Đắk Lắk ưu tiên nguồn nước cứu cà phê

Đắk lắk chủ trương nếu không đủ tưới toàn bộ diện tích các loại cây trồng trong khu tưới thì ưu tiên tập trung nước tưới cho cây cà phê.

Han han

Thiệt hại trên 1.073 tỷ đồng do thiếu nước

Trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ, ông Trang Quang Thành, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Đắk Lắk cho biết, do thời tiết ít mưa, mực nước các sông, suối trên địa bàn tỉnh thấp hơn trung bình trong 5 năm trở lại đây.

Ngay từ đầu tháng 3/2013, nhiều suối nhỏ không còn dòng chảy và hồ chứa nhỏ trong tỉnh đã cạn. Các hồ, sông, suối vừa và lớn mực nước giảm nhanh trong quá trình phục vụ tưới cho cây trồng vụ Đông xuân.

Tính cuối tháng 3, toàn tỉnh đã có 157 hồ chứa nước đã cạn kiệt, các trạm bơm hoạt động hạn chế do mực nước sông, suối xuống quá thấp, lưu lượng dòng chảy nhỏ.

Cho đến đầu tháng 4 tổng diện tích cây trồng bị hạn đã lên tới 34.168ha, trong đó 8.059 ha lúa nước, 25.294 ha cà phê. Hiện toàn tỉnh đã có 3.004 ha bị mất trắng, trong đó bao gồm: 2.738 ha lúa nước, 103 ha ngô, 104 ha cà phê, tổng thiệt hại về sản xuất ước tính trên 1.073 tỷ đồng.

Ông Thành cho biết thêm: Việc cấp nước sinh hoạt tại thành phố Buôn Ma Thuột năm nay cũng chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Tại 7 huyện (Krông Bông, Krông Păc, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Năng, Lăk và Cư Mgar) đã có 7.042 hộ dân và 10 cơ sở trường học bị thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt tại huyện Ea Hleo, đồng bào dân tộc sinh sống tại các buôn làng phải đi lấy nước khe suối về phục vụ sinh hoạt.

Nỗ lực chống hạn, ưu tiên cứu cây cà phê

Để chủ động đối phó với tình hình khô hạn và kịp thời tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ kinh phí cho công tác chống hạn, tập trung hỗ trợ nạo vét kênh mương và nhiên liệu bơm tại một số địa phương như: Krông na 969 triệu, Lăk 698 triệu, Ea Kar 200 triệu, Cư M’gar 600 triệu, Cư Kuin 1.052 triệu đồng….

Bên cạnh đó, Đắk lắk chủ trương nếu không đủ tưới toàn bộ diện tích các loại cây trồng trong khu tưới thì ưu tiên tập trung nước tưới cho cây cà phê để giữ năng suất cà phê; khi hồ chứa cạn khô thì đào ao, giếng trong lòng hồ để tận dụng nước ngầm bơm tưới cứu cây cà phê. Bên cạnh đó tăng cường nạo vét sông suối, lòng dẫn, đắp đập chặn dòng, đào kênh dẫn để bơm tát chống hạn.

Đồng thời, yêu cầu Chính quyền địa phương nghiêm cấm việc khoan giếng quá sâu gây mất nước trong vùng; khuyến cáo nhân dân áp dụng giải pháp khoan ngang để gom nước chống hạn…

Về lâu dài Đắk Lắk có chủ trương hướng đến đầu tư các dự án trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng các công trình thủy lợi lớn trọng điểm đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhằm đảm bảo đủ nguồn nước vụ nhu cầu phát triển sản xuất.

Theo Chinhphu.vn