Tổng hợp thị trường cà phê tuần 13 (25/3 – 30/3/2013)

Trên hai sàn giao dịch, giá cà phê thế giới thể hiện hai xu hướng khác biệt nhau. Trong khi đó, thị trường cà phê thế giới còn gặp bất lợi khi giá USD tăng mạnh do khủng hoảng dai dẳng ở khối Eurozone.

Ảnh-chụp-màn-hình_2013-03-29_tuan

Đầu tuần, trên sàn NYSE Liffe London, giá cà phê Robusta tiếp tục xu hướng suy giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 21 USD, tương đương giảm 0,99 %, xuống 2.118 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 17 USD, tương đương giảm 0,8 %, còn 2.123 USD/tấn. Tuy nhiên đây là mức giá Robusta cao nhất tuần.

Trái lại, trên sàn ICE New York giá cà phê Arabica tiếp tiếp nối đà tăng từ giữa tuần trước. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 0,3 cent, tức tăng 0,22 %, lên 135,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 0,25 cent, tức tăng 0,18%, lên 138,2 cent/lb. Đây là mức giá Arabica thấp nhất tuần.

Giữa tuần, giá cà phê thế giới tiếp tục theo hai xu hướng khác biệt. Trên sàn Liffe London giá cà phê Robusta kéo dài chuỗi giảm xuống mức thấp nhất tuần khi kỳ hạn tháng 5 giảm thêm tất cả 67 USD, tương đương giảm 3,16 %, xuống mức 2.051 USD/tấn và kỳ hạn tháng 7 giảm thêm tất cả 49 USD, tương đương giảm 2,31 %, xuống mức 2.074 USD/tấn.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica tại New York chủ đạo vẫn là xu hướng tăng tuy có đan xen một phiên điều chỉnh nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm tất cả 1,55 cent, tức tăng 1,14 % lên mức 137,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm tất cả 1,45 cent, tức tăng 1,05 % lên mức 139,65 cent/lb.

Cuối tuần, phiên ngày thứ Sáu 29/3, cả hai thị trường cà phê thế giới đều nghỉ Lễ Phục Sinh, không giao dịch.

Giá cà phê nhân xô nội địa chốt tuần xuống đứng ở mức 43.200-43.400 đồng/kg

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta giảm 88 USD/tấn, tương đương giảm 4,11%, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 1.400 đồng/kg, tương đương giảm 3, 13 % trong khi giá cà phê Arabica tăng 1,85 cent/lb, tức tăng 1,37 %. Đây cũng là một trong số ít tuần có mức giá nội địa giảm rất mạnh kể từ đầu vụ.

Thị trường cà phê thế giới chi phối bởi những yếu tố rất cơ bản.

Đầu tiên là thông tin về những trận mưa rải rác xuất hiện tại Tây nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam, đã hạn chế nguy cơ hạn hán làm suy giảm sản lượng vụ tới và thông tin dự báo xuất khẩu tháng Ba tăng mạnh làm gia tăng sức ép giảm giá.

Trong khi các nước sản xuất Robusta lớn của thế giới cũng sắp vào thu hoạch vụ mới hứa hẹn nguồn cung sẽ dồi dào, cho dù Rabobank dự kiến nhu cầu của thế giới về cà phê Robusta vẫn còn cao nên nguồn cung vẫn chưa đủ, cũng làm giá giảm thêm.

Giá cà phê Arabica vẫn còn nguyên sức ép nguồn cung từ Brazil và Colombia, hai quốc gia sản xuất hàng đầu hứa hẹn có những vụ thu hoạch kỷ lục. Chuỗi tăng giá đợt này được coi như là đợt điều chỉnh vì giá đã giảm quá sâu buộc các quốc gia sản xuất phải đưa ra những chính sách hỗ trợ cho nông dân ở mức giá tối thiểu.

Trong khi đó, thị trường cà phê thế giới còn gặp bất lợi khi giá USD tăng mạnh do khủng hoảng dai dẳng ở khối Eurozone.

Các nền kinh tế lớn trên hành tinh vẫn theo đuổi những chính sách kích cầu tiêu dùng nên vẫn còn nhiều hy vọng giá cà phê vẫn duy trì ở mức cao.

Theo Giacaphe.com