Nông dân tạm trữ gần 50% lượng cà phê

Đến thời điểm này, lượng cà phê trong dân tại tỉnh Đắk Lắk vẫn còn khoảng 40 – 45% sản lượng, khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao đao.

u128_a27b

Theo ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi, việc người dân trữ cà phê đã góp phần giữ giá cà phê ở mức 39.200 đồng/kg cà phê nhân. Vì nông dân bán ra nhỏ giọt, các DN xuất khẩu không dám bán mạnh, nên giá cà phê mới bật dậy, nếu không đã giảm xuống mức dưới 32.000 đồng/kg.

 

Trên thực tế, các DN nước ngoài kinh doanh cà phê tại Việt Nam thường căn cứ vào lượng cà phê người nông dân bán ra để ép giá. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, họ cố tình hạ giá xuống còn 36.000 đồng/kg cà phê nhân (vì biết nông dân cần tiền tiêu Tết nên phải bán ra dịp trước Tết), hòng tạo tâm lý với nông dân “sợ” giá hạ thấp hơn nên sẽ bán ra ồ ạt.

Tuy nhiên, người dân vẫn bình tĩnh, trữ cà phê tại nhà và bán ra nhỏ giọt, nên giá không những không xuống mà còn tăng lên. Bằng chứng là, thời cận Tết Nguyên đán vừa qua, giá cà phê nhân tại Đắk Lắk chỉ ở mức 36.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Lâm Đồng, tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Cà phê Inexim, cho biết, hiện nay giá cà phê đang có hướng tăng lên trên 39.000 đồng/kg, trong khi lượng cà phê trữ lại trong dân tại Lâm Đồng còn trên 50% sản lượng.

Với quy mô nhà máy, kho xưởng của chi nhánh Công ty Inexim, trung bình một ngày phải mua được ít nhất 50 – 70 tấn cà phê nhân mới đủ công suất. Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngày công ty chỉ mua được từ 20 – 30 tấn cà phê nhân.

Trước việc người dân trữ cà phê , một số DN đang có kế hoạch hỗ trợ vốn vay nhằm hút lượng cà phê trong dân về kho của DN. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ, bởi phần lớn DN phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, cho biết, hiện chi nhánh Công ty tại Lâm Đồng còn hạn mức vay 250 tỷ đồng nhưng chưa có ngân hàng nào chịu giải ngân.

Cũng theo ông Tiến, việc người dân không bán cà phê ra nhiều như trước, cộng với khó tiếp cận vốn ngân hàng khiến công ty phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Theo đó, thay vì mua tạm trữ như mọi năm, năm nay công ty đã phải áp dụng hình thức “mua ngay, giao ngay”, đồng nghĩa với việc công ty phải hạn chế xuất khẩu.

“Từ đầu mùa vụ tới nay, chúng tôi mới xuất khẩu được khoảng trên 10 ngàn tấn. Trong khi cũng thời điểm này năm ngoái, công ty đã xuất khẩu được 40 – 50 ngàn tấn”, ông Tiến cho biết.

Với những khó khăn trước mắt, hiện số lượng DN xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk đã giảm, chỉ còn 11 DN thay vì vài chục DN như những năm trước, đồng thời lượng cà phê xuất khẩu cũng giảm rõ rệt (từ đầu năm 2012 đến nay mới chỉ xuất khẩu khoảng 30 ngàn tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch gần 60 triệu USD).