Đắk Lắk: Ngăn chặn trốn thuế trong kinh doanh cà phê

Hiện nay, ngoài việc tiến hành kiểm tra lại các doanh nghiệp mới thành lập thu mua cà phê trên địa bàn, các ngành chức năng ở tỉnh Đắk Lắk còn nhanh chóng thông báo đến các địa phương đề nghị tạm thời không hoàn thuế, khấu trừ thuế cho các hóa đơn của các doanh nghiệp khai man địa chỉ, bỏ trốn khỏi địa bàn.

Đắk Lắk: Ngăn chặn trốn thuế trong kinh doanh cà phê
Đắk Lắk: Ngăn chặn trốn thuế trong kinh doanh cà phê

Tỉnh cũng thành lập tạm thời hai chốt kiểm tra liên ngành trên Quốc lộ 14 và 26 để ngăn chặn tình trạng xuất cà phê nhân ra khỏi tỉnh nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, tại chốt liên ngành Quốc lộ 14 , lực lượng chức năng đã phát hiện trên 14.200 tấn cà phê vận chuyển không có hóa đơn chứng từ hợp lệ ra khỏi tỉnh và đã xử phạt 48 triệu đồng tiền thuế…

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhiều tháng nay xuất hiện hàng chục doanh nghiệp có kiểu kinh doanh thu mua cà phê khá nghịch lý là mua cao bán lại với giá thấp nhưng vẫn có lãi lớn. Kiểu mua bán này không những gây thất thoát thuế mà còn làm xáo trộn thị trường, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê kinh doanh chính đáng.

Ngày 6-3, ông Lê Văn Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk cho biết, có tình trạng trên là do các doanh nghiệp này tổ chức mua cà phê của bà con nông dân, các đại lý không có hóa đơn, chứng từ, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính với giá thấp hơn. Mục đích của các doanh nghiệp “mua cao bán thấp” này là lấy cho được hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), phục vụ cho việc hoàn thuế rồi chiếm đoạt khoản tiền này.

Ông Mạnh cho biết thêm, hiện nay giá thị trường 1 kg cà phê nhân là 40.000 đồng, nhưng các doanh nghiệp này sẵn sàng mua 41.000 hay 41.500 đồng/kg rồi sau đó bán lại cho các đơn vị xuất khẩu chỉ giá là 40.000 đồng/kg để nhận lại khoản tiền hoàn thuế VAT 5% (tương đương 2.050 đồng/kg). Thay vì đóng khoản hoàn thuế cho Nhà nước, doanh nghiệp bỏ trốn để thu giữ luôn 1.050 đồng/kg. Mặt khác, các doanh nghiệp “mua cao, bán thấp” này còn chiếm đoạt luôn cả tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp mua cao bán thấp ồ ạt đổ tiền ra mua cà phê, đơn vị nào thu gom cà phê với số lượng lớn thì tỷ lệ thuận với việc hoàn thuế càng tăng lên, thu nhập bất chính càng đội cao.

Phần lớn các các doanh nghiệp mới thành lập thực hiện phương thức “mua cao bán thấp” này đều là người ở các tỉnh, thành khác đến thuê hoặc tự động lấy địa chỉ, số nhà của người dân trên địa bàn Đắk Lắk để làm trụ sở. Thậm chí, có doanh nghiệp còn tự động lấy địa chỉ quán cơm bình dân, nhà trọ xập xệ của các hộ gia đình làm trụ sở “ma” để thu mua cà phê với một số lượng lớn cà phê. Sau khi thực hiện xong việc hoàn thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp này liền bỏ trốn, ‘mất tích”.

Cụ thể, ngay trên địa bàn thị xã Buôn Hồ có 15 doanh nghiệp mới thành lập để thu mua cà phê với hình thức “mua cao bán thấp” nay đã “mất tích”. Chỉ mới xác minh 4 công ty bỏ trốn là: Lê Quang Tập, Nguyễn Hữu Hiếu, Ngô Quý Yên, Thuỷ Phong Phát mua cà phê rồi bán lại cho 40 doanh nghiệp khác ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Quảng Nam, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh…với tổng giá trị lên đến 2.288 tỷ đồng và được các doanh nghiệp này khấu trừ thuế đầu vào hơn 114 tỷ đồng.

Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ cho biết, Công ty TNHH Nguyễn Hữu Hiếu (do ông Nguyễn Hữu Hiếu ở tỉnh Hải Dương làm giám đốc) lấy địa chỉ số 579 đường Hùng Vương (thị xã Buôn Hồ) chỉ là nhà dân làm trụ sở. Trong thời gian ngắn, Công ty này đã mua cà phê nhân và bán lại cho 5 doanh nghiệp khác với tổng giá trị ghi trên hoá đơn lên trên 709 tỷ đồng và được hoàn thuế giá trị gia tăng gần 35,5 tỷ đồng./.

Theo Caphesieusach.com