Thị trường càphê: “Găm hàng”, nông dân cần thận trọng

Giá càphê liên tục có dấu hiệu “ấm” lên đã khiến nhiều nhà vườn càphê ở Tây Nguyên “găm” hàng chờ giá.

images

“Găm” hàng chờ giá

Khác với thời điểm này mọi năm, theo ước tính của giới kinh doanh mua bán, ký gửi càphê, người dân còn “găm” ít nhất trên dưới 60% sản lượng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Gia đình ông Nguyễn Tiến Trường ở Lâm Tôk, xã Ia Dơk (Đức Cơ – Gia Lai) có hơn 700 gốc càphê. Niên vụ 2010-2011, ông thu được 2 tấn càphê nhân. Tuy nhiên, dù đang là thời điểm “nóng” của mùa đầu tư nhưng ông vẫn chưa bán ra. Lý giải về việc này, ông cho rằng, giá càphê thời gian qua đang có chiều hướng tăng và dự đoán sẽ tăng nữa.

Anh Lê Ngọc Điệp, chủ một đại lý chuyên thu mua, ký gửi càphê tại địa bàn TP. Pleiku, Ia Grai từ nhiều năm nay, cho biết: “Năm nay, bà con bán rất dè dặt, cần đâu bán đó, không ồ ạt như mọi năm. Lượng càphê thu gom của đại lý giảm 30-40% so với các năm trước”.

Theo dõi thông tin thị trường

Lý giải tình trạng nhà nông “găm” càphê, bán ra nhỏ giọt, nhiều tiểu thương cho rằng, bây giờ đời sống người dân đã ổn định nên không còn cảnh cứ thu hoạch càphê về là vội vàng bán để lo chi phí sinh hoạt, tái đầu tư. Hơn nữa, giờ đã có máy xay càphê nên họ cũng không quá lo lắng về khâu bảo quản.

Bên cạnh đó, người dân được tiếp cận thông tin thị trường thường xuyên, “nắm chắc giá cả trong lòng bàn tay”. Hiện, giá càphê có chiều hướng tăng, khiến nhà nông chờ giá tăng để kiếm thêm chút lãi.

Theo quy luật mua bán càphê, thường thì phải đến thời điểm tháng 5-6 người dân mới đồng loạt “bung” hết lượng càphê trữ trong nhà vì vốn đầu tư lúc ấy hầu hết đã cạn kiệt.

Ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty TNHH MTV càphê Tây Nguyên – Gia Lai cho biết: “Năm nay, hiện tượng bà con ồ ạt tích trữ càphê là có thực và chưa bao giờ càphê được bà con “găm” chặt như năm nay”.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện, các doanh nghiệp càphê trong nước mới chỉ thu gom được khoảng 450.000 tấn càphê.

Ông Đường nhận định, hiện tượng bà con tích trữ càphê cộng với sự lệch pha về thời điểm thu hoạch càphê của nước ta so với các nước đã tạo nên sự khan hiếm hàng hoá, đẩy giá càphê lên cao hơn. Thậm chí, chính sự cạnh tranh mua trong thời điểm bà con “găm” hàng cũng khiến tư thương thu mua phải ít nhiều đẩy giá lên hòng cạnh tranh với nhau. Nhiều đại lý chấp nhận cả hình thức ký gửi càphê, người dân thu hoạch xong là cân gửi cho đại lý, đến thời điểm bà con thấy thích hợp thì “cắt” giá…

Tuy nhiên, bà con phải rất thận trọng, theo dõi sát sao và cập nhật liên tục diễn biến của thị trường, lựa chọn và cân nhắc thời điểm “bung” hàng thật đúng chứ không nên quá mạo hiểm. Khoảng thời điểm tháng 4 đến tháng 6, các nước trồng nhiều càphê như Indonesia, Brazil vào mùa thu hoạch, thị trường càphê chịu sức ép cạnh tranh sẽ rất khó đoán. “Người trồng càphê không nên kỳ vọng quá nhiều vào giá cả sẽ tăng cao thêm nữa, nếu có sự đảo chiều nào đó thì hậu quả sẽ rất khó lường”, ông Đường nhận định