Ngành cà phê đương đầu với thách thức

Ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, cần tập trung tháo gỡ như: Quy hoạch sản xuất, tái canh, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng…

Đây là những vấn đề được nêu tại Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh 2012 và triển khai nhiệm vụ 2013 của Tổng công ty cà phê Việt Nam, được tổ chức ngày 28/2 tại Hà Nội.

Phát triển tự phát

“Thực tế, diện tích cà phê được mở rộng một cách tràn lan không theo quy hoạch đang diễn ra tại các địa bàn trọng điểm về cà phê. Hệ quả nhãn tiền của tình trạng này là nhiều diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên rơi vào tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng. Đây không chỉ là vấn đề của địa phương mà thực sự là vấn đề của quốc gia”, ông Trần Việt Hùng, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh.

Khoảng 1/3 diện tích trong tổng số trên 600.000 ha cà phê cả nước đã già cỗi.
Khoảng 1/3 diện tích trong tổng số trên 600.000 ha cà phê cả nước đã già cỗi.

Từ phân tích trên, ông Hùng cho rằng, nên chăng Nhà nước phải có những biện pháp để các địa phương giữ được quy hoạch. Nếu không, việc thực hiện quy hoạch cà phê của không riêng Tây Nguyên mà của cả nước sẽ liên tục bị phá vỡ, dẫn đến sản lượng, giá trị và môi trường sẽ không bền vững.

Bên cạnh đó, để ngành cà phê tăng trưởng bền vững, đóng góp ngày càng cao cho xuất khẩu, theo ông Hùng, Nhà nước cần có chính sách phù hợp, tương xứng với tầm quan trọng mang tính chiến lược của ngành hàng này.

“Cà phê là mặt hàng chiến lược của quốc gia, đóng góp giá trị xuất khẩu cao. Đối với Tây Nguyên, cây cà phê còn là cây trồng chủ lực tác động đến đời sống của phần lớn nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, so với lúa và cá tra thì chính sách cho cà phê chưa tương xứng với tầm quan trọng của nó. Tính đến nay, chỉ mới 2 lần có chính sách tạm trữ đối với cà phê”, ông Hùng nói.

Cần 40.000 tỷ đồng để tái canh

Việc tái canh cây cà phê cũng đang là vấn đề bức thiết đối với ngành. Hiện có tới 1/3 trong tổng số 600.000 ha cà phê đã già cỗi, năng suất chất lượng kém cần được thay thế. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư cây giống, phân bón, thuê nhân công… nên người dân và doanh nghiệp vẫn buộc phải “gắn bó” với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp.

Công ty TNHH MTV cà phê IAGRAI là một trong những đơn vị điển hình thực hiện tái canh hiệu quả trong những năm qua. Từ năm 2007 đến nay, đơn vị đã tái canh được 156,5 ha và năm 2013 sẽ thêm 30 ha được tái canh. Ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc công ty tính toán: Bình quân đầu tư cho 1 ha cà phê tái canh cần khoảng 200 triệu đồng thì cần phải có 40.000 tỷ đồng để tái canh cho toàn bộ diện tích cà phê già cỗi của cả nước. Theo ông Ngọc, đây là nguồn vốn lớn mà doanh nghiệp và người trồng cà phê không thể tự lo được. Do vậy, ông Ngọc đề nghị, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người trồng cà phê được vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp, với thời gian vay từ 7 – 10 năm.

Trước thực tế nông dân, doanh nghiệp cà phê khó tiếp cận vốn ngân hàng, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị, Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng tháo gỡ vấn đề vốn cho người trồng cà phê, các doanh nghiệp cà phê, trong đó có Tổng công ty cà phê Việt Nam. “Thủ tướng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng để phát triển cà phê bền vững. Bộ NN&PTNT cần thúc giục NHNN thực hiện chính sách này”, ông Hùng nói.

Giải bài toán nâng cao giá trị, thương hiệu

Hiện nay, 95% lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đang ở dạng cà phê nhân. Số nhà máy chế biến hiện có mới chỉ giải quyết được khoảng 6% lượng cà phê nhân làm ra mỗi năm. Điều này đặt ra nhu cầu bức thiết phải nâng cao giá trị xuất khẩu của sản phẩm cà phê.

Theo ông Trần Việt Hùng, Tổng công ty cà phê Việt Nam được Chính phủ giao với đầy đủ tư cách để có thể làm đầu tàu trong việc phát triển của toàn ngành. Theo ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty cà phê Việt Nam, nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới của Tổng công ty là sẽ tổ chức quản lý, khai thác sử dụng công suất các nhà máy chế biến cà phê nhân chất lượng cao; đẩy mạnh, khuyến khích sản xuất chế biến cà phê tiêu dùng, nâng cao năng suất, mở rộng thị trường. Trong đó, gia tăng giá trị chế biến và chế biến sâu là một trong những chiến lược của Tổng công ty trong thời gian tới.

Điển hình trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa. Năm 2013, doanh nghiệp này sẽ đưa một dây chuyền chế biến mới với công suất 32.000 tấn/năm vào hoạt động. Đây là một trong những dây chuyền có công suất lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, ông Phạm Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa cho biết: “Công ty sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, năm 2013 tập trung vào thị trường trọng điểm như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, ASEAN; tiếp đến sẽ mở thêm những thị trường mới ở châu Âu”.

Theo Baotintuc.vn