Doanh nghiệp cà phê biến mất: Lộ thủ đoạn chiếm đoạt thuế tinh vi

Sau khi kê khai doanh số hàng nghìn tỉ đồng, 8 doanh nghiệp kinh doanh (DN) cà phê ở thị xã Buôn Hồ đã đồng loạt… biến mất. Từ các thông tin do cơ quan thuế thu thập được, thủ đoạn chiếm đoạt thuế GTGT của các DN này đã dần hé lộ.

mua-ban-ca-phe-300x218

Thủ đoạn này có thể liên quan đến hàng chục DN tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực Đông Nam Bộ với danh nghĩa đơn vị “bán hàng”.

Đường đi của hóa đơn

Như đã phản ánh trong bài viết trước, 8 DN ở thị xã Buôn Hồ mới được thành lập đầu năm 2012, đến cuối năm thì biến mất. Theo Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ, cả 8 chủ DN đều đến từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hải Dương. Họ chỉ thuê nhà dân tại Buôn Hồ làm địa chỉ kinh doanh, có trường hợp khai man địa chỉ, sử dụng giấy CMND giả để đăng ký kinh doanh. Các DN này đều không có kho hàng, không thuê mướn lao động, chỉ có một kế toán khai báo thuế. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, 4/8 DN đã kê khai doanh số lên đến hơn 2.288,1 tỉ đồng.

Theo ông Phạm Thái Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ – thì căn cứ hồ sơ khai thuế, các DN này không chiếm đoạt thuế GTGT tại địa phương. Vì với doanh số trên, thuế GTGT đầu vào là 114,649 tỉ đồng (đã trả cho đơn vị bán hàng), thuế GTGT đầu ra là 114,710 tỉ đồng (đã thu của đơn vị mua hàng). Số thuế phát sinh mà các DN này phải nộp (thuế đầu ra trừ thuế đầu vào) là 61 triệu đồng, họ đã nộp đầy đủ thông qua ngân hàng.

Điều bất thường là các DN này mới thành lập nhưng phát sinh doanh số quá lớn, thuế GTGT phải nộp lại không đáng kể, đặc biệt là theo hồ sơ khai thuế thì hoạt động mua bán không phát sinh tại Buôn Hồ. Các DN này khai mua nông sản của các DN ở Bình Phước, Đồng Nai, TPHCM (sau đây gọi là DN bán) và bán lại cho các DN ở Đắc Lắk, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Thanh Hóa… (gọi là DN mua).

Xác minh của Chi cục Thuế huyện Bù Đăng (Bình Phước), huyện Hóc Môn và quận Tân Phú (TPHCM) cho thấy, sau khi xuất hóa đơn thì các DN bán đã bỏ trốn, không nộp thuế GTGT cho Nhà nước. Một số DN nhận hóa đơn đã hợp thức hóa chứng từ đầu vào, được khấu trừ thuế với tổng số tiền 63,184 tỉ đồng (mới chỉ 3 quận, huyện trên). Như vậy có thể các DN bán chỉ xuất hóa đơn khống, còn các DN ở Buôn Hồ dùng hóa đơn khống để làm gì?

Chiếm đoạt thuế ở khâu nào?

Trong một diễn biến khác, ngày 11.1, Cục Thuế tỉnh Đắc Lắk có văn bản gửi các chi cục thuế, các cơ sở kinh doanh cà phê trong tỉnh cảnh báo một số thủ đoạn gian lận thuế. Cục Thuế tỉnh cho rằng “điểm mới của loại tội phạm này là hoạt động mua bán cà phê – nông sản phần lớn là có thật (xác minh tại Đắc Lắk). Để mua được cà phê – nông sản, các DN trên (Buôn Hồ – NV) đã đẩy giá mua vào cao hơn giá giao dịch trên thị trường”.

Điều này được hiểu là các DN ở Buôn Hồ đã mua một số lượng lớn cà phê tại địa phương với giá rất cao, nhưng không có chứng từ, sau đó sử dụng hóa đơn khống của các DN tỉnh ngoài để hợp thức hóa đầu vào.

Như vậy cà phê sản xuất tại Buôn Hồ đã được “phù phép” thành cà phê có xuất xứ từ các tỉnh Đông Nam Bộ để trốn thuế GTGT đầu vào. Cụ thể, với lý do đã trả tiền thuế GTGT cho các DN bán ở Đông Nam Bộ (cộng 5% vào giá mua) nên các DN ở Buôn Hồ được cơ quan thuế địa phương khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Hậu quả là các DN bán khống ở Đông Nam Bộ không nộp thuế GTGT, nhưng các đơn vị mua hàng thật của các DN ở Buôn Hồ lại được Nhà nước khấu trừ, hoàn thuế GTGT trong quá trình luân chuyển hàng hóa vì… có hóa đơn.

Cơ quan thuế cũng nhận định, hoạt động của các DN ở Buôn Hồ và các DN bán khống ở Đông Nam Bộ là có tổ chức, tức các DN Buôn Hồ cũng được chia chác số tiền thuế. Cũng do vậy, các DN này mua vào giá cao, bán ra giá thấp mà vẫn lãi to. Hiện ngành thuế Đắc Lắk đang cảnh báo các thủ đoạn trên, cơ quan công an cũng đã vào cuộc để điều tra, làm rõ.

Nhiều cơ sở kinh doanh tiếp tay cho các công ty trên

Các DN trên đã đẩy giá mua vào cao hơn giá giao dịch trên thị trường. Vì một chút lợi ích trước mắt, một số cơ sở kinh doanh trong tỉnh đã mua gom hàng sau đó vận chuyển về nơi tiêu thụ theo thỏa thuận của bên bán (không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp).

Việc làm trên của các cơ sở kinh doanh cà phê – nông sản trong tỉnh dù vô tình hay cố ý cũng đã tiếp tay làm mất hàng trăm tỉ đồng tiền thuế GTGT của địa phương và giúp các doanh nghiệp trên thực hiện hành vi tội phạm chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước… (trích công văn số 52/CT- TTr, ngày 11.1 của Cục Thuế tỉnh Đắc Lắk).

Theo Báo Lao Động