Cà phê Tây Nguyên khát nước

Khó khăn về nguồn nước tưới đe dọa sản lượng cà phê Tây Nguyên trong vụ tới. Những ngày này, người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đang vào cao điểm mùa tưới cho cà phê.

Tưới cà phê ở Tây Nguyên
Tưới cà phê ở Tây Nguyên

Tuy nhiên, mực nước ở các hồ chứa đã giảm hơn 40% so với đầu mùa khô; nước trên các sông, suối cũng cũng xuống thấp hơn 1 mét so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên là rất lớn, đe dọa hàng chục ngàn héc ta cây trồng, mà nghiêm trọng nhất là cà phê, cây kinh tế chủ lực trong khu vực. Đối với bà con nông dân, máy bơm, ống dẫn, pép phun luôn sẵn sàng, nhưng nếu không có nguồn nước, những công cụ này sẽ không thể phát huy tác dụng.

Theo anh Trần Văn Minh, ở thôn 13, xã Ea Tiêu, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắk Lắk, chưa năm nào anh thấy khó khăn về nguồn nước tưới như hiện nay. Dù mới chỉ tưới xong đợt 1, bước sang đợt 2, trời dịu mát chứ không đổ lửa như những mùa khô trước, nhưng hầu hết các giếng nước trong khu vực đã xuống thấp tới 2m. Nguồn nước ngầm giảm, còn các sông, suối lại xa rẫy cà phê tới vài cây số nên càng làm gia đình thêm lo lắng, vì thiếu nước, tất nhiên sẽ kéo theo mất mùa.

Anh Minh cho biết thời điểm này mọi năm nước giếng chưa bị tụt. Bây giờ sản xuất cà phê phụ thuộc vào nguồn nước giếng nên giếng hết nước thì cà phê cũng bỏ luôn. Nhiều hộ trong thôn đang đào thêm giếng hoặc vét lại những giếng cạn.

Khác với vườn cà phê của gia đình anh Trần Văn Minh chỉ trông chờ vào nước ngầm, vườn của anh Lê Công Anh, ở thôn Toàn Thắng, xã Hòa Đông, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk, nằm ngay phía dưới hồ chứa của công ty cà phê Thắng Lợi, nên chưa năm nào thiếu nước. Thế nhưng năm nay, qua nghe đài, thấy các vùng xung quanh đều hạn bất thường, anh đã mua sắm thêm hơn 200 mét ống dẫn, để sẵn sàng lấy nước xa hơn mọi năm hàng trăm mét:

Với mức khô hạn như mùa khô năm nay, công sức, tiền bạc mà nhà nông đổ ra cho việc tưới cà phê sẽ tăng cao, mà năng suất cà phê vẫn khó đảm bảo, vì nguy cơ cạn kiệt nguồn nước đang tới gần. Niên vụ 2012-2013, cà phê ở Tây Nguyên giảm khoảng 25% năng suất vì khô hạn, thì với tình hình hiện nay, mức thiệt hại có thể lớn hơn, gây thêm nhiều khó khăn cho bà con.

Nắng hạn mùa khô là điều tất yếu xảy ra ở Tây Nguyên. Ở một mức độ nhất định, nó còn giúp cà phê phân hóa mầm hoa và ra hoa đồng loạt. Nhưng diễn biến những năm gần đây cho thấy, hạn mùa khô ngày càng gay gắt, do tốc độ suy giảm rừng nhanh, do biến đổi khí hậu và do chính tập quán canh tác của người trồng cà phê.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Đắk Lắk, để giảm thiệt hại bởi hạn hán, giải pháp khả thi nhất là nông dân đồng loạt tưới tiết kiệm và áp dụng các biện pháp canh tác tích cực. Bình thường nông dân vẫn tưới cà phê 650 lít/1 gốc/1 lần tưới nhưng ở các điểm trình diễn của Sở thì chỉ cần 450 lít, mà sau 25 ngày, độ ẩm tầng đất 30cm không thay đổi.

Như vậy, tưới tiết kiệm thì mỗi ha hơn ngàn cây cà phê sẽ tiết kiệm được hàng trăm mét khối. Biện pháp thứ hai là thiết lập lại hệ thống đai rừng và cây che bóng cũng là một giải pháp để tiết kiệm nước. Ông Sinh cho biết những điều này đều đã khuyến cáo cho nông dân nưng để thay đổi được thì cần cả một quá trình.

So với năm 2006, mực nước ngầm ở Tây Nguyên giảm từ 3 đến 5 mét. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên chỉ đáp ứng được gần 70% diện tích cây trồng. Rõ ràng việc thiếu nguồn nước cho các loại cây trồng đang đặt ra những thách thức lớn cho cả chính quyền và người dân sản xuất nông nghiệp tại các địa phương này. Thế nhưng một nghịch lý là dù thiếu nước, nhưng người trồng cà phê vẫn có thới quen tưới nước một cách phung phí, thừa thãi so với nhu cầu của cây. Và để đảm bảo lượng nước tưới cho cây trồng thì người dân không chỉ tiết kiệm nước vào mùa khô, mà cần phải thay đổi tập quán sản xuất và có ý thức tiết kiệm nước ngay cả trong mùa mưa./.

Theo VOV