Starbucks tán tỉnh tốt hơn Trung Nguyên

Mặc cho Trung Nguyên liên tiếp đá xéo, Starbucks vẫn giữ cách nói chuyện dễ nghe.

“Bạc xỉu” vẫn bán chạy!
“Bạc xỉu” vẫn bán chạy!

ong-vu-crop

Điểm sơ qua, người ta nhận thấy người đứng đầu Trung Nguyên đã dành những điều không mấy tích cực nói về đối thủ phương xa của mình. “Người khổng lồ đánh mất bản sắc” hay “Họ đang ca những bài ca tuyệt vời về phát triển bền vững, nhưng rốt cục, thứ mà họ quan tâm chỉ là lợi nhuận từ đầu tư. Họ không trồng cà phê phải không? chúng tôi thì có”…”

Nhiều người Việt thích Trung Nguyên vì họ là đại diện cho hàng Việt, song vẫn thắc mắc về điều này. “Starbucks mất bản sắc nghĩa là thế nào, phải chăng họ đã tạo ra được tới 87.000 loại thức uống khác nhau? Và giới thạo tin ai cũng biết rằng vào tháng 2/2012 vừa qua, Starbucks đã bắt tay với Tập đoàn Ai Ni của Trung Quốc nhằm mục đích tìm nguồn cung ứng nguyên liệu cà phê trong khu vực Vân Nam để sử dụng trong pha trộn toàn cầu của họ…” Minh Tú, một fan cà phê phản biện.

Đa số ý kiến đều cho rằng ông Vũ có phần hơi phiến diện và vội vàng trước thông tin đế chế cà phê lớn nhất thế giới tiến vào thị trường Việt Nam. Bởi không phải ngẫu nhiên mà thương hiệu của chuỗi 17.800 cửa hàng lại được đón nhận yêu thích ngay cả những thị trường khó tính trên thế giới như Pháp hay Thụy Sỹ.

trung-nguyen

Lấy Trung Nguyên so sánh cùng Starbucks là một sự khập khiễng không đáng có. Điều đáng nói ở đây chính là thái độ và cách tiếp cận đôi bên của hai ông vua này.

Mang giá trị truyền thống và ảnh hưởng sâu sắc văn hóa cà phê Pháp, thị trường cà phê Việt Nam nói chung và Trung Nguyên nói riêng có một lượng fan trung thành khá đông đảo ưa chuộng tính “mạnh mạnh” đậm đà trong cách thưởng thức.

Tuy vậy, đừng quên rằng một bộ phận không nhỏ khách hàng vẫn chuộng “bạc xỉu” (nóng hoặc đá). Loại thức uống này được pha với nhiều sữa, ít cà phê và khá loãng, về điểm này “bạc xỉu” Việt Nam khá tương đồng với cà phê Starbucks, có khác chăng là “người khổng lồ” lại dùng sữa hấp thay cho sữa đặc có đường tạo ra nhiều công thức, tên gọi khác nhau và giá vì thế sẽ cao hơn.

Nhưng đó chắc chắn là thị phần không thể bỏ qua của Starbucks- những người chịu bỏ tiền chiều chuộng thói quen bản thân nhưng với một sản phẩm mới mẻ, giàu tính trải nghiệm.

Như vậy, có thể thấy rằng Trung Nguyên vẫn đang chăm chăm cố lái khách hàng theo công thức và con đường thưởng thức mình đang có sẵn. Bỏ qua một lượng không nhỏ khách hàng có “gu” riêng. Đặc biệt hơn là một lớp thượng khách với thị hiếu và nhu cầu khác đang dần định hình: giới trẻ thành thị, sành điệu và “bay” như chim.

Cuộc chiến chưa bắt đầu, dù rất thành công và được ủng hộ nồng nhiệt trong nước nhưng “vua cà phê Việt” đã tự cho mình một điểm trừ khi luôn mang nặng tính quy chụp cùng với tinh thần chủ quan, một chiều “bán cái mình có, không bán cái khách hàng cần”.

Thực dụng kiểu Mỹ, khoan thai kiểu Ý

Đó là thái độ mà người ta có thể nhận thấy khi tiếp cận thị trường Việt Nam của vị khách phương xa. Dù không đánh trên sân nhà, lại là thị trường của quốc gia xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới nhưng Starbucks lại không hề tỏ ra nao núng: “Mỗi người có một gu thưởng thức riêng, mỗi nước có một khái niệm về cà phê riêng, ở Mỹ hay Úc khách hàng có gu thưởng thức rất khắt khe. Điều đó đã được Starbucks nghiên cứu kỹ càng để có thể phục vụ khách hàng loại cà phê hoàn hảo nhất.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ, điều đó được chứng mình bằng việc Starbucks đã nghiên cứu cách chế biến cà phê Việt Nam và tìm một công thức chuẩn nhất, cho ra sản phẩm tốt nhất từ những hạt cà phê được tuyển chọn”- Ông Nguyễn Thế Khoa -Quản lý thương mại của Starbucks tại Việt Nam phản hồi trước lời giễu của “Vua cà phê Việt”.

Cách tiếp cận và phản biện mà theo cư dân mạng là “rất văn minh” của ông lớn với đối thủ của mình đã mang đến cho Starbucks một lượng không nhỏ những người ủng hộ và đón đợi.
Cách tiếp cận và phản biện mà theo cư dân mạng là “rất văn minh” của ông lớn với đối thủ của mình đã mang đến cho Starbucks một lượng không nhỏ những người ủng hộ và đón đợi.

Lý lẽ Starbucks đưa ra để chinh phục thị trường khó tính này khá thuyết phục và dễ chấp nhận: nhắm vào phân khúc giới văn phòng sành điệu, ít thời gian cùng với nỗi lo về sức khỏe do ảnh hưởng từ cafein mang lại của một bộ phận người tiêu dùng văn minh tại Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Bên cạnh đó thực đơn phong phú và lời cam kết “phục vụ khách hàng từ 3-5 phút kể từ lúc họ bước vào cửa” ít nhiều đã tác động đến tâm lý của các “thượng đế”.

Tuy nhiên, thói quen thưởng thức địa phương cùng với những Trung Nguyên, Highlands Coffee…và văn hóa cà phê “bệt” vốn quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức người Việt sẽ là trở ngại không nhỏ với tập đoàn cà phê có trụ sở tại Seattle, Washington này.

Như vậy, liệu Trung Nguyên có tận dụng được lợi thế sân nhà hay thất thế trước chiêu bài chiều chuộng khách hàng của Starbucks?

Luận điểm “cải thiện cuộc sống cho người dân trồng cà phê ở vùng cao nguyên – mấu chốt mà Trung Nguyên cho là những đối thủ lớn hơn còn thiếu” có chậm hơn so với những vùng trồng cà phê mọc lên ngày càng nhiều của Starbucks chăng?

Hay văn hóa “đen, đặc, đậm, mạnh” sau thời gian dài có thay đổi và nhường chỗ cho trào lưu ngoại nhập, tinh tế, cấp tiến và hiện đại không?

Một chút ít thôi, Vua cà phê Việt đang dạm bước bởi sự vội vàng của mình trước bước tiến ung dung nhưng thận trọng của đối thủ.

Tình yêu nào cũng cần thời gian thử thách. Sự mới mẻ thú vị luôn thu hút và chiếm nhiều cảm tình trước những những điều nhàm mòn chủ quan và ngại thay đổi. Nếu khách hàng Việt là cô gái đỏng đảnh, khó chiều thì nàng đang trao lợi thế cho người vững vàng, tâm lý, văn minh và thận trọng hơn.

Một ánh mắt nàng đang dần nhìn về Starbucks.

Theo NCĐT