Đằng sau câu chuyện xuất khẩu cà phê Việt đứng số 1 thế giới

Một cốc cà phê thế giới 2-3 USD, Việt Nam bán 1kg cà phê nhân 2 USD, mà 1 kg cà phê nhân chế biến 50 cốc cà phê.

Tổ chức Cà phê quốc tế (IOC) cho biết Việt Nam đã vượt qua Brazil để trở thành nhà xuất khẩu cà phê số 1 trên thế giới.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại đã chia sẻ ý kiến của mình về chất lượng cũng như thứ hạng cà phê Việt trên thương trường thế giới.

Việt Nam là nước nông nghiệp. Cái chính là mình phải đầu tư mạnh cho khâu chế biến để nâng giá trị, đó mới là cái đích cần hướng tới. Trở lại việc cà phê Việt Nam vươn lên vị trí số 1, do có sự chênh nhau về kinh độ và vĩ độ, nên mùa vụ cà phê của các nước trên thế giới không giống nhau. Vụ cà phê của Việt Nam bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 10 năm sau, trong khi vụ cà phê của Brazil bắt đầu từ tháng 7, Indonesia bắt đầu từ tháng 5. Do có sự “lệch pha” về niên vụ đã dẫn tới sự “lệch pha” về xuất khẩu. Như vậy, đạt được vị trí số 1 là do tại thời điểm ấy Việt Nam xuất khẩu cao hơn Brazil, chứ không phải Việt Nam là số một về cà phê trên thế giới. Hơn nữa, năm nay, chúng ta xuất khẩu nhiều. Chúng ta đang dự kiến xuất đến 1,4 triệu tấn, so với năm ngoái tăng lên khoảng hơn 200.000 tấn.

Tuy vậy, sản lượng cà phê vụ tới của Việt Nam có thể giảm tới 15%. Có mấy lý do:

Thứ nhất, mưa đến sớm khi cà phê đang thu hoạch: Cây cà phê có đặc điểm hễ mưa là trổ hoa. Đợt hoa đầu này hầu như rụng hết, không thành quả, đồng thời làm cây cà phê yếu đi, không tập trung ra quả một lúc. Thứ hai, tỉ lệ cà phê già của Việt Nam hiện nay chiếm hơn 30%. Thứ ba, sau vụ tưới, mưa ở một số nơi không nhiều như mọi năm, cho nên hạt sẽ nhỏ. Hạt nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sản lượng.

Vì thế, đứng ở góc độ Hiệp hội cà phê ca cao, chúng tôi đang lo giữ vững được vị trí số hai trên thế giới về cà phê nhân. Việc giữ vững vị trí số hai là cần thiết, vì cà phê mang lại 30% thu nhập cho Tây Nguyên.

Muốn giữ vững được vị trí đó, trước tiên phải lo tái canh. Trước năm 2000, Indonesia đứng ở vị trí thứ hai. Sau đó, do diện tích cà phê già của Indonesia lớn, không tái canh kịp nên Việt Nam vươn lên vị trí này. Hoặc ở Colombia, sản lượng của họ là 12 triệu bao/năm, trọng lượng mỗi bao là 60kg. Khi cà phê già của Colombia già lên tới 60%, họ tái canh và sản lượng giảm xuống chỉ còn 7 triệu bao.

Dự báo, đến năm 2020, diện tích cà phê già của Việt Nam sẽ lên tới 50%. Do vậy, điều đầu tiên là phải lo tái canh để giữ vững vị trí số hai.

Thứ hai, chúng ta phải bảo đảm chất lượng: Chất lượng cà phê ở Việt Nam hiện nay không đồng đều, do còn tồn tại song song hai bộ tiêu chuẩn, đó là Tiêu chuẩn 4193 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tiêu chuẩn ISO 2000 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cần thống nhất hai bộ tiêu chuẩn này để bảo đảm chất lượng cà phê của chúng ta ổn định hơn, tránh trường hợp bị nước nhập khẩu đánh giá chất lượng cà phê của Việt Nam đồng hạng theo những lô hàng cà phê có tiêu chuẩn thấp.

Cà phê Việt Nam cần xuất khẩu sản phẩm chế biến để đạt được giá trị cao. Ảnh: Trung Nguyên Cofee Liang Court, Singapore - Một trong những quán cà phê của Trung Nguyên tại thị trường quốc tế.
Cà phê Việt Nam cần xuất khẩu sản phẩm chế biến để đạt được giá trị cao. Ảnh: Trung Nguyên Cofee Liang Court, Singapore – Một trong những quán cà phê của Trung Nguyên tại thị trường quốc tế.

Thứ ba, cần đầu tư cho khâu chế biến để tạo giá trị gia tăng cho cà phê: Mình sản xuất nguyên liệu thì tốt, nhưng cái yếu của ngành mình là chế biến và giá trị gia tăng. Bây giờ mình bán cà phê nhân, một cân cà phê nhân chỉ bằng một cốc cà phê. Một cốc cà phê trung bình của thế giới phải là 2-3 USD, mình bán 1kg cà phê nhân cũng có 2 USD. Mà 1 kg cà phê nhân có thể chế biến thành 50 cốc cà phê.

Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk mang lại khoảng 600 đến 650 triệu USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, cây cà phê ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung chưa thật sự phát triển bền vững và ổn định.

Nhiều người cho rằng, so với các ngành hàng có tiềm năng và thế mạnh khác như mía đường, lúa gạo, cao su… thì cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang có những dấu hiệu bất ổn từ khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ… cho đến phát triển thị trường, khiến chất lượng, năng lực cạnh tranh cũng như việc nâng cao giá trị kinh tế của ngành hàng này luôn bấp bênh, không bền vững.

Hiện tại ở Đắk Lắk còn quá ít doanh nghiệp xây dựng được cho mình vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng để chủ động trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cà phê. Theo tìm hiểu, mới chỉ có Công ty Cà phê một thành viên cà phê Thắng Lợi làm được điều này. Và mới đây, nhờ nguồn tài chính từ Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp, Đắk Lắk mới có thêm Công ty Cà phê 2-9 và Công ty Dak Man triển khai mô hình liên kết trồng cà phê với một vài địa phương ở Buôn Ma Thuột từ hơn một năm qua. Còn lại gần 40 doanh nghiệp chuyên kinh doanh, chế biến cà phê đều bỏ trống vùng nguyên liệu.

Từ yếu tố thiếu bền vững đầu tiên này mới nảy sinh vấn đề tranh mua, tranh bán khi mùa vụ cà phê đến; rồi đến lúc xuất khẩu ra thị trường thế giới bị đối tác thải loại do không bảo đảm tiêu chí, yêu cầu đặt ra. Những rủi ro đó không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà còn là nguyên nhân ban đầu khiến chuỗi giá trị kinh tế của ngành hàng cà-phê giảm sút, không phát huy được trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Bởi nói cho cùng, chất lượng và sự bền vững cho bất kỳ ngành sản xuất nông nghiệp nào cũng được quyết định từ kinh nghiệm: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” của ông cha ta từ bao đời. Thực tế sản xuất của người trồng cà phê hiện nay vẫn đang phổ biến tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên khó áp dụng “bộ tiêu chuẩn” muôn đời đó.

Nhiều người thừa nhận rằng, các nông hộ làm cà phê trên địa bàn Đắk Lắk áp dụng khoa học – kỹ thuật vào các khâu chăm sóc, thu hái cà phê không theo một quy trình nào cả, khiến năng suất, sản lượng, và cuối cùng là chất lượng sản phẩm không đồng đều. Hạn chế này, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk đánh giá là do sự thiếu liên kết giữa 4 nhà, trong đó nông dân và doanh nghiệp chưa tạo dựng được “gạch nối” cần thiết, hay nói đúng hơn là chưa cùng nhau chia sẻ, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa đúng nghĩa. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học – công nghệ..

Cũng cần phải khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có tác động lớn tới Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam phá sản, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, những ngành nông nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, trong đó có cà phê, vẫn phát triển, đó là điểm sáng giúp ổn định một phần kinh tế trong nước.

Tại diễn đàn APEC ở Việt Nam, có một Việt kiều hỏi tôi: Việt Nam bây giờ cơ bản là nông nghiệp thì đi lên bằng cái gì, phát triển ra sao? Tôi trả lời: Câu hỏi đó là đúng và cũng rất hay. Nhưng tôi cũng phải nói rằng, Việt Nam đi lên từ “tiêu điều”, hạt tiêu và hạt điều của Việt Nam hiện nay là số một thế giới. Đó cũng chính là thế mạnh không thể phủ nhận của chúng ta.

Tôi nhớ có một người Mỹ từng đoạt giải Nobel, sau khi thăm Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam. Ông ấy nói rằng: Trung Quốc là công xưởng của thế giới, hay là Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới? Đó là gợi ý rất hay. Người ta phải ăn quanh năm, ăn suốt đời, còn dùng những đồ vật khác thì chỉ trong thời hạn nhất định.

Việt Nam là nước nông nghiệp và đầu tư cho nông nghiệp để nâng giá trị cho khâu chế biến – đó cũng là hiện đại hóa – công nghiệp hóa và đó chính là phát triển bền vững. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chú trọng đầu tư phát triển những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có lợi thế, như điện viễn thông, điện tử, đóng tàu, năng lượng… để từ đó Việt Nam mới hóa Rồng.

Năm 2012, sản xuất cà phê của Việt Nam vừa được mùa, vừa được giá và xuất khẩu đã vượt Brazil lên đứng đầu thế giới. Đáng chú ý, người trồng cà phê đã tương đối chủ động trong việc tham gia điều tiết thị trường.

Năm 2012 là năm thứ 5 liên tục diện tích thu hoạch cà phê của Việt Nam vượt qua mốc 500.000 ha, sản lượng vượt qua mốc 1 triệu tấn, khối lượng xuất khẩu vượt qua mốc 1 triệu tấn. Tính theo niên vụ cà phê (từ 1/10/2011 đến 30/9/2012), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ước tính khối lượng xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD.

* Cà phê nằm trong nhóm 12 mặt hàng đạt kim ngạch từ 2 tỷ USD trở lên. Cà phê cũng là mặt hàng có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước khá cao (lượng tăng 34,6%, kim ngạch tăng 29,5%, cao gấp gần 1,6 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Như vậy, xuất khẩu cà phê năm 2012 của Việt Nam cả về khối lượng, cả về kim ngạch đã đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay và lần đầu tiên đã vượt qua Brazil lên đứng đầu thế giới.

* Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm, có 18 thị trường đạt mức nhập khẩu trên 10.000 tấn cà phê của Việt Nam, trong đó, có 15 thị trường đạt từ 20.000 tấn trở lên. Nhập cà phê nhiều nhất từ Việt Nam là Đức (159.500 tấn), Mỹ (141.900 tấn), Italy (76.900 tấn), Tây Ban Nha (71.300 tấn), Nhật Bản (58.900 tấn), Bỉ (43.600 tấn), Indonesia (41.200 tấn), Mexico (34.300 tấn), Trung Quốc (30.100 tấn), Phillipines (28.100 tấn), Pháp (24.500 tấn), Nga (23.400 tấn), Thái Lan (22.600 tấn)…

Theo Diễn đàn doanh nghiệp