Thay vườn cà phê già cỗi – lực bất tòng tâm

Dù muốn đẩy mạnh tái canh, thay thế vườn cây già cỗi nhưng ngành cà phê VN khó có thể thực hiện nhanh bởi còn không ít trở ngại.

Quá “sung” nên mau thoái hóa

Năng suất cà phê VN quá cao, khai thác quá mức nên cây cà phê nhanh chóng kiệt quệ, già cỗi. Đó là lý giải của nhiều chuyên gia nông nghiệp về hiện trạng đáng báo động của vườn cà phê VN hiện nay. Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, năm 1980, cả nước có 22.500 ha cà phê, năng suất bình quân 0,78 tấn/ha, sản lượng 8.400 tấn; nhưng nay diện tích trên 600.000 ha, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, năng suất từ 2,3 – 2,5 tấn/ha. So với năm 1980, sản lượng cà phê hiện nay tăng trên 180 lần, năng suất tăng 3 lần. “Năng suất cà phê VN thuộc loại “sung” nhất trong các nước sản xuất cà phê, gấp 2,5 – 3 lần năng suất bình quân của cà phê thế giới”, ông Báu nhận xét.

Phá bỏ vườn cà phê già cỗi để tái canh ở H.Krông Pắk, Đắk Lắk.
Phá bỏ vườn cà phê già cỗi để tái canh ở H.Krông Pắk, Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục Trồng trọt – Bộ NN-PTNT, phân tích: “Năng suất cà phê VN vượt trội là kết quả của quá trình đầu tư thâm canh quá mức trong điều kiện không có cây che bóng, thoái hóa đất, sâu bệnh gây hại… Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây suy thoái nhanh vườn cà phê đang kinh doanh”. Ông Hòa cũng cho biết, hiện cả nước có trên 80.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi và khoảng 40.000 ha cà phê dưới 20 năm nhưng đã có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, nhiều cành không cho quả; tổng diện tích cà phê già cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 – 10 năm tới khoảng 140.000 – 160.000 ha.

Cái khó “bó” tái canh

Ông Lương Văn Đồng ở xã Hòa Đông, H.Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết gia đình ông có 2 ha cà phê gần 30 năm tuổi, năng suất chỉ còn khoảng 1,2 tấn/ha, muốn phá bỏ để trồng lại cà phê nhưng tính ra mất 5 – 6 năm mới cho thu nhập. “Nếu không cải tạo đất thì nguy cơ sâu bệnh rất cao; còn cải tạo thì mất hai đến ba năm mới có thể trồng lại cà phê. Hơn nữa, để tái canh, chi phí mỗi hécta mất hàng trăm triệu đồng nên gia đình tôi thấy chưa kham nổi”, ông Đồng thổ lộ. Khá nhiều hộ trồng cà phê trong vùng chần chừ như ông Đồng trước viễn cảnh tốn kém nhưng lại mất nguồn thu nhập trong mấy năm liền, buộc phải “gắn bó” với vườn cà phê già cỗi.

Vườn cây giống phục vụ  tái canh ở Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây nguyên.
Vườn cây giống phục vụ tái canh ở Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây nguyên.

Theo ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở NN-PTNT Đắk Lắk, để tái canh, mỗi hécta cà phê cần đầu tư khoảng 150 triệu đồng cho các khâu cải tạo đất, cây giống, phân bón, công chăm sóc… nên nhiều nông hộ thiếu vốn, lực bất tòng tâm. Trong khi đó, ông Đồng Văn Quảng, Trưởng ban Nông nghiệp Tổng công ty cà phê VN (Vinacafe), cho biết dự toán chi phí đầu tư tái canh trong 5 năm theo đơn giá năm 2012 của đơn vị này là 255 triệu đồng/ha đối với cà phê vối và 302 triệu đồng/ha đối với cà phê chè.

Theo ông Quảng, tổng số vốn cần cho kế hoạch tái canh 11.000 ha cà phê già cỗi của các đơn vị thuộc Vinacafe từ năm 2012 – 2019 là 2.813 tỉ đồng. “Vinacafe đã có dự án tái canh được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đã làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ vốn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Mặt khác, mấy năm nay giá cà phê ở mức khá nên nhiều người trồng cà phê tranh thủ tận thu mặc dù năng suất vườn cây thấp. Những lý do này khiến việc triển khai tái canh gặp khó khăn, không đạt kế hoạch đề ra”, ông Quảng phân trần.

Theo Thanhnien.com.vn