Tìm cách chống đại hạn

Hàng chục ngàn ha lúa, mía, cao su và cà phê ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang hoặc có nguy cơ chết cháy vì hạn nặng. Ngày 26-2, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp tập trung chống hạn, cứu sản xuất nông nghiệp.

Người dân sống dọc sông Ba ở huyện Kông Chro, Gia Lai khoét sông lấy nước về dùng.
Người dân sống dọc sông Ba ở huyện Kông Chro, Gia Lai khoét sông lấy nước về dùng.

Theo Tổng cục Thủy lợi, trọng điểm khô hạn hiện nay ở miền Trung, Tây Nguyên là các tỉnh như Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lăk,… Tại cuộc họp, đại diện cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, thời tiết đang có những dấu hiệu khốc liệt, mặc dù không nghiêm trọng bằng năm 1998 nhưng cũng tương đương năm 2002. Trong các tháng 10, 11 và 12-2012 và cả tháng 2-2013, nhiệt độ trung bình ở khu vực miền Trung đều cao hơn so với mức trung bình nhiều năm, có nơi cao hơn tới 3°C. Các khu vực gồm từ Hà Tĩnh trở vào Ninh Thuận, từ khoảng tháng 5 – 6 đến tận tháng 8 – 9 sẽ bước vào thời kỳ nắng nóng, khô hạn kéo dài khốc liệt.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương, sở dĩ đưa ra những dự báo về hạn hán nặng ở miền Trung trong vụ đông xuân 2013 và đặc biệt là vụ lúa hè thu sắp tới vì trong năm 2012 vừa qua, mùa mưa ở miền Trung và Tây Nguyên đã kết thúc khá sớm. Trong khi đó, do thời tiết đang ở giai đoạn trung tính nên nhận định vào các tháng giữa năm cho đến tháng 8 và 9-2013, lượng mưa khá ít. Vì vậy, các hồ chứa và lưu lượng dòng chảy trên các sông, ngòi ở miền Trung sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, đến thời điểm hiện tại, không chỉ Trung bộ, Tây Nguyên mà cả khu vực Bắc bộ và Nam bộ cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng khô hạn. Riêng ở miền Trung, hiện 50% hồ chứa thủy lợi, hồ chứa nước đạt được 50% dung tích chứa, còn lại chỉ đạt được 20% – 30%. Nhiều nơi, mặc dù lắp đặt hệ thống bơm dã chiến rất tốn kém nhưng cũng không đủ nước. Trong khi, từ khoảng tháng 6 – 7 trở đi, cao điểm khô hạn còn nặng nề hơn.

Do nắm bắt được sớm về xu thế sẽ xảy ra hạn hán nặng trong năm 2013 nên từ đầu năm, Bộ NN-PTNT đã báo cáo Chính phủ để chủ động chỉ đạo các giải pháp chống hạn, đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp. Theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT, các địa phương miền Trung, Tây Nguyên phải khẩn trương tổ chức nạo vét các hồ chứa để trữ nước ngọt, đắp đập ngăn mặn, khoan đào giếng ngay tại đồng ruộng, lắp đặt trạm bơm điện, trạm bơm dã chiến để chủ động nguồn nước tưới.

Đồng thời, UBND các tỉnh chủ động làm việc với các nhà máy thủy điện để có kế hoạch điều tiết nguồn nước, nên tham khảo kinh nghiệm xả nước của các nhà máy thủy điện ở miền Bắc. Kinh phí chống hạn được các địa phương trích từ ngân sách phòng chống thiên tai. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng, nhiều khó khăn phát sinh có thể báo cáo Bộ NN-PTNT để tổng hợp trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ. Hiện tại, đã có 10 địa phương đang đề nghị được hỗ trợ kinh phí chống hạn.

Song theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), để chống hạn có hiệu quả, đảm bảo giữ vững sản lượng lương thực thì phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những nơi bị hạn nặng, như chuyển đổi lúa sang cây trồng cạn như sắn (mì), mía, lạc, ngô, đậu tương và rau màu các loại. “Nhiều nơi hiện đã bắt đầu chuyển đổi, mang lại nguồn thu tới 65 – 90 triệu đồng/ha, hơn hẳn so với trồng lúa” – ông Nguyễn Văn Hòa nói.

Theo Sggp.org.vn