Huyền thoại nữ chúa rừng xanh trên cao nguyên Di Linh

Với người dân K’Ho ở thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng), bà là niềm tự hào của họ. Cuộc đời bà được truyền lại như một huyền thoại về nữ chúa của rừng xanh.

Cuộc đời bà là một trang sử anh hùng nhuốm màu huyền thoại. Nhưng tìm hiểu cuộc đời riêng của bà, chúng tôi lại cảm nhận trước hết đó là một người phụ nữ có nhiều nỗi buồn riêng. Và phải chăng chính những nỗi buồn ấy đã góp phần biến cô thiếu nữ K’Ho dịu dàng thành một nữ chúa của núi rừng cao nguyên, không còn vướng bận tình riêng, chỉ còn một lý tưởng sống duy nhất là đánh đuổi giặc Pháp.

Giấc mơ đánh đuổi giặc Pháp của “người đàn bà trắng”

Bà có tên cúng cơm cha mẹ đặt cho là Ka Nhòi, gốc người K’Ho, sinh vào khoảng những năm 1912 – 1914 tại buôn Dongr Dor (nay thuộc thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa). Nhưng từ khi lọt lòng bà đã là một cô bé bị bạch tạng với nước da trắng và mái tóc cũng trắng như cước. Người K’Ho luôn có làn da đen ngăm ngăm đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Vì vậy, làn da trắng toát của bà thời ấy là một hiện tượng rất lạ, nên người trong vùng gọi bà là Mọ Kọ, có nghĩa là bà trắng.

377ccb58a1280961b8db50b05a09d646-1

Cô thiếu nữ Ka Nhòi lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang bị giặc Pháp chiếm đóng, kể cả tận chốn rừng sâu, nơi buôn làng bà sinh sống. Thị xã Di Linh nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong những năm 30 của thế kỷ trước bị người Pháp khai khẩn đất đai rất mạnh mẽ. Cùng với việc mở đường giao thông, người Pháp cũng đã tăng cường tích tụ ruộng đất để lập nên những đồn điền do giới chủ Pháp quản lý. Bên cạnh đó, nhiều đồn bốt được lập nên với sự lộng hành của quân lính Pháp và quân lính người Việt và cả đội quân thuộc quyền người dân tộc thiểu số được Pháp tuyển mộ. Đồng thời, nhiều hình thức áp bức xã hội khác cũng được người Pháp tăng cường ở khắp vùng Tây Nguyên. Do vậy, mâu thuẫn giữa đội quân này với đồng bào thiểu số Tây Nguyên ngày càng trở nên gay gắt.

Cha bà Ka Nhòi thời đó là một người có tinh thần yêu nước, tham gia vào phong trào chống lại thực dân Pháp. Ông từng bị thực dân Pháp bắt đưa ra Côn Đảo giam cầm khổ sai. Ka Nhòi thừa hưởng từ cha tinh thần và ý chí đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi buôn làng mình. Bắt đầu từ đó, cô gái K’Ho da trắng, tóc trắng nuôi trong lòng mình một giấc mơ, nhưng không phải giấc mơ về cuộc sống giản dị, yên bình như của mọi cô gái K’Ho mới lớn khác. Bà mơ về một cuộc kháng chiến, để một ngày quê hương Đồng Đò của bà sẽ trở lại cảnh thanh bình như khi chưa có giặc Pháp, lũ sài lang từ một nơi xa xôi nào đó, mang súng đạn đến cướp phá đất đai, nhà cửa, giết đồng bào của bà không chút xót thương.

8ba9b253d6d237ddc995e96d0e37de43-2

Mối tình ngang trái

Hôm chúng tôi đến, Đồng Đò đang vào mùa thu hoạch cà phê. Sân nhà đồng bào K’Ho nào cũng tràn một màu nâu của cà phê đã phơi qua mấy nắng. Anh K’Bảo, bí thư đoàn xã Tân Nghĩa, sống tại thôn Đồng Đò, nghe không biết bao nhiêu lần ông bà mình kể câu chuyện về cuộc đời nữ tướng Ka Nhòi tiết lộ với chúng tôi rằng: “Nữ tướng Ka Nhòi chỉ có duy nhất một người con gái tên Ka Nhung. Nhưng Ka Nhung đã bị chết khi lên 7 tuổi. Tuy có con nhưng bà Ka Nhòi chưa một lần kết hôn và có chồng. Ka Nhung là kết quả của mối tình đẹp nhưng đầy ngang trái, mối tình duy nhất trong cuộc đời nữ chúa rừng xanh với một chàng trai K’Ho.

Thời thiếu nữ bà Ka Nhòi rất đẹp, bà từng làm cho đám trai làng mê mẩn bởi làn da trắng, mái tóc rất dài và rất trắng khác biệt của mình. Bởi nuôi ý định khởi nghĩa chống giặc nên bà chưa chọn được chàng trai nào “ưng cái bụng” để bắt làm chồng theo phong tục của người K’Ho. Đến một ngày, gia đình bà Ka Nhòi tổ chức lễ đâm trâu. K’Jéo là người làng bên tự nguyện sang giúp bố bà làm cọc nêu.

K’Jéo là một chàng trai khỏe mạnh, thông minh và có nhiều tài vặt. Làm lễ xong, Ka Nhòi mời K’Jéo ở lại uống rượu cần và ăn thịt trâu nướng suốt đêm. Uống hết không biết bao nhiêu bình rượu cần, mọi người đã say và đi ngủ, chỉ còn K’Jéo và Ka Nhòi ngồi lại bên bếp lửa. K’Jéo cất tiếng hát: “Trao người thương yêu nhất/Cái vòng tay bỏ vào tay/Cái bông tai đeo vào tai/Còn con khỉ đeo lục lạc”. Đại ngàn chìm trong sự yên lặng của bóng đêm. Dòng suối Đạ Sar ven làng dường như cũng lững lờ quên trôi về sông lớn. Chỉ còn hai con tim cùng gõ nhịp và ngọn lửa bập bùng chứng giám. Ka Nhòi cũng hát đáp lại: “Chàng cười vui đứng vững/Khiến tôi cũng vui đứng vững? như cọc nêu, như cây tre xưa/Chàng về gió nổi lên/Và con suối chiều nay không cạn nước”. Và cứ thế, lời cùng lời, câu cùng câu trao nhau ngày càng tình tứ. Điệu Lảh lông (một giai điệu âm nhạc truyền thống của người K’Ho) trữ tình thắt chặt đôi trai gái vào nhau như sợi dây rừng buộc vào cọc nêu ngoài sân trong lễ đâm trâu, như men rượu cần đã ngấm vào trong từng mạch máu. Sáng hôm sau, họ chia tay nhau với lời hẹn: “Đêm, ta lại đến. Em hãy chờ cửa nhé!”.

Vậy là sau đêm đó, người thiếu nữ K’Ho ấy đã biết rung động với tình yêu đầu đời, biết chờ mong và biết rằng ngày dài hơn ông mặt trời đi từ đỉnh núi phía Đông sang đỉnh núi phía Tây. Đêm nối đêm, đôi trai gái quyện vào nhau như ngọn núi Đăng Kér soi bóng xuống dòng Đạ Brăng – nơi hẹn hò của đôi uyên ương. Và chỉ có ngọn suối Đăng Brăng và dòng Đạ Brăng mới biết được bí mật tình yêu của hai người.

Trong quan niệm của người K’Ho, quan hệ trước hôn nhân được cộng đồng cho phép, nhưng nếu cô gái có thai thì chàng trai sẽ phải lấy cô gái làm vợ. Khi biết mình có mang, Ka Nhòi thưa với người cậu – người đóng vai trò quyết định trong hôn nhân của người K’Ho: “Cậu hãy sang nhà K’Jéo và nói với cha mẹ K’Jéo là cháu sẽ bắt K’Jéo về làm chồng”. Người cậu sang nhà K’Jéo thưa chuyện, nhưng bố mẹ K’Jéo từ chối lời cầu hôn của Ka Nhòi chỉ vì bà là người bị bạch tạng. Sau đó, phía gia đình nhà Ka Nhòi cũng tự ái mà không đồng ý và kiên quyết ngăn cản hai người đến với nhau.

Đôi trai gái đau khổ, tuyệt vọng vì không thể trao cho nhau chiếc vòng cầu hôn. Chỉ duy nhất con chim Bling trên đỉnh Đang Két là thấu hiểu nỗi lòng của họ. Đêm đến nó bay về làng báo mộng với già làng rằng chỉ nên phạt trâu K’Jéo mà thôi, không nên ruồng bỏ họ, vì lời thề của K’Jéo và Ka Nhòi đã được thần núi Đăng Két và thần suối Đa Brăng chứng giám.

Trước hội đồng già làng, K’Jéo chấp nhận hình phạt đền trâu cho nhà Ka Nhòi để giữ trọn lời hứa thủy chung với người mình yêu suốt đời. Nhưng đôi trai gái không thể trọn đời cùng nhau. Người đàn bà trắng, sau mối tình dang dở nhiều nước mắt ấy, sau khi cô con gái 7 tuổi qua đời, bà cuốn vào cuộc dấy nghĩa của nghĩa quân K’Ho, lấy công việc để quên đi nỗi niềm riêng. Vừa bước qua tuổi đôi mươi, cô gái K’Ho đã tập hợp được 10.000 đồng bào các dân tộc trong tỉnh, làm thủ lĩnh phong trào chống Pháp khắp một vùng Tây Nguyên rộng lớn, khiến quân giặc run sợ khi nghe đến tên người đàn bà trắng Mọ Kọ.

Từ chối mọi lời tỏ tình

Sau mối tình đầu không trọn vẹn, K’Jéo không chấp nhận lời cầu hôn của bất kỳ người con gái nào khác. Một thời gian sau, K’Jéo không bệnh tật gì mà ốm rồi chết. Dân làng cho rằng K’Jéo chết vì tương tư. Còn bà Ka Nhòi, có lẽ vẫn không quên lời thề hôm nào bên dòng Đạ Brăng, nên mọi lời tỏ tình của các chàng trai đều bị bà từ chối. Đến cuối đời, nữ thủ lĩnh của đội nghĩa quân kháng Pháp người K’Ho chết trong cô độc, không chồng, không con đưa tiễn. Mối tình duy nhất của Nữ chúa rừng xanh cũng theo bà xuống mồ và bị chôn chặt từ đó đến giờ.

Theo Nguoiduatin