“Bẫy” tiêu chuẩn thu mua chi phối ngành cà phê toàn cầu

Cà phê có lẽ không chỉ đặc biệt bởi tự thân thuộc tính của nó, mà còn vì nơi sinh sôi phát triển của cây cà phê cũng có chọn lọc hẳn hoi. Không phải cứ ươm trồng cây cà phê ở mảnh đất nào cũng được.

ca-phe-nguyen-chat

Nhìn vào bản đồ các quốc gia trồng cà phê toàn thế giới, chúng ta có thể thấy tất cả đang tập trung xung quanh đường xích đạo, mà Việt Nam là cái tên không thể thiếu. Cái nắng, cái gió, thổ nhưỡng và bản tính người nông dân chịu thương chịu khó của các dân tộc ngang đường xích đạo đã cho ra đời những vụ mùa cà phê mà sau đó chúng tỏa đi khắp nơi trên thế giới để phục vụ nhu cầu ly cà phê ngon tuyệt cho người tiêu dùng.

Giống như bất cứ một thứ hàng hóa nào, để cà phê từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng cần qua một loạt các khâu trung gian khác. Trong dòng chảy hàng hóa đó, cứ qua mỗi khâu thì cà phê lại được gia tăng thêm giá trị. Với Việt Nam, một quốc gia vừa vươn lên được thứ nhất về sản lượng xuất khẩu trong bản đồ ngành cà phê thế giới, thì trong chuỗi giá trị ngành cà phê, chúng ta đang nằm trong phân đoạn có giá trị thấp. Chuyện này không phải mới, nhưng đáng tiếc là công chúng ít ai biết đến điều này.

Nguyên nhân giá trị thu về thấp không chỉ vì tự thân nội tại ngành cà phê của chúng ta còn nhiều điều cần chỉnh đốn, mà còn vì các yếu tố bên ngoài tác động vào. Với người trồng cà phê của Việt Nam, những quả cà phê đỏ mọng, kết tinh từ cả vụ mùa trông nom chăm bón của người nông dân, giá trị thành quả lao động của họ không như ước muốn. Con số hơn 3 tỉ USD thu về từ toàn ngành cà phê Việt Nam năm nay, sẽ có thể cao hơn nữa, nếu chúng ta có thể nâng cao giá trị bán ra. Chính các nhóm thu mua cà phê là nhân tố gây ra nghịch lý này.

Trong thế giới cà phê, các quốc gia tiêu thụ cà phê mạnh nhất thì lại không trồng cà phê. Còn các quốc gia trồng cà phê thì tiêu thụ cà phê không cao, trừ Brazil là quốc gia có mức tiêu thụ cà phê đáng kể. Việt Nam đang tiêu thụ ở mức 1,1 kg/người/năm. Chúng ta sản xuất rất nhiều, tiêu thụ ít, do vậy sản lượng vụ mùa đa phần là xuất khẩu. Các nhà rang xay lớn như Kraft Foods, Sara Lee, Nestle, Tchibo, Starbucks là các nhà thu mua cà phê hàng đầu thế giới. Và dĩ nhiên, với quyền lực của tập đoàn khổng lồ, họ có khả năng gây tác động mạnh đến giá cả. Và không cần phải tác động theo cách chèn giá thông thường, mà bằng một phương pháp “tinh vi” hơn. Đó là gây ảnh hưởng đến các tổ chức quốc tế để đặt ra các tiêu chuẩn cà phê cho các quốc gia gieo trồng.

Hiện đang tồn tại song song nhiều quy chuẩn, chứng chỉ cho ngành cà phê: đó là hệ thống chứng chỉ FairTrade (1997), UTZ Certified (2007), RainForrest Alliance (1992) và bộ tiêu chí 4C (2006)… Tuy mục đích của các chứng chỉ này là hướng tới phát triển cà phê bền vững, nhưng thực tế là sau khi đặt ra chứng chỉ thì rất nhiều hộ dân đang trồng cà phê không thể đạt tiêu chuẩn này nữa. Đây chính là cái cớ để các đơn vị thu mua cà phê chèn ép giá một cách quang minh chính đại.

Theo Tổ chức Thương mại công bằng quốc tế (Fairtrade International), từ tháng 6.2008, giá cà phê Robusta tối thiểu theo quy định là 1,01 USD mỗi pound (453 gram). Giá này đã không tăng trong suốt thời gian qua. Tại Việt Nam, khoảng 10% khối lượng cà phê giao dịch là có chứng chỉ (tức được đảm bảo mức giá tối thiểu theo như Bộ quy tắc hành xử trong các tiêu chuẩn này). Như vậy, 90% khối lượng giao dịch là cà phê không theo tiêu chuẩn. Nhóm này sẽ dễ bị dìm giá, định đoạt theo nhóm “không đạt chuẩn”.

Để được thụ hưởng mức giá ưu đãi, các hộ nông dân cần phải đạt một trong các bộ quy chuẩn. Chứng chỉ thương mại công bằng không phải miễn phí mà có hàng loạt mức phí được đặt ra như phí ban đầu, phí thành viên, phí kiểm tra hằng năm và nhiều khoản phí khác. Điều này khiến tấm giấy chứng nhận này trở nên xa vời hơn với các hộ nông dân nhỏ của Việt Nam, và điều này đồng nghĩa với mức giá cà phê sẽ tiếp tục thiếu công bằng trong tương lai. (Còn tiếp)

Theo baothanhnien.com.vn