Tương lai cho vùng cà phê Lâm Đồng

Lâm Đồng, với diện tích xấp xỉ 150 ngàn ha cà phê, sản lượng ước đạt 382 ngàn tấn là một trong những vùng cà phê lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, chất lượng của cà phê Lâm Đồng vẫn chưa được đánh giá cao, giá trị trên thị trường chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có. Từ đó, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tiếp tục thực hiện mô hình “Sản xuất cà phê chè bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên” tại xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt và xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, hai vùng cà phê chè có giá trị cao của Lâm Đồng. 

 

 images1064860_Trang6.1

 

Cà phê, như các loại nông sản khác, cũng phân chia giá trị theo phương pháp canh tác an toàn hay chưa an toàn. Với cà phê Việt, hiện cà phê sản xuất theo bộ tiêu chuẩn UTZ Certified – Chương trình chứng nhận toàn cầu về sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp có trách nhiệm và tiêu chuẩn 4C được đánh giá là đem lại những hạt cà phê có giá trị cao trong nội tiêu và xuất khẩu. Ông Hán Quỳnh Châu, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện xây dựng mô hình cung cấp: “Lâm Đồng có diện tích cà phê tới 150 ngàn ha nhưng diện tích được cấp các chứng nhận sản xuất như UTZ, 4C mới là trên 40 ngàn ha, sản lượng 145 tấn. Chúng tôi thực hiện mô hình nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển, nâng cao năng suất và chất lượng cà phê theo hướng bền vững, tạo hướng đi cho bà con cũng như tương lai cho cây cà phê Lâm Đồng”. Lựa chọn cây cà phê chè do nguyên nhân trên thị trường xuất khẩu, hạt cà phê chè được đánh giá cao và mang lại giá trị lớn hơn so với hạt cà phê vối. Không chỉ dừng lại ở nâng cao chất lượng hạt cà phê, mô hình này còn hình thành liên kết “4 nhà”, với sự tham gia bao tiêu sản phẩm của Công ty TNHH Hải Phương Nam (Bảo Lộc) và 30 nông hộ của Tà Nung, Đà Lạt và 30 nông hộ thuộc xã Hoài Đức, Lâm Hà.

 

Bộ tiêu chuẩn UTZ Certified áp dụng với nông dân có khá nhiều khó khăn do tập quán canh tác của nông dân còn nhiều lạc hậu. Anh Đặng Công Duy, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Công ty Hải Phương Nam nhận xét: “Áp dụng các phương pháp canh tác theo chuẩn ban đầu nông dân gặp nhiều khó khăn do chưa quen với các quy định chặt chẽ. Nhưng cùng thời gian tập huấn, bà con quen dần và thích ứng khá tốt với phương pháp canh tác mới. Riêng với bà con người dân tộc thiểu số, việc ghi chép sổ nông hộ còn chưa thành thói quen, vẫn còn cần được hướng dẫn thường xuyên”. Công ty ngoài hỗ trợ tư vấn kỹ thuật còn bao tiêu sản phẩm cho những bà con tham gia mô hình với giá cả cao hơn bên ngoài từ 300-500 đồng/kg. Tuy nhiên, không chỉ là vấn đề giá cả, quan trọng là với bộ chuẩn canh tác mới, chi phí đầu vào cho cây cà phê giảm từ 25-30% do giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động… nên chi phí đầu vào tổng thể giảm, nông dân được hưởng lợi rất nhiều. Từ những hộ trong mô hình, nhiều cuộc tập huấn đã được tổ chức, giới thiệu phương pháp canh tác mới đến với nông dân xung quanh, tạo tiếng vang và tạo nền cho việc phát triển ngành cà phê.

 

Phát triển ngành cà phê Lâm Đồng không thể không hướng tới việc nâng cao năng suất chất lượng. Tiềm năng đất đai là giới hạn, không thể khai thác mãi dựa trên diện tích đất đai rộng lớn. Nâng cao chất lượng hạt cà phê dựa trên nền có sẵn là xu hướng phát triển hợp lý. Ngoài ra, canh tác theo các bộ tiêu chuẩn tiên tiến đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm, giúp cuộc sống của người nông dân được nâng cao về mặt chất lượng sống. Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khuyến cáo: “Không thể canh tác dựa vào thói quen và kinh nghiệm hay tiềm năng đất đai, sản xuất nông nghiệp trong tương lai phải theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Giúp nông dân sản xuất những hạt cà phê sạch với chi phí thấp sẽ giúp cà phê Lâm Đồng nâng cao giá trị. Tất nhiên phát triển nông nghiệp bền vững không phải là việc tức thời mà sẽ là cả quá trình lâu dài nhưng chúng tôi sẽ đồng hành cùng với sự phấn đấu của bà con nông dân”.
Nguồn: baolamdong.vn