Bài học từ Starbucks

Khai trương từ ngày 1-2, cà phê Starbucks (quận 1 – TPHCM) trở thành một sự kiện được đặc biệt quan tâm.

starbuzz

Quan tâm bởi dù đã mở cửa hoạt động nửa tháng, quán cà phê này vẫn có sức hút mãnh liệt: khách hàng rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt mình được thưởng thức “cà phê Mỹ”. Hiện tượng chưa từng xảy ra đối với ngành hàng này tại TPHCM, nơi mà hầu hết các thương hiệu lớn chọn làm điểm đến và người tiêu dùng không quá xa lạ với sự xuất hiện của những thương hiệu toàn cầu và các thương hiệu cà phê nổi tiếng như Gloria Jean’s (Úc), Coffee Bean & Tea (Mỹ), Illy (Ý)… đều đã có mặt. Mặt khác, giá cà phê ở đây cũng không hề rẻ, từ 60.000 đồng đến gần 100.000 đồng/ly, tùy loại. Những ngày đầu, khách phải qua 3 lượt xếp hàng: xếp hàng trước sân, qua cửa kính vào quán và xếp hàng mua cà phê.

“Hiện tượng Starbucks” không nằm ngoài dự đoán bởi thương hiệu này là một trong những thương hiệu ẩm thực hàng đầu thế giới nên dễ thu hút khách hàng. Hơn nữa, thương hiệu này có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo “cơn sốt” khi đến các thị trường. Howard Schultz, Chủ tịch/CEO của Starbucks, được giới kinh doanh đánh giá là một nhà quản trị có nhiều “chiêu thức” để tạo sự chú ý của đông đảo khách hàng mục tiêu.

Việc tạo nên một dòng người xếp hàng liên tục tại một điểm khi mở cửa tại một quốc gia mới đã được Starbucks thực hiện tại nhiều nơi chứ không riêng ở Việt Nam. Nhãn hiệu này cũng khôn ngoan khi chọn thời điểm mở cửa vào dịp giao mùa giữa năm cũ và năm mới. Trong thời điểm đầu năm, rất nhiều quán cà phê đóng cửa và là lúc người dân có thời gian đi chơi, gặp mặt…

“Hiện tượng Starbucks” xuất hiện dày đặc trên các trang mạng, Facebook, trên mặt báo đã giúp thương hiệu này không cần quảng cáo vẫn nổi như cồn. Theo chuyên gia marketing Hoàng Tùng, đây cũng không nằm ngoài chính sách dùng sự kiện để tạo nên sức hút của truyền thông. Ở các quốc gia khi Starbucks đặt chân đến, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiện tượng mọi người xếp hàng dài trong những ngày khai trương là điều bình thường.

Truyền thông, báo chí cũng đưa tin về những sự kiện này, đó là một hình thức PR miễn phí cho Starbucks. Xét về góc độ chi phí, tạo nên một hàng người dài đứng trước Starbucks rõ ràng thấp hơn nhiều so với chi phí của hàng loạt bài PR…

Khi “cơn sốt” qua đi, về dài hạn, không ai sẵn sàng đứng xếp hàng dưới cái nắng chói chang để mua cà phê, kể cả cà phê Starbucks. Khẩu vị cà phê của người Việt không thay đổi một sớm một chiều và thực tiễn đã chứng minh, những quốc gia có nền tảng cà phê lâu đời đều không bị choáng ngợp bởi Starbucks. Vậy nên doanh nghiệp cà phê Việt ngoài việc tập trung kinh doanh còn phải biết cùng nhau cổ vũ cà phê kiểu Việt.

Cách Starbucks tiếp cận thị trường, làm marketing bài bản, chuyên nghiệp rất đáng để các doanh nghiệp trong nước học hỏi.

Theo nld.com.vn