Công bằng hóa chuỗi giá trị gia tăng cà phê toàn cầu

Mô hình khai thác cà phê hiện nay tại Việt Nam trên góc nhìn chuỗi giá trị gia tăng cà phê chứa đựng những đặc điểm không công bằng.

2012_291_05_A

Đó là: Cường quốc số 1 về cà phê nhưng không có tiếng nói đối với giao dịch cà phê quốc tế. Tài nguyên tự nhiên bị khai thác tận diệt. Doanh lợi ngành cà phê Việt Nam cực thấp so với vị thế (chưa bằng 20% doanh thu của một tập đoàn cà phê toàn cầu). Nông dân – chủ thể tạo ra giá trị nền tảng cho ngành cà phê có cuộc sống thiếu ổn định, không tương xứng vị thế của mình. Vì vậy để công bằng hóa chuỗi giá trị gia tăng cà phê toàn cầu, có 4 biện pháp cộng tác liên hợp.

Thứ nhất: Cộng tác cải sửa thiết chế giao dịch quốc tế nhằm thực hiện công bình thương mại

Thiết chế giao dịch quốc tế ngành cà phê gồm các chủ thể chính: các sàn giao dịch cà phê (London, New York), các nhà rang xay cà phê quốc tế, tập đoàn chế biến cà phê, các tập đoàn mua – bán nguyên liệu cà phê. Các chủ thể nêu trên cũng có những đóng góp cho sự phát triển ngành cà phê Việt Nam. Tuy vậy, với mục tiêu duy nhất là lợi nhuận tài chính, nên họ dựa vào sức mạnh tài chính toàn cầu, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế để áp đặt công thức khai thác: sản lượng cao x đơn giá thấp. Sự yếu kém về sức mạnh tài chính, thiếu cơ chế hiệu quả liên kết trong nước và quốc tế… của ngành cà phê Việt Nam khiến chúng ta không có tiếng nói đối với các chủ thể.

Do vậy, chúng ta cần đề ra những giải pháp nhằm cải sửa quyền lực các thiết chế giao dịch quốc tế. Thứ nhất, nông dân trồng cà phê Việt Nam cần được hướng dẫn thành lập các cơ chế bên cạnh hiệp hội đủ sức mạnh để phát ngôn với các định chế cà phê quốc tế về thực thi công bằng cho nông dân cà phê, ngành cà phê quốc gia.

Hai là, Nhà nước cần xem cà phê như ngành hàng mũi nhọn trong nông nghiệp. Ba là, ngành cà phê Việt Nam với sự hướng dẫn, bảo trợ của Nhà nước có thể đề xuất đề án xây dựng các liên minh với các quốc gia trồng cà phê trên mặt trận yêu cầu thực thi công bằng thương mại đối với các chủ thể được hưởng lợi rất lớn từ hạt cà phê.

Thứ hai: Hợp tác hạn chế tiến đến xóa bỏ các quy ước chèn ép giá cà phê nhân từ sàn giao dịch quốc tế

Từ bao năm nay, giá cà phê Robusta Việt Nam luôn bị gắn với quy ước “Giá Luân Đôn trừ lùi”. Thoạt tiên quy ước này nhằm chiết khấu trước các khoản phí nhưng sau này đã trở thành quy ước áp đặt mức chiết khấu cho cà phê nhân Việt Nam (từ 10 – 30 USD/tấn).

Quy ước này một mặt khóa chặt giá cà phê nhân Việt Nam ở mức giá thấp, một mặt tạo thế chủ động cho các tập đoàn quốc tế. Để hạn chế tiến đến xóa bỏ sự chèn ép giá cả, cần thiết phải kiến tạo hệ thống hợp tác với những định chế hiệu quả. Một là hợp tác xây dựng định chế hợp tác của nông dân để có tiếng nói thống nhất về giá cả tại từng thời điểm, bảo vệ giá trị của toàn ngành. Hai là xây dựng định chế hiệp hội doanh nghiệp cà phê bản địa liên minh với các định chế ngân hàng – quỹ đầu tư, cơ quan truyền thông. Ba là xây dựng chiến lược thực dụng nâng cao đồng bộ chất lượng cà phê nhân Việt Nam.

Thứ ba: Cộng tác đầu tư phát triển công nghệ mới trong canh tác – tồn trữ – chế biến cho nông dân trồng – quốc gia trồng cà phê

Số lượng nông hộ trồng cà phê được tiếp cận với công nghệ cao trong khâu canh tác – tồn trữ – chế biến (sơ chế), định hướng cà phê bền vững chiếm tỷ lệ rất nhỏ và tốc độ tăng trưởng rất chậm.

Thứ tư: Tài trợ thiết thực các chương trình phát triển cộng đồng cho nông dân trồng cà phê

Nông dân là chủ thể chủ chốt quyết định phát triển toàn bộ ngành cà phê, các quốc gia trồng cà phê như Columbia, Jamaica, Indonesia… đều có những chương trình hiệu quả nhằm nâng cao cuộc sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nông dân, giúp họ an tâm gắn bó nông trại. Nhà nước cần cộng tác với các doanh nghiệp tiên phong trong ngành cà phê tạo lập những mô hình có năng lực tài trợ cho các chương trình phát triển cộng đồng cho nông dân trồng cà phê, đặc biệt là dân tộc thiểu số có thể bảo vệ bản sắc.

Theo baothanhnien.com.vn