“Say” với thổ cẩm

Từ một người “xa lạ” với thổ cẩm nhưng dám bỏ ra cả tỷ đồng xây dựng làng dệt thổ cẩm, lặn lội tìm học viên, nuôi các em học nghề, trực tiếp đưa sản phẩm đi giới thiệu tìm đầu ra… Những điều đó đã khiến nhiều người bảo ông là “gàn”, “chơi ngông”. Nhưng chỉ từ một mối duyên với thổ cẩm, ông nuôi dưỡng nó thành niềm đam mê và luôn tìm cách giữ gìn nghề truyền thống.

Từ một mối duyên…

Ở xã Krông Nô – một nơi heo hút, cách trung tâm huyện Lak hơn 40 km có một làng dệt thổ cẩm khá nổi tiếng bởi sản phẩm làm ra đã có mặt ở hầu hết những khu du lịch trọng điểm của huyện Lak (tỉnh Dak Lak) và tỉnh Lâm Đồng. Điều đáng nói, ông chủ của làng dệt là người Kinh, quê ở tỉnh Thái Bình. Ông chính là Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1945), thường gọi là ông Tư Nga. Năm 1998, vợ chồng ông đến buôn Phi Jih Ja B (xã Krông Nô) lập nghiệp với nghề buôn bán thuốc tây. Trong một lần dạo chơi ở khu du lịch buôn Jun, buôn Lê (thị trấn Liên Sơn), ông tình cờ biết đến những sản phẩm dệt truyền thống của người dân bản địa và lập tức bị cuốn hút bởi những đường nét hoa văn tinh tế, màu sắc sặc sỡ của chúng. Hơn nữa từ thực trạng ngày càng ít người biết dệt thổ cẩm, đầu ra của sản phẩm rất khó khăn, nhiều làng nghề truyền thống đang dần bị mai một đã thôi thúc ông làm một điều gì đó để giữ lấy nghề. Ông trình bày ý tưởng với UBND xã và được chấp thuận cho thuê 4 sào đất trong vòng 10 năm để “thử sức” với nghề mới. Năm 2004, ông mạnh dạn cải tạo lại khu đất, xây dựng 2 dãy nhà rông, 5 phòng ngủ, mua sắm trang thiết bị. Một năm sau, Làng dệt thổ cẩm xã Krông Nô ra đời. “Khi ấy, đời sống của bà con trong xã rất khó khăn, nhiều học sinh phải nghỉ học phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy hoặc đi làm thuê, lớp trẻ hầu như không còn biết đến khung dệt. Đó chính là những trở ngại lớn trong việc “chiêu mộ” học viên, nhưng tôi không nản chí mà lặn lội đến các thôn, buôn trong xã và sang cả huyện Đức Trọng, Đam Rông (Lâm Đồng) tìm người học”, ông Tư Nga nhớ lại. Khi đã có học viên, ông đầu tư kinh phí đưa các em sang làng nghề truyền thống ở Lâm Đồng học. Thế hệ được đào tạo ban đầu nay đã rất thạo nghề và truyền dạy cho lớp học viên mới. Với cách làm này, chỉ sau một thời gian, làng dệt truyền thống của ông đã có từ 50 – 60 người.

Ông Tư Nga giới thiệu những sản phẩm của Làng dệt thổ cẩm xã Krông Nô cho du khách
Ông Tư Nga giới thiệu những sản phẩm của Làng dệt thổ cẩm xã Krông Nô cho du khách

Tìm cách giữ nghề dệt truyền thống

Càng làm, ông càng mê mẩn với thổ cẩm nên quyết định mua lại khu đất trên, tính cả kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tổng cộng khoảng hơn 1,6 tỷ đồng. Biết vậy, nhiều người bảo ông “gàn”, “chơi ngông” bởi không ai lại đầu tư vào một lĩnh vực rất ít cơ hội thu lợi nhuận. “Cũng có nhiều người tỏ ý chưa tin nhưng tôi luôn nghĩ, thời gian và những việc làm cụ thể, thiết thực của mình sẽ là câu trả lời tốt nhất cho mọi băn khoăn, thắc mắc”, ông Tư Nga thổ lộ. Để duy trì “sự sống” cho làng nghề, không quản ngại đường sá xa xôi, ông trực tiếp đưa sản phẩm đến những khu du lịch ở thị trấn Liên Sơn và Lâm Đồng giới thiệu, chào bán. Để sản phẩm được du khách ưa chuộng, ngoài quần, áo, tấm chăn thổ cẩm là những mặt hàng cao cấp, cơ sở của ông chú trọng sản xuất những vật dụng thiết thực, gần gũi với đời sống như ba lô, túi xách, bao đựng điện thoại, dây nịt, băng đô, móc khóa… với giá khá “mềm” so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Nỗ lực đó đã được đền đáp, dần dà những sản phẩm của Làng dệt thổ cẩm xã Krông Nô được nhiều người biết đến, nhiều khách du lịch tìm mua. Không dừng lại ở đó, ông Tư Nga còn tìm đến những trường học ở huyện Đam Rông, Đức Trọng (Lâm Đồng) tìm kiếm đơn đặt hàng dệt may đồng phục cho học sinh người dân tộc K’Ho, Cil… Ông cho hay: “Những đơn đặt hàng đó đã giúp duy trì hoạt động của làng dệt và trả chi phí ăn, ở, tiền lương trung bình 1 triệu đồng/em/tháng. Cũng có thời điểm sản phẩm bán chậm, việc kinh doanh chỉ hòa vốn thậm chí thua lỗ nhưng tôi vẫn quyết không từ bỏ con đường mình đã chọn là đào tạo nghề, tạo việc làm và góp phần duy trì nghề dệt truyền thống”. Từ cơ sở của ông, nhiều học viên đã trưởng thành. Em H’Nhoan Cil (28 tuổi), một trong những học viên đầu tiên của làng dệt cho biết, sau khi học xong THCS ở huyện Đam Rông, em nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Năm 2005, ông Tư Nga tìm đến tận buôn thuyết phục, nói rõ ý tưởng của mình nên em và một số bạn khác đồng ý theo học nghề dệt truyền thống. Giờ đây, H’Nhoan trở thành một trong những người thạo nghề nhất, có thể làm được những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như trang phục, ba lô, túi xách… và đào tạo được nhiều học viên. Nhiều em người dân tộc tại chỗ cũng đã theo nghề dệt, có thêm nguồn thu nhập ổn định giúp gia đình trang trải cuộc sống.

Những sản phẩm tiện dụng như ba lô, giỏ xách, túi đựng điện thoại… của Làng dệt thổ cẩm xã Krông Nô được nhiều du khách ưa chuộng.
Những sản phẩm tiện dụng như ba lô, giỏ xách, túi đựng điện thoại… của Làng dệt thổ cẩm xã Krông Nô được nhiều du khách ưa chuộng.

Ông luôn tâm niệm, sống phải có “tâm”. Tâm của ông chính là mong muốn có nhiều gia đình quay lại với nghề, không những bảo đảm được cuộc sống mà còn để gìn giữ nghề truyền thống không bị mai một. Không chỉ dành tâm huyết cho nghề dệt truyền thống, ông Tư Nga còn rất quan tâm đến đời sống của người dân địa phương. Ông vận động một số “mạnh thường quân” và những tình nguyện viên chung sức mở các lớp học hè, tổ chức vui chơi, tặng quà nhân dịp lễ, tết cho các cháu thiếu nhi trong xã ngay tại chính cơ sở của ông. Mặc dù Làng dệt thổ cẩm xã Krông Nô đã thành lập và đi vào hoạt động 8 năm nay nhưng ông vẫn luôn suy tư, trăn trở. “Tôi đã tính toán nhiều phương án để thực hiện mục tiêu của mình. Trong trường hợp số người theo nghề dệt thổ cẩm ngày càng ít đi, tôi sẽ chuyển sang đào tạo nghề may công nghiệp, cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp… miễn là giúp các em có nghề nghiệp, ổn định cuộc sống”, ông chia sẻ.

Theo Baodaklak.vn