Nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Hà: Tập trung cho cây công nghiệp

Ông Trương Quốc Khánh – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà – cho rằng với điều kiện tự nhiên và cơ cấu cây trồng như hiện nay, để phát triển nhanh và bền vững, ngành nông nghiệp Lâm Hà cùng với sản xuất rau, hoa, cá nước lạnh công nghệ cao phải đặc biệt chú trọng tới việc đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng có diện tích lớn theo hướng công nghệ cao (tức là ở mức độ ứng dụng công nghệ cao thấp hơn) là cà phê, chè và dâu tằm.

hu hoạch cà phê cao sản ở Phú Sơn (Lâm Hà).
hu hoạch cà phê cao sản ở Phú Sơn (Lâm Hà).

Có thể nói định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của ngành nông nghiệp Lâm Hà đang có những khác biệt với một số địa phương lân cận khi Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng… tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau và hoa trong nhà lưới, nhà kính thì ngành nông nghiệp Lâm Hà lại hướng vào các giống cây công nghiệp dài ngày trồng ngoài trời. Năm 2012 và những năm về trước, Lâm Hà cũng đã từng bước triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như mô hình trồng hoa trong nhà kính tại Tân Văn, Gia Lâm, Nam Ban với quy mô 1,5 ha; nuôi thả cá nước lạnh tại xã Liên Hà và cũng đã trình diễn các mô hình thâm canh cây dài ngày như mô hình trồng 7,7 ha chuối Laba, mô hình tạo thuận lợi cho một vài doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất – bao tiêu chè chất lượng cao trên diện tích 41 ha tại xã Phúc Thọ và xã Mê Linh, xây dựng các vùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4c với khoảng 1.000 hộ nông dân tham gia. Tuy diện tích chưa nhiều như các địa phương bạn trong tỉnh, nhưng với áp dụng nông nghiệp công nghệ cao các hộ trồng hoa đã có thu nhập 2 tỷ đồng/ha/năm, trồng chuối Laba cho thu nhập 0,6 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt mô hình thả cá nước lạnh tại hồ ĐạSa (xã Liên Hà) cho thu nhập tới 9 tỷ đồng/ha/năm. Tuy cho thu nhập rất cao, nhưng các mô hình rau, hoa và cá nước lạnh sản xuất công nghệ cao rất khó nhân rộng tại Lâm Hà do điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai…), tập quán sản xuất và cơ cấu cây trồng của huyện hiện tại và lâu dài vẫn phù hợp hơn, thích hợp hơn với cây công nghiệp dài ngày.

Với định hướng này, tới năm 2015 ngành nông nghiệp Lâm Hà, theo ông Trương Quốc Khánh, sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao với 350 ha rau, hoa và khoảng 3 ha mặt nước nuôi thả cá nước lạnh; trong khi đó, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao sẽ được triển khai trên 4.000 ha cà phê (bằng 10% diện tích cà phê hiện có của địa phương), 529 ha chè (bằng 100% diện tích chè của huyện có cùng thời điểm), 550 ha dâu (trên diện tích 3.000 ha dâu sẽ có trong cùng thời điểm) và khoảng 250 ha lúa nước (khu vực Tân Văn và Đại Đờn).

Để đạt mục tiêu này, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp theo hướng công nghệ cao sẽ nhận được quan tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị địa phương khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục cùng các ngành có liên quan của huyện và chính quyền cơ sở tiếp tục quy hoạch quỹ đất nông nghiệp trồng rau, hoa công nghệ cao tại Đinh Văn, Tân Văn và Nam Ban; xây dựng quy hoạch chi tiết các khu chăn nuôi và điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại Đinh Văn, Phúc Thọ, Gia Lâm, Nam Ban và Tân Hà. Đẩy mạnh công tác chọn tạo giống cây chất lượng cao kết hợp với ứng dụng công nghệ vi sinh, lựa chọn công nghệ thiết bị mới, xây dựng quy trình sản xuất và quy chuẩn sản xuất để mở rộng diện tích thâm canh cà phê, chè, dâu tằm – nhất là đối với cây cà phê và cây chè. Cùng với thực hiện các chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, thu hút các chương trình dự án khoa học của Nhà nước và các thành phần kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp có công nghệ và tính bền vững cao, Lâm Hà còn tập trung xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất, dịch vụ sản xuất; hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại và các mô hình liên kết tự nguyện giữa nông dân với doanh nghiệp…

Với các giải pháp đồng bộ và có tính khả thi này, huyện Lâm Hà phấn đấu tới năm 2015 đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 20 tới 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương.

Theo baolamdong.vn