Lên Cao Nguyên với anh…

“Lên cao nguyên đi em. Chiều như mơ như thực. Hương cà phê thơm ngát. Khói lam chiều mênh mang… Lên cao nguyên với anh. Hòa nhịp chiêng rộn ràng. Nối vòng dài mãi. Đêm rượu cần ngất ngây…”. Vẳng nghe câu hát trong đêm “giao thừa sớm” với những người lính truyền tải Cao Nguyên khiến lòng tôi cứ xôn xao mãi khôn nguôi. Tình người lính truyền tải như níu giữ lữ khách, dù chỉ một lần đi tuyến với các anh.

Chúng tôi lên Cao Nguyên vào một chiều đông bảng lảng sương hồ xa xa, trong hương cà phê ngào ngạt quện vào da, vào tóc. Gặp những người thợ truyền tải điện, những người mà gần như cả cuộc đời gắn bó với vùng đất cao nguyên đầy nắng, đầy gió và trong công việc vận hành đường dây 500kV, 220kV ở vùng đầy khó khăn, gian khổ này, tôi hiểu được rằng họ phải là những người con của Đăm San, Xinh Nhã…

Thợ truyền tải điện Cao Nguyên (Lâm Đồng) gói bánh chưng đón xuân sớm.
Thợ truyền tải điện Cao Nguyên (Lâm Đồng) gói bánh chưng đón xuân sớm.

Thực ra thì người Tây Nguyên không ăn tết vào ngày đầu năm âm lịch như người Kinh mà cứ dịp vụ mùa xong, đầy ắp lúa gạo trong nhà thì họ mới lo ăn tết. Mọi nguồn cội lễ hội thường được tổ chức sau mùa lúa chín. Đối với người Jrai, Bahnar, Xê Đăng, M’nông… Tết đúng nghĩa nhất đó là lễ hội mừng lúa mới. Sở dĩ người Tây Nguyên không ăn Tết Nguyên đán, bởi tết lúa mới vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch. Có lẽ vì vậy, mà những người công nhân truyền tải điện vận hành suốt dọc 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng cũng đón xuân sớm. Còn hơn một tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng Đội Truyền tải Cao Nguyên đã chuẩn bị rất chu đáo, như dọn dẹp, sửa sang lại nhà ở, nhà làm việc, gói bánh chưng…

Đêm giao lưu đón giao thừa, không gian tết Cao Nguyên hừng hực với bếp lửa lớn, những xiên thịt khô nướng thơm lừng. Và một thứ không thể thiếu đó là những ché rượu cần đầy ắp. Những người lính truyền tải, dù là người miền xuôi hay miền ngược, dù đồng bằng hay vùng biển, khi đã trở thành người công nhân truyền tải điện Cao Nguyên thì đều đón tết như cư dân bản địa. Đêm đón giao thừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với nghi thức cầu thần lửa để xua tan bóng đêm và cầu mong sự ấm áp bình an cho một năm mới trong tiếng cồng chiêng rộn ràng.

Anh Phan Đình Thiện, Trưởng Truyền tải điện Cao Nguyên cho biết: Truyền tải điện Cao Nguyên làm nhiệm vụ quản lý vận hành hơn 584km đường dây cao thế 220kV – 500kV, hai trạm biến áp 220kV (Bảo Lộc và Phan Thiết) và một trạm biến áp 500kV Di Linh với tổng dung lượng 1.053MVA.

Các tuyến dây này không chỉ làm nhiệm vụ truyền tải điện cho khu vực Tây Nguyên mà còn là huyết mạch quan trọng của lưới điện quốc gia. Hầu hết các tuyến đường dây đi qua nhiều địa hình phức tạp như rừng núi, sông suối, nông lâm trường nên việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tài sản rất nhiều khó khăn. Dọc theo tuyến đường dây là nơi sinh sống của bà con các dân tộc sống du canh du cư. Vì vậy, tình trạng vi phạm hành lang an toàn, đốt nương rẫy gây cháy rừng thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đường dây. Đặc biệt, mùa khô, nhiều đường dây xuất hiện tình trạng đầy tải và quá tải, nắng nóng và gió bụi, sương muối, sương mù đã khiến bụi đỏ bazan bám dày vào trục sứ, làm các chuỗi sứ cách điện bẩn rất nhanh. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy cơ phóng điện qua sứ, ảnh hưởng đến an toàn của cả hệ thống truyền tải.

Để bảo đảm điện phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ, các anh đã hoàn thành việc củng cố lưới, kiểm tra nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gây sự cố lưới điện; phối hợp cùng Ban Quản lý các dự án lưới điện miền Trung chống quá tải trạm Phan Thiết, hoàn tất cải tạo đường dây 220kV Đa Nhim – Di Linh – Bảo Lộc; khai quang chống cháy đầu mùa khô các đoạn qua rừng núi hiểm trở; kiểm tra và xử lý dứt điểm các vị trí tiếp xúc có nhiệt độ tăng cao trên đường dây và tại thiết bị trạm; hoàn tất công tác kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị trạm… Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an các huyện, tỉnh kiểm tra, tuyên truyền công tác bảo vệ hành lang lưới điện và phòng cháy chữa cháy… chuẩn bị sẵn sàng vật tư, dụng cụ, phương tiện và nhân lực bảo đảm ứng trực sẵn sàng xử lý sự cố.

Năm 2012, mặc dù lưới điện luôn vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải, nhưng anh em vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt tất cả các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, an ninh lưới điện (điện truyền tải thương phẩm đạt 109% so với KH; tổn thất đạt 1,39/1,7% chỉ tiêu; suất sự cố trạm và đường dây thấp hơn chỉ tiêu giao, không có sự cố đường dây và trạm 500kV; không xảy ra mất cắp phụ kiện lưới điện hoặc sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện). Bước sang năm nay, ngoài nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện hiện hữu, Truyền tải điện Cao Nguyên còn tham gia thi công cải tạo và tiếp nhận lưới mới, như: Tăng cường công suất máy 2 trạm 220kV Phan Thiết; cải tạo đường dây 220kV Bảo Lộc – Long Bình; kéo dây mạch 2 đường dây 220kV Bảo Lộc – Hàm Thuận – Phan Thiết; tiếp nhận QLVH trạm 500kV Vĩnh Tân và 160km ĐZ 500kV Vĩnh Tân – Sông Mây. Đối với một đơn vị vận hành lưới điện thì đây là khối lượng công việc khá lớn, muốn hoàn thành phải xây dựng và triển khai kế hoạch khoa học và kỷ luật nghiêm khắc. Tại vị trí 252 đường dây 220kV Di Linh – Bảo Lộc, thuộc địa bàn xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, anh em công nhân thuộc Đội Truyền tải điện Bảo Lộc đang tập trung thay dây chống sét. Kỹ sư Đặng Phước Thanh Văn cho biết: Đây là đường dây huyết mạch có chiều dài 33km, do bị quá tải nên được cải tạo từ tháng 7 năm ngoái. Để cấp điện an toàn, ổn định, bảo đảm chất lượng trong dịp Tết Nguyên đán cho thành phố Bảo Lộc và các huyện lân cận của Lâm Đồng, anh em đang nỗ lực thi công kể cả ngày nghỉ để đóng điện trước tết âm lịch.

Tại các trạm biến áp 500kV Di Linh, 220kV Bảo Lộc, kế hoạch trực tết ở trạm cũng như những ngày thường là 3 ca và 5 kíp. Trưởng trạm 220kV Bảo Lộc Nguyễn Khắc Đạm cho biết, nhận điện từ TBA 500kV Di Linh, với tổng công suất máy biến áp của trạm hiện nay là 228MVA, trạm đang trực tiếp cấp điện cho thành phố Bảo Lộc và các vùng phụ cận. Theo kế hoạch bảo đảm điện tết, anh em đã hoàn thành việc kiểm tra kỹ thuật trang thiết bị, rà soát lại tình hình vận hành, có phương án bảo vệ, phối hợp giữa trạm, đội đường dây và địa phương để bảo đảm cung cấp điện an toàn và ổn định cho khách hàng.

Mùa xuân thường được nói đến với mai vàng, đào thắm, với những cơn mưa bụi giăng mờ, với cái rét đài, rét lộc giêng hai. Nhưng mùa xuân Cao Nguyên lại khác; mùa xuân nơi đây đầy ắp nắng vàng, ngăn ngắt trời xanh, lồng lộng gió, nơi nào cũng nở hoa. Đà Lạt, Đắk Lắk, Đắk Nông hay cả Kon Tum đều có quỳ hoa. Hoa quỳ nở từ tháng 10, kéo đến qua tết và những vườn cà phê bắt đầu trổ hoa. Cao Nguyên mùa xuân đẹp tựa bức tranh thủy mặc và ở đó, người thợ “đường dây” trong những ngày giáp tết này vẫn đang ngày đêm miệt mài vẽ những “nốt nhạc” lên “cung đàn” đường dây 500kV Bắc-Nam.

Theo thebox.vn