Tái canh cây cà phê: Cần nhưng không thể vội

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam. Trong những năm gần đây, sản lượng cà phê luôn đạt mức trung bình trên 1 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD/năm, đứng thứ hai giá trị xuất khẩu cây trồng, chỉ sau lúa gạo. Tuy nhiện, hiện nay rất nhiều diện tích cà phê của nước ta đã già cỗi, cho năng suất, chất lượng thấp cần phải tiến hành tái canh.

Cần hỗ trợ vốn và quy trình kỹ thuật để tái canh hiệu quả cây cà phê
Cần hỗ trợ vốn và quy trình kỹ thuật để tái canh hiệu quả cây cà phê

TS.Lê Ngọc Báu – Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện cả nước có hơn 500 ngàn ha cà phê thì có đến 274 ngàn ha có độ tuổi từ 10-15 năm; gần 149 ngàn ha có độ tuổi từ 15-20 năm; 86 ngàn ha trồng năm 1988 đến nay đã trên 20 năm tuổi. Như vậy, trong thời gian 5 – 10 năm tới sẽ có trên 50% diện tích cà phê của Việt Nam đã hết thời kỳ cho sản lượng và chất lượng tốt, cần phải cưa đốn phục hồi hoặc phải trồng lại. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê già nhiều nhất với gần 200.000 ha: 51% diện tích ở tỉnh này có độ tuổi trên 15 năm.

Diện tích cà phê già cỗi – những vườn cây có độ tuổi trên 20 năm, sinh trưởng kém, năng suất thấp và không có khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo trong 5 năm tới diện tích cà phê già cỗi lên trên 150 ngàn ha. Nếu không có kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt chương trình tái canh, đến năm 2020 phần lớn diện tích cà phê Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn giã cỗi.

Trong khi đó, TS. Hoàng Thanh Tiệm – người có nhiều năm gắn bó với cây cà phê cho rằng, nhiều diện tích trồng cà phê tự phát đã mọc lên do giá cả tăng cao, từ năm 1994 cho đến nay người dân cứ đổ xô đi trồng cà phê. Trong số đó có nhiều diện tích được trồng trên những địa bàn không thích hợp như tầng đất nông, độ dốc lớn, thiếu nguồn nước tưới… Do trồng ở những vùng không thích hợp nên năng suất đạt thấp, chi phí sản xuất tăng cao, và còn đe dọa đến tính bền vững của những diện tích cà phê còn lại do môi trường, nguồn nước bị hủy hoại.

Chi phí để tái canh cây cà phê là khá cao (khoảng 100 triệu đồng/ha), thời gian để cho thu hoạch trở lại cũng dài (từ 2-3 năm) nên không dễ để thuyết phục người trồng cà phê bỏ cây cũ để trồng cây mới. Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, diện tích cà phê lâu năm ở nước ta chiếm tỷ lệ lớn, nên không thể nóng vội một lúc tái canh cây cà phê được, bởi làm như vậy sẽ khiến sản lượng cà phê trong nước bị sụt giảm, đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, chiến lược “trẻ hóa” cà phê cần phải làm từng bước, từng khu vực, hoặc có thể áp dụng phương pháp tái canh bằng ghép chồi. Theo ước tính của Vicofa, kinh phí để thực hiện “trẻ hóa” 1 ha cà phê cần cần với 100 triệu đồng để tái canh 1 ha cà phê, đây là một số tiền lớn mà không phải hộ nông dân nào cũng có thể có nên Nhà nước phải có chính sách cho người dân vay vốn ưu đãi để khuyến khích người trồng thực hiện. Chia sẻ về những khó khăn của việc tái canh cây cà phê, đại diện một công ty cà phê ở tỉnh Đắk Lắk cho biết, tái canh một cách đồng bộ có khi còn khó hơn cả mô hình trồng mới từ đầu. Ông này cho biết, đơn vị của ông đã từng thực hiện nhưng không thành công.

Theo ông Phan Huy Thông – đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), kinh nghiệm của nhiều nước áp dụng hiệu quả chương trình tái canh cây cà phê trên thế giới như Brasil, Ấn Độ, Colombia… họ rất chủ động và đồng bộ về kỹ thuật, chính sách, đặc biệt là về kinh phí, nhưng họ cũng chỉ thực hiện từng bước với tỷ lệ trung bình không quá 20% diện tích/ha.

Theo Daidoanket.vn