Giải bài toán “xuất nhiều, giá trị ít” cho cà phê

Hiện Việt Nam chiếm gần 30% sản lượng cà phê giao dịch nhưng kim ngạch chỉ chiếm 10% tổng giá trị thương mại cà phê toàn cầu. Điều này đặt ra vấn đề phát triển chế biến sâu đối với ngành hàng cà phê Việt Nam.

Hội thảo thảo luận các biện pháp nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.
Hội thảo thảo luận các biện pháp nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.

Ngày 10/3, tại TP Buôn Ma Thuột, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4, Hội thảo “Triển vọng ngành hàng cà phê 2013: Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng” do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp tổ chức với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thu hút gần 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, thị trường, giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 1,6 triệu tấn và kim ngạch trên 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành cà phê Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về diện tích cà phê già cỗi hiện chiếm 30% và nếu không tái canh kịp thời, tỷ lệ này lên 50% trong 10 năm tới.

Bên cạnh đó, chất lượng cà phê xuất khẩu chưa ổn định và phần lớn là cà phê nhân, ít chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao. Diện tích cà phê tuy lớn nhưng lại phân tán, sản xuất quy mô nhỏ với trên nửa triệu hộ trồng cà phê nên khó khăn cho việc đầu tư kỹ thuật trồng trọt và chế biến theo mô hình sản xuất lớn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những thách thức trong phát triển cà phê là tính tự phát, mở rộng diện tích ngoài quy hoạch không đảm bảo bền vững trong khi biến đổi khí hậu dẫn tới khó khăn về nước tưới và vấn đề khác như chất lượng cà phê, khả năng cạnh tranh yếu.

Những hạn chế nói trên khiến giá trị gia tăng của cà phê Viêt Nam thấp. Hiện Việt Nam chiếm gần 30% sản lượng cà phê giao dịch nhưng kim ngạch chỉ chiếm 10% tổng giá trị thương mại cà phê toàn cầu. Nguyên nhân là do tỷ lệ chế biến sâu hạn chế.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vinacafe Biên Hòa, cho biết, 1 kg cà phê nhân thu về khoảng 2 USD, tương đương với 1 ly cà phê ở nước ngoài, trong khi 1 kg cà phê có thể pha được 50 ly. Việt Nam chỉ có 4 thương hiệu cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay, trong khi Brazil có đến khoảng 20 thương hiệu cà phê hòa tan và 3.000 thương hiệu cà phê rang xay.

Theo ông Đoàn Xuân Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối, hiện Việt Nam có hơn 50 nhà máy chế biến cà phê nhân quy mô công nghiệp với tổng công suất hơn 1 triệu tấn nhưng chế biến sâu (cà phê hoà tan và rang xay…) chưa đến 10% sản lượng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, để nâng giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng cà phê nhân, tăng tỷ trọng cà phê chế biến sâu. Hiện công suất chế biến cà phê hoà tan và cà phê bột khoảng 80.000 tấn, riêng cà phê hoà tan là 12.000 tấn. Ông Đoàn Xuân Hoà cho biết, theo mục tiêu phát triển cà phê đến năm 2030, công suất chế biến cà phê là 135.000 tấn, trong đó cà phê hoà tan là 60.000 tấn.

Ông Lương Văn Tự cho rằng, để phát triển bền vững cần xây dựng chiến lược phát triển ngành cà phê; thống nhất tiêu chuẩn cà phê nhân xuất khẩu; xây dựng quy chuẩn cà phê rang và hoà tan; tăng diện tích cà phê có chứng chỉ; xây dựng quỹ phát triển ngành hàng để tái canh; tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây cà phê và loại bỏ những diện tích không thích hợp.

Theo Chinhphu.vn