Cà phê có thể đem về 20 tỷ USD/năm?

Năm 2012 ngành cà phê VN tạo bước đột phá khi sản lượng và kim ngạch XK đạt cao nhất từ trước đến nay (XK 1,5 triệu tấn, kim ngạch 3,5 tỷ USD). Tuy nhiên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần Trung Nguyên khẳng định: Ngành cà phê VN còn có thể đem về số tiền gấp nhiều lần như thế!

QUY HOẠCH LẠI “CUỘC CHƠI”!

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, các nhà tư vấn quốc tế đã đưa ra đánh giá sơ bộ rằng, ngành cà phê VN có thể đem về 20 tỷ USD/năm hoặc hơn thế nữa. Một câu hỏi đặt ra, làm sao ngành cà phê VN làm được điều này?

Ông Vũ cho rằng, đầu tiên ngành cà phê phải chuẩn bị hoài bão, có hoài bão mới có động lực để thực hiện. Tiếp theo là phải chuẩn bị về nhận thức, chiến lược và chính sách để giải quyết tổng thể toàn diện, bắt đầu từ vấn đề sản xuất, sản lượng, chất lượng và thương hiệu cà phê VN. “Hiện nay, trong “cuộc chơi” của ngành cà phê, VN hoàn toàn bị động và để nước ngoài chi phối, dẫn dắt. Thậm chí họ còn kiểm soát luôn cả người nông dân. Vì thế, nếu không thay đổi nhanh thì mọi chính sách phát triển ngành cà phê của VN sẽ bị nước ngoài làm cho vô hiệu. Cách tốt nhất là làm sao chúng ta phải ngồi lại với họ, đưa ra cuộc chơi và quy hoạch lại cuộc chơi này” – ông Vũ nói.

Song song đó, vấn đề phát triển công nghiệp chế biến phục vụ cho ngành cà phê phải được phát triển xứng tầm. Hiện mới chỉ có 6 – 7% (khoảng 100.000 tấn nhân) được VN chế biến cà phê hòa tan, cà phê rang xay để tiêu dùng nội địa. Mặc dù một số nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại VN đang được đầu tư, sắp tới sẽ đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư mới trên 25.000 tấn, gấp 2,5 lần công suất hiện tại như Nestle 12.000 tấn/năm, Vinacafe 3.200 tấn/năm, Cà phê Ngon 10.000 tấn/năm…, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Khát vọng nâng giá trị cà phê Việt được nhiều DN có hoài bão thực hiện!
Khát vọng nâng giá trị cà phê Việt được nhiều DN có hoài bão thực hiện!

Một trong những vấn đề đau đầu hiện nay là vấn nạn hái cà phê xanh, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề nghị cần phải được giải quyết triệt để mới đẩy nhanh giá trị gia tăng cho ngành hàng. Muốn thế, đầu tiên là phải dùng biện pháp hành chính đủ mạnh, chẳng hạn như cà phê đủ tiêu chuẩn mới cho xuất cảng. Ngoài ra, người nông dân trồng cà phê đầu vụ chịu áp lực lớn trả tiền vay ngân hàng, tiền phân thuốc, nên có tâm lý bán nhanh, bán sớm để trả nợ. Vì thế, các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ nông dân, không phải để họ lo trả nợ quá gắt đầu vụ để điều tiết lượng bán ra, giúp nâng cao giá trị và dần dẫn dắt thị trường.

Đặc biệt, ông Vũ cho rằng VN phải sớm phát triển “cụm ngành cà phê quốc gia”. Có nghĩa, ngoài chuỗi cà phê liên thông như chúng ta tư duy thông thường, thì ngành phụ trợ như ly, tách, máy móc, thiết bị nông cụ liên quan đến ngành cà phê… phải được xây dựng song hành. “Từ cách làm trên, chúng ta sẽ tạo ra được một hệ sinh thái kinh tế cà phê của riêng ta. Lúc này ngành cà phê VN sẽ kiểm soát được số phận mình; đồng thời có thể ảnh hưởng, liên minh, liên kết sòng phẳng với các tập đoàn, tổ chức kinh tế tài chính, các quốc gia sản xuất và tiêu thụ cà phê hàng đầu trên thế giới” – ông Vũ nói.

DỒN SỨC CHO NĂM 2013

Năm 2013, Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa) sẽ hoàn tất tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ NN-PTNT trình Chính phủ “Đề án quốc gia về tái canh cây cà phê” nhằm thay thế những vườn cây già cỗi, năng suất thấp hiện nay. Nếu có chính sách tổng thể cho vấn đề này, dự kiến trên 30% vườn cây có tuổi đời già cỗi trên 20 năm tuổi, năng suất thấp sẽ dần được thay mới, giúp ngành cà phê tăng nguồn thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc TCty Cà phê VN (Vinacafe) cho biết, niên vụ cà phê 2012 – 2013, ngành cà phê VN đạt sản lượng và kim ngạch XK cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trên 90% là XK nguyên liệu, giá trị gia tăng chưa cao. Nhưng làm sao để thay đổi? Ông Hải cho rằng, quy định của chúng ta đã có, ngành cà phê buộc phải theo hướng sản xuất bền vững, gắn với môi trường xã hội và sức khỏe con người. Cụ thể là nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (hiện đã có 54.500 hộ nông dân Tây Nguyên sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ…).

“Khi người nông dân cùng sản xuất cà phê theo một tiêu chuẩn để đưa vào chế biến, chắc chắn sẽ tạo ra đột phá về giá trị gia tăng” – ông Hải nói. Tổng Giám đốc Vinacafe cũng nhấn mạnh, việc đầu tư cho công nghệ chế biến sâu cũng là bước quan trọng để tạo sự đột biến về giá trị. Tính đến đầu năm 2013 đã có một số DN quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng mới tập trung chủ yếu ở vài DN mạnh, có tiềm lực tài chính và quản trị tốt.

Liên quan đến vấn đề vốn cho niên vụ 2012 – 2013, ông Trần Việt Hùng – Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, hệ thống ngân hàng mới đây khẳng định sẽ dồn sức cho ngành hàng cà phê với mức tín dụng 5.000 tỷ đồng (riêng vùng Tây Nguyên là 4.000 tỷ đồng). Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng đã có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên để cùng giải quyết bài toán nâng cao giá trị cho ngành hàng cà phê. Thủ tướng đã giao cho các Bộ, ban, ngành liên quan cùng với Ban chỉ đạo phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên sớm đề xuất cơ chế, chính sách phát triển bền vững, tạo giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê trong thời gian sớm nhất.

Theo thebox.vn