Nét đẹp trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông

So với các dân tộc khác trên địa bàn huyện Ea Súp, dân tộc Mông, cư trú chủ yếu tại các thôn 13, 14, 16 của xã Cư Kbang còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Một trong những nét văn hóa đặc sắc đó là vẻ đẹp trong trang phục của người phụ nữ.

Trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông bao gồm khăn đội đầu, áo xẻ ngực, váy, xà cạp lưng và xà cạp chân. Khăn đội đầu thường dùng vải có chiều dài 18m để quấn thành từng nếp vòng quanh đầu hoặc dùng khăn hình chữ nhật quấn lại hình mỏ quạ. Áo có cổ phía trước hình chữ V, phía sau thường có hình chữ nhật hoặc hình cánh én. Phần cổ áo được cắt may rất tỉ mỉ, đây là một trong những phần khó nhất của bộ trang phục, chỉ có những thợ lành nghề mới có thể làm được. Họa tiết trang trí hay phụ kiện đi kèm thường rất đa dạng.

Người phụ nữ Mông Hoa trong trang phục truyền thống tại thôn 13 – xã Cư Kbang.
Người phụ nữ Mông Hoa trong trang phục truyền thống tại thôn 13 – xã Cư Kbang.

Trang phục của những người phụ nữ Mông hoa và Mông trắng, áo thường thêu nhiều hoa văn hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn, quả trám… Trên áo thường được đính thêm các hạt cườm tạo vẻ đẹp cho áo và màu chủ đạo trên áo thường có màu trắng hoặc màu xanh. Đối với áo của người phụ nữ Mông đen hoặc Mông đỏ thì các họa tiết trang trí thường là hình bông hoa, hình chữ nhật…, tập trung nhiều ở hai ống tay và trước ngực; màu sắc chủ đạo thường là màu đen hoặc đỏ.

Váy của người phụ nữ Mông được may tỉ mỉ, khéo léo với nhiều họa tiết trang trí và màu sắc sặc sỡ; những nếp uốn lượn như những gợn sóng tạo độ bồng bềnh và mềm mại cho chiếc váy. Đối với những chiếc váy để đi hội hoặc là váy cưới cô dâu đặc biệt hơn bởi được đính rất nhiều hạt cườm. Xà cạp lưng thường được sử dụng để cố định váy khi mặc. Ngoài ra người phụ nữ Mông còn sử dụng thêm một xà cạp để trang trí; nó có thể dài để quấn quanh eo hoặc là có hình chữ nhật để đeo trước váy. Độ dài của xà cạp có thể là ngang đùi, ngang gối hoặc có chiều dài bằng với váy. Xà cạp chân được dùng để quấn quanh chân, tạo độ vững chắc và thon gọn cho đôi chân người phụ nữ.

Đi kèm với bộ trang phục truyền thống, là những bộ trang sức bằng bạc được làm thủ công. Đó có thể là hoa tai to bản được chạm khắc tinh xảo, hoặc là bộ vòng bạc đeo cổ có kích thước lớn dần… Để mặc một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông không phải là đơn giản: từ cách xếp khăn đội đầu cho tới kỹ thuật mặc váy và quấn xà cạp chân… đều đòi hỏi sự khéo léo cao. Trung bình mỗi lần thay một bộ trang phục cho các dịp lễ hội phải mất từ 1-2 giờ.

Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ người Mông bình thường có giá khoảng 1-2 triệu đồng; đối với những trang phục được may cắt thủ công cầu kỳ dùng để đi hội hoặc làm của hồi môn cho con gái trước khi về nhà chồng thì có giá từ vài triệu cho tới vài chục triệu đồng. Sở dĩ trang phục của người phụ nữ Mông đắt như vậy là do trang phục được cắt may rất cầu kỳ, mỗi một họa tiết được đầu tư làm rất tỉ mỉ và mỗi bộ thường phải may trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng. Vì vậy mỗi người phụ nữ Mông trước khi về nhà chồng thường chỉ có vài bộ trang phục.

Theo hoivannghe.gov.vn