Cà phê: Xuân vừa mới đến, giá đã vội đi

Khi mọi người dẹp bớt chuyện mua bán để vui đón Tết Quý Tỵ, thì giá sàn cà phê robusta tại London bắt đầu rớt từng ngày. Giá nội địa cũng rời nhanh đỉnh cao tuần trước để đứng quanh mức 40.000 đồng. Xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 1-2013 đã đặt dấu chấm hết cho đợt “vắt giá” trên sàn kéo dài liên tục từ 6-7 tuần trước đây.

Xuân đến, giá đi

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE trong tuần (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE trong tuần (tác giả tổng hợp)

Nếu như tuần trước, giá cà phê robusta trên sàn hàng hóa Liffe NYSE và thị trường nội địa tăng mạnh và đều, ngay cả đến trước lúc giao thừa đón Tết Quý Tỵ, thì tuần này, tuần mừng xuân mới, giá giảm sâu và nhanh. Hôm nay, thứ bảy 16-2, giá robusta nhân xô trên các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn được trả quanh mức 39.800-40.000 đồng/kg, giảm hơn 1.500 đồng/kg so với giá ngày thứ bảy tuần trước 9-2.

Giá kỳ hạn robusta tại London cũng mất điểm từng ngày. Mới cuối tuần trước, giá kỳ hạn cơ sở giao dịch tháng 3-2013 còn ở mức 2.123 đô la/tấn thì đến hết ngày thứ năm đã mất trên 100 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1); đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần 15-2 tức rạng sáng 16-2,giá robusta chỉ còn 2.022 đô la/tấn. Giá kỳ hạn tháng 5-2013, đang trở thành tháng giao dịch chính, qua một tuần cũng mất 62 đô la/tấn.

Trong khi đó, giá kỳ hạn arabica Ice New York cũng mất điểm, hết 1 tuần giảm 3,45 cts/lb cơ sở tháng 5-2013 tương đương với 76 đô la/tấn.

Giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn kỳ hạn và giá FOB từ cảng đi (differentials) cho loại 2, 5% đen vỡ nay ở mức trừ 50 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn Liffe NYSE cơ sở tháng 5-2013.

Hết rồi…vắt giá

Xuất khẩu ồ ạt trong 4 tháng đầu niên vụ, từ tháng 10-2012 đến tháng 1-2013, ước đạt trên 600.000 tấn hay bình quân hàng tháng đạt trên 150.000 tấn. Phản ứng của thị trường thông qua sàn kỳ hạn robusta London cho thấy rằng lượng xuất khẩu ấy là quá mức và hệ lụy là giá kỳ hạn đang lâm nguy. Không chỉ giá rớt mạnh, cấu trúc giá đảo (inversion) hay còn gọi là vắt giá vì thế cũng chấm dứt ngay trong tuần này.

“Vắt giá” là hiện tượng giá kỳ hạn của tháng giao hàng ngay (hiện nay là tháng 3-2013) cao hơn tháng giao hàng kế tiếp (tháng 5-2013). Sở dĩ có hiện tượng này là do thị trường nghi ngại thiếu hàng cục bộ. Mặt khác, cũng có thể do ý đồ của một vài tay đầu cơ muốn gom hàng nhanh và nhiều để làm chủ giá sàn và giá xuất khẩu sau này bằng cách nâng mạnh giá kỳ hạn tháng giao ngay để có cớ kéo hàng đi ngay.

“Liên tục trong sáu, bảy tuần trước đây, giá sàn kỳ hạn robusta London bị vắt, giá tháng giao hàng ngay có khi cao hơn giá tháng sau đến cả 40-50 đô la/tấn. Tuần qua, khi có số liệu xuất khẩu lớn, hiện tượng vắt giá này nhanh chóng chấm dứt. Nay giá tháng 3-2013 đã thấp hơn tháng 5-2013 đến 30-35 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1 với cấu trúc vắt giá biến mất). Phải nói thị trường có câu trả lời hết sức nhanh và nhạy khi có tin xuất khẩu tháng 1-2013 đạt 219.000 tấn”, một nhà phân tích thị trường tại Tp. Hồ Chí Minh giải thích như thế.

Trong điều kiện bình thường, giá tháng giao hàng càng xa càng cao hơn tháng giao hàng gần. Với cấu trúc này, thị trường hiểu số tiền cách biệt ấy nhằm giúp người có hàng trang trải chi phí tồn kho, tài chính, hao hụt…cho hàng giao xa.

Đến sáng nay, cấu trúc giá kỳ hạn robusta London đã quay lại bình thường. Giá tháng 3-2013 đã thấp hơn tháng 5-2013 đến 35 đô la/tấn (2022 so với 2057 đô la/tấn).

Vừa qua, đang trong tuần vui Tết, lượng cà phê bán ra cực ít. Theo lẽ thường, giá kỳ hạn đáng ra được giữ vững hay tăng. Nhưng, thực tế xảy ra chiều ngược lại. Thị trường phải chịu cú sốc khá nặng khi giá xuống thê thảm do xuất khẩu tăng mạnh. Nhiều người còn hàng đã bỏ lỡ cơ hội bán ra trước Tết khi giá còn cao. “Thật đáng tiếc vì gia đình tôi chần chừ không chịu bán khi giá trên 41.000 đồng/kg. Nay lại phải chờ cơ hội mới thôi”, một nông dân ở Dăknông tiếc rẻ.

Theo thesaigontimes.vn