Dân phải chặn sông lấy nước

Ngày 19.2, hàng trăm người dân tại xã Quảng Phú, Krông Nô (Đăk Nông), đã cùng nhau ra sông Krông Nô chặn dòng lấy nước.

Việc Thủy điện Buôn Tua Srah chặn dòng đã làm cuộc sống, sản xuất của người dân vô cùng bi đát.

Mất mùa liên tục

Ông Lê Văn Châu (thôn Phú Hưng) có hơn 1ha lúa nước và hơn 1ha cà phê. Hơn 1 tháng qua, đêm nào ông cũng thức trắng đêm ngoài đồng để lấy nước cho lúa. Thế nhưng những nỗ lực đó cũng chỉ cứu được phân nửa diện tích lúa mà ông Châu có.

Hạn hán nẻ đồng, người dân phải làm việc cực chẳng đã là chặn sông để lấy nước.
Hạn hán nẻ đồng, người dân phải làm việc cực chẳng đã là chặn sông để lấy nước.

“Không chỉ thiếu nước sản xuất, hiện hầu hết người dân trong xã đều thiếu nước sinh hoạt. Đến thời điểm này, nhiều giếng nước đã trơ đáy. Người dân chúng tôi khốn khổ vô cùng” – ông Châu phản ánh. Ông Châu cũng khẳng định, tình trạng này chỉ xảy ra kể từ khi Thủy điện Buôn Tua Srah (do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, quản lý- PV) chặn dòng tích nước. Mấy năm qua, năng suất cây trồng của không chỉ ông Châu mà hầu hết người dân trong xã đều bị giảm mạnh.

Theo ông Đặng Thanh Quang, xã Quảng Phú đã không báo cáo trước với huyện khi chặn sông lấy nước. Về việc thủy điện có đảm bảo xả nước đúng cam kết hay không, hiện nay huyện không thể giám sát được.

Cũng như ông Châu, anh Lã Ngọc Hà (cùng thôn) cũng khẳng định, kể từ khi có Thủy điện Buôn Tua Srah, cư dân nông nghiệp dọc sông Krông Nô luôn phải hứng chịu cảnh thiếu nước vào mỗi mùa khô. Hạn hán đã kéo theo năng suất cây trồng sụt giảm.

Nhưng chưa năm nào, cơn hạn lại khốc liệt như năm nay. Hơn 1 tháng qua, anh Hà cũng như hàng trăm người dân khác đã phải thức trắng đêm túc trực ngoài đồng. Nhưng mỗi đêm như thế họ chỉ lấy đủ nước để tráng mặt ruộng, nắng vừa lên ruộng đã khô khốc trở lại.

Nếu hôm sau không tiếp tục lấy nước vào ruộng thì xem như người dân đã “biếu không” gần 100ha lúa này cho chuột. Riêng đối với cây cà phê, theo bà con nơi đây, do thiếu nước ngay vào lúc ra hoa nên năng suất sẽ bị giảm đi rất đáng kể. “Khả năng năm nay, năng suất cà phê của chúng tôi sẽ bị mất đến hơn 50%”- ông Châu nói.

Hệ lụy khôn lường

Theo ông Lê Văn Tỵ – Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy nông Quảng Phú, tình hình khô hạn đã kéo dài khoảng một tháng rưỡi nay. Trạm bơm D12 (cấp nước cho toàn xã) đã được nối thêm vòi hút nhưng vẫn không thể lấy đủ nước cho hơn 80 ha lúa và hơn 30 ha cà phê. Đặc biệt mấy ngày gần đây, trạm bơm này gần như không thể hoạt động do nước sông Krông Nô đã thực sự cạn kiệt.

Tây Nguyên khô hạn nghiêm trọng

Thông thường ở Tây Nguyên, hạn hán chỉ diễn ra từ tháng 4 – 5 hằng năm. Tuy nhiên năm 2012 hạn đã đến từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 đến nay. Hạn trái mùa, hạn giữa mùa mưa đã làm hàng vạn ha cây trồng ở Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum thiếu nước nước, chết cháy… Thống kê từ UBND huyện Kông Chro (Gia Lai) cho thấy, đến thời điểm này, 12/14 xã, thị trấn của huyện đã có trên 2.800 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn (nặng nhất là thị trấn Kông Chro 726,5ha, xã Chơ Glong 625,1ha…). Tại tỉnh Kon Tum, đến đầu tháng 1.2013, mực nước trên các sông suối đã xuống rất thấp.

Theo lịch, trong tháng 2 này phía Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cam kết sẽ xả nước với lưu lượng 62 m3/s trong 11,6 giờ mỗi ngày. Thế nhưng theo giám sát của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đăk Nông, thì mỗi ngày phía thủy điện chỉ xả nước khoảng 8-9 giờ với lưu lượng nước khá thấp.

Còn người dân thì phản ánh, những ngày gần đây, mỗi ngày nước chỉ chảy về được khoảng 6 giờ và vào ngày Chủ nhật thì không xả nước.

Trước tình hình đó, Hợp tác xã đã bàn với lãnh đạo xã vận động bà con đóng góp tiền, công để ngăn sông lấy nước. Theo đó mỗi người dân góp 50.000 đồng để mua lưới sắt và bao cát để đắp sông. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đăk Nông cũng hỗ trợ thêm 150 lồng sắt để người dân làm đập ngăn sông. Con đập khi hoàn thành sẽ cao khoảng 1m, dài chừng 100m chắn ngang sông.

Tuy nhiên, vấn đề đáng nói hơn, dọc sông Krông Nô không chỉ có người dân Quảng Phú cần nước. Theo ông Đặng Thanh Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, có khoảng 2.500ha lúa, ngô và 500ha cà phê sống nhờ nguồn nước sông Krông Nô. Trong khi đó, theo dòng chảy con sông này, Quảng Phú là xã đứng ở đầu nguồn. Như vậy nếu người dân Quảng Phú đóng kiệt nguồn nước thì hàng ngàn ha cây trồng và hàng ngàn người dân phía hạ lưu sẽ khốn cùng.

Trả lời NTNN về vấn đề này, ông Quang cho rằng việc người dân Quảng Phú chặn sông sẽ không ảnh hưởng nhiều do vùng hạ lưu có một con suối khác có lưu lượng khá lớn. Nhưng trước đó, ông Quang cho biết, so với mọi năm lượng nước năm nay bị giảm khoảng 20%, hầu hết các ao hồ, suối nguồn đều bị cạn kiệt nhanh do nắng nóng và do độ che phủ của rừng giảm mạnh.

Theo Danviet.vn