Nỗi lo cà phê già

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian qua tăng mạnh, song sự phi mã ấy chủ yếu là do được gia tăng diện tích trồng, trong khi đó năng suất đang có xu hướng giảm do diện tích cà phê lâu năm ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển của ngành cà phê…

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 570,9 ngàn ha cà phê trong đó hơn 90% diện tích và 92% sản lượng cà phê được trồng tại bốn tỉnh khu vực Tây Nguyên. Nhờ diện tích không ngừng tăng, sản lượng cà phê nhân cả nước đã vượt con số hơn 1,1 triệu tấn năm 2008 đưa Việt Nam vào tốp đầu những quốc gia có sản lượng cà phê cao nhất thế giới. Niên vụ 2011-2012 cũng đánh dấu sản lượng cao nhất từ trước tới nay 1,168 triệu tấn.Với 95% dành cho xuất khẩu, nhiều năm nay, Việt Nam giữ vững vị trí là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới về sản lượng, chỉ sau Brazil. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê robusta. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa ổn khi trị giá xuất khẩu chỉ đạt 2,4 tỷ USD trong năm 2011, chiếm khoảng 2% doanh số của cả ngành công nghiệp cà phê thế giới. Xem ra Việt Nam đang nằm ở phân khúc thấp nhất trong toàn chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Mặc dù xuất khẩu nhiều, song, cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng giá trị thấp. Do chưa xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng thế giới, giá cà phê Việt Nam luôn thấp hơn giá giao dịch bình quân kỳ hạn trên thị trường London 30 USD/tấn thậm chí đang đánh mất dần thị phần tại các thị trường lớn. Nghiên cứu của 2 chuyên gia Trần Công Thắng và Trương Hồng Kim cho thấy tại thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 trên thế giới Đức, nếu như tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cà phê giai đoạn 2006-2010 của nước này là 9%/năm thì từ Việt Nam con số này chỉ là 3%. Cũng bởi vậy, con số nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đã nhỏ ngày lại càng nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu chung của Đức chỉ chiếm 9,3% trong tổng giá trị nhập khẩu 3,52 tỷ USD (năm 2010).

img_13500

Bên cạnh đó, năng suất cà phê đang có xu hướng giảm. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này chính là cả nước đang có gần 150 nghìn ha cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp cần thanh lý hoặc tái canh. Trong niên vụ 2012-2013, Hiệp hội Cà phê Ca caoViệt Nam (Vicofa) cảnh báo ngoài yếu tố thời tiết xấu, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam có thể giảm 20% do diện tích cây già cỗi tăng làm giảm năng suất. Hiện, diện tích cây cà phê già cỗi một vài địa phương đã lên đến gần 50%. Dự kiến trong vụ tiếp theo diện tích cây cà phê già cỗi trên 20 năm dự kiến lên tới 30%, với năng suất chỉ bằng 50% so với các vườn cà phê trẻ.

Ví như Đắc Lắk, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước (185.000 ha), nếu như năm 2006, năng suất đạt gần 26 tạ/ha thì đến năm 2011 chỉ còn 23,1 tạ/ha.Hay như tại Lâm Đồng tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê chỉ đứng sau Đắk Lắk, với diện tích hơn 142.900 ha, cũng đang phải đối mặt tình trạng tương tự, năng suất ngày một giảm, khoảng 15 tạ/ha, thấp hơn năng suất bình quân cả nước hơn 6 tạ/ha. Số vườn có nhu cầu chuyển đổi tái canh lên tới 30% tổng diện tích.

Không chỉ đối mặt với năng suất giảm, chất lượng sản phẩm ở những vườn cà phê này cũng không ổn định.

Hiện thực này cho thấy, việc trẻ hóa cà phê đang trở thành mấu chốt gia tăng sản lượng và chất lượng cà phê hiện nay. Tuy nhiên, với 561.000 hộ (2,6 triệu người) trồng cà phê tại vùng Tây Nguyên, trong đó 90% là hộ có quy mô nhỏ hơn 1 ha, việc tái canh cây cà phê không hề đơn giản. Không chỉ việc buộc phải cưa đốn cây để tái canh ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân mà chi phí tái canh cũng là một áp lực. Tính toán cho thấy với chi phí tái canh bao gồm giống, phân bón, kỹ thuật chuyển giao công nghệ… cho 1 ha cà phê từ 100 – 160 triệu đồng, tổng chi phí tái canh cho 135.000 ha cà phê lên tới 13.000 – 18.000 tỷ đồng. Đây quả là một bài toán không dễ giải khi người dân không có đủ năng lực tài chính, mà khả năng đầu tư của địa phương cũng hữu hạn. Ví như Đắk Lắk có trên 185.000 ha cà phê, nhưng đã quá bán là diện tích cà phê đã hơn 15 tuổi. Trong khi đó Đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 cũng chỉ có 1.647 tỷ đồng để duy trì ổn định 150.000 ha, sản lượng bình quân đạt 400.000 tấn/niên vụ. Lâm Đồng có khoảng hơn 40.000 ha cà phê có độ tuổi từ 15-30 năm, (chiếm hơn 27% tổng diện tích cà phê của tỉnh) cần được tái canh.

Thông tin mới nhất, Vicofa (nơi tập trung gần 150 DN kinh doanh xuất khẩu cà phê) đã quyết định thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê (tháng 12/2011), dự kiến sẽ bắt đầu thu phí 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu từ đầu tháng 10/2012. Số tiền quỹ thu được sẽ chi 70% cho tái canh cà phê. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng khá khiêm tốn, chưa kể ý tưởng này không đạt được sự đồng thuận của nhiều thành viên.

Theo Thời báo Ngân Hàng