao dịch để khách hàng tự nhận biết sản phẩm có CDĐL.

Nguồn: baodaklak.vn