Phát triển bền vững vùng nguyên liệu cà phê số 1 của thế giới

Hiện nay chúng ta thiếu các mô hình phát triển bền vững cho vùng nguyên liệu cà phê vốn là môi trường sinh thái phức hợp: cà phê – nước – rừng – đồi – động vật – con người – máy móc. Tuy nhiên, cho đến nay việc khai thác vùng nguyên liệu đa phần vẫn dựa trên mô hình tận thu sản lượng cà phê – khai thác kiệt quệ tài nguyên tự nhiên, mai một bản sắc truyền thống quý giá các dân tộc thiểu số. Bốn giải pháp có tính liên hoàn – tích hợp sau đây sẽ nhằm xây dựng mô hình phát triển bền vững cà phê Việt Nam.

ca-phe

Thứ nhất: Phát triển các mô hình khai thác nguyên liệu, công nghệ canh tác – chế biến cà phê tiên tiến theo định hướng bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên

Hiện nay, việc khai thác cà phê nhân tại Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng chỉ có rất ít nông hộ được tiếp cận các chương trình huấn luyện mô hình khai thác và công nghệ mới định hướng bảo vệ môi trường, đại đa số nông hộ trồng cà phê theo kinh nghiệm. Các giếng nước ngầm ở Tây nguyên phục vụ canh tác cà phê đều suy kiệt, rừng cây tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Vì vậy, phát triển bền vững vùng nguyên liệu cà phê cho toàn cầu cần phải thực hiện các giải pháp liên hoàn. Một là nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học – nông dân cần cộng tác đầu tư áp dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến định hướng phát triển bền vững trong canh tác – thu hoạch – chế biến. Hai là nhà nước – nhà khoa học và doanh nghiệp cần phối hợp tuyên truyền – khuyến khích – huấn luyện nông hộ trồng cà phê cách mô hình khai thác tài nguyên tự nhiên. Ba là nhà nước cần chủ trì xây dựng cơ chế định mức hóa việc khai thác tài nguyên tự nhiên và những chế định nghiêm ngặt bảo vệ môi trường.

Thứ hai: Cơ chế tài trợ, đảm bảo ổn định giá giúp nông dân cà phê phát triển sản xuất

Nông hộ trồng cà phê đa số không có dòng tiền thặng dư, hầu hết đều phải sử dụng tín dụng với lãi suất rất cao (12-14%) trong đầu tư sản xuất cho niên vụ dưới hình thức mua chịu phân, thuốc, giống… Sự bị động toàn phần về giá bán khiến họ không thể tư duy đến cải tiến công nghệ, ý thức cộng đồng bảo vệ giá. Kết quả là cà phê Việt Nam bị xếp loại kém phẩm và trên 50% diện tích trồng là cây già cỗi cần được tái canh.

Muốn giải phóng tư duy ngắn hạn của nông dân, các chủ thể liên quan ngành cà phê cần thiết cộng tác tạo ra cơ chế hữu hiệu tài trợ cho nông dân trên cơ sở phối hợp giữa định chế ngân hàng – doanh nghiệp thu mua – doanh nghiệp cung cấp phân bón – hợp tác xã cà phê giúp cho nông dân tái sản xuất như mô hình đang được ứng dụng ở các nước Colombia, Indonesia rất hiệu quả.

Thứ ba: Đồng bộ hóa áp dụng mô hình nông – công nghiệp mới với bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa cư dân trồng cà phê bản địa

Nông dân trồng cà phê Việt Nam có tỷ lệ là đồng bào dân tộc thiểu số khá lớn. Cà phê góp phần cải thiện khá nhiều đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các phong tục tập quán, văn hóa, xã hội của đồng bào đã nhanh chóng chịu không ít những ảnh hưởng tiêu cực. Nếu không đồng bộ hóa việc áp dụng mô hình kinh tế thì không bao lâu chúng ta sẽ mất đi những nền văn hóa đặc sắc tạo nên “hồn người” thấm đẫm trong hạt cà phê.

Thứ tư: Tích hợp hóa nông – công nghiệp cà phê với văn hóa, giáo dục, y tế giúp nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất – tinh thần của nông dân, công nhân làm ra cà phê giúp họ gắn bó với nghề cà phê

Công nghiệp chế biến sạch gắn liền vùng nông nghiệp (clean agroprocessing zone) đang phổ biến từ các nước nông – công nghiệp tiên tiến Mỹ, Phần Lan, Đức…, các quốc gia mới nổi như Nga, Brazil… đến các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines. Đây là xu thế mà các nhà hoạch định chiến lược nông nghiệp, các chủ thể liên quan lợi ích từ hạt cà phê cần chung tay xây dựng các mô hình nông – công nghiệp cà phê tích hợp kiến tạo nền tảng an sinh xã hội rất tốt tại chỗ sẽ giúp người nông dân an tâm canh tác, gắn bó với cây cà phê dài hạn.

Theo baothanhnien.com.vn